Trong khi thị trường nội địa ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ngày càng trở nên rộng lớn, tại sao các công ty của họ phải bận tâm việc phát triển qua biên giới và cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài?
Bài học từ sự phục hồi của “huyền thoại” châu Á Tại sao "gia đình trị" phát triển ở châu Á? Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở châu Á Doanh nghiệp nhà nước và "bẫy khủng long" Báo cáo đặc biệt của Economist về doanh nghiệp châu Á: Châu Á trỗi dậy (P2) Châu Á trỗi dậy
Báo cáo đặc biệt tháng 5 của tạp chí kinh tế The Economist là câu chuyện xoay quanh chủ đề các doanh nghiệp châu Á. Chúng tôi xin lược dịch báo cáo này, mong muốn đem đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về sự hình thành, phát triển cũng như những ưu, nhược điểm của các doanh nghiệp châu Á.
Bài viết này đưa ra lý do chứng tỏ toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp châu Á.
Jujio Mitarai là chuyên gia trong việc phát triển các công ty đa quốc gia. Vị chủ tịch 78 tuổi này là người nắm quyền điều hành Canon – một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản. Với giá trị khổng lồ 43 tỷ USD, tập đoàn sản xuất hầu như mọi thứ từ máy quét đến ống kính máy ảnh cho Hollywood.
Trụ sở đầu tiên được thành lập ở New York năm 1955, nhưng mất hơn 20 năm để xâm nhập thị trường thành công bằng các cuộc cải cách mang phong cách tương tự Apple. Năm 1976, công ty đưa ra thị trường máy ảnh tự động ống kính đơn giá rẻ, đi kèm một chiến lược quảng bá rầm rộ.
Ông Mitarai đã tham gia vào chiến dịch đó và những ký ức khi nhớ lại vẫn khiến ông mỉm cười hài lòng. “Các đối thủ cạnh tranh khi đó cho rằng hành động của chúng tôi thật điên rồ.” Hiện nay, Canon đã trở thành "gã khổng lồ" nhưng cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các điện thoại thông minh và các hãng máy ảnh giá rẻ. Ông Mitarai nhấn mạnh cải cách và đổi mới liên tục sẽ giúp công ty trụ vững trên thị trường. Tập đoàn đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa sản phẩm từ camera giám sát cho tới các studio thiết kể ảo và vật liệu in ấn 3D.
Theo lẽ thường, các công ty mới nổi ở châu Á nên tiếp thu bài học từ Canon để hòa nhập với thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Trong khi thị trường nội địa ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ngày càng trở nên rộng lớn, tại sao các công ty của họ phải bận tâm việc phát triển qua biên giới và cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài.
Sau cùng, nhiều ý kiến cho rằng họ nên tập phát triển qui mô và thâu tóm thị trường nội địa. Xu hướng này dường như khá phổ biến tại Mỹ, nơi các tập đoàn đều chú trọng mở rộng thị trường trong nước. Trong khi đó ở châu Âu, thị trường nội địa dường như quá nhỏ để các tập đoàn dựa vào và tìm cơ hội phát triển. Lợi nhuận từ thị trường nội địa của các công ty Mỹ thường vượt xa lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài; ví dụ như ở Procter & Gamble sự chênh lệch này là gấp đôi.
Một vài ngành công nghiệp ở châu Á như bất động sản và sản xuất gia dụng sẽ giữ nguyên xu hướng phát triển nội địa. Bên cạnh đó, tương tự việc một số ngành công nghiệp đặc biệt ở Mỹ bị nắm trong tay bởi các ông trùm độc quyền, một số sản phẩm đặc thù ở châu Á cũng vậy. Dabur – có trụ sở tại Ấn Độ là tập đoàn chuyên hoạt động trong ngành sản xuất dược phẩm Ayurvedic và dầu dưỡng tóc. Ở Trung Quốc có tập đoàn Want Want chuyên sản xuất bánh gạo và Tingyi gắn liền với thương hiệu mì ăn liền. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, sự so sánh này thật khập khiễng. Các công ty mới nổi ở châu Á phải đối mặt với những thử thách khi gia nhập thị trường thế giới khác hẳn so với với các công ty phương Tây trong quá khứ. Toàn cầu hóa đang có tác động đến luật chơi theo nhiều cách.
Đầu tiên, các công ty châu Á phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu ngay tại thị trường nội địa. Các tập đoàn lớn ở Mỹ và châu Âu đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ USD vào châu Á . Nhưng xu hướng này đang có dấu hiệu chậm lại. Năm ngoái, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ thu được 11% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ các hoạt động ở châu Á, giảm mạnh so với con số 15% trong thời kỳ huy hoàng từ năm 2005 đến 2007.
Một số ngành công nghiệp đang trải qua thời kỳ phát triển hết sức khó khăn.Việc làm ăn của các công ty hàng hiệu xa xỉ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc. IBM, Vodafone và nhiều công ty khác bị chèn ép bởi các chính sách thuế ở Ấn Độ. Các công ty khai thác quặng ở Indonesia phải chịu qui định chặt chẽ hơn.
Tuy vậy, các công ty nước ngoài được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục đổ vào châu Á. Trên khắp châu lục, các ngành công nghiệp bao gồm hàng tiêu dùng, khách sản, thức ăn nhanh, ô tô, bia … khá mở cửa với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi một ngành công nghiệp xuất hiện sự cạnh tranh từ quốc tế, các công ty nội địa phải nỗ lực hơn nhiều lần. Li Ning là công ty sản xuất các sản phẩm thể thao được đặt tên theo người sáng lập vốn là một vận động viên nổi tiếng dành nhiều huy chương Olympic. Tuy vậy, danh tiếng của ông chủ và mối quan hệ chặt chẽ với các công ty địa phương không đủ để giúp họ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Nike và Adidas – những “ông trùm’ có tiếng toàn cầu. Cổ phiếu của họ liên tục bị giảm điểm.
Trong 20 năm gần đây, hầu hết các ngành công nghiệp trên thế giới đã bão hòa với sự thống trị của các doanh nghiệp đa quốc gia. Trong cuốn sách: “Is China Buying the World?” (tạm dịch: Trung Quốc đang nuốt trọn thế giới?), Peter Nolan đến từ đại học Cambridge cho rằng một số ngành sản xuất như ga, phanh xe, xử lý dữ liệu, máy rút tiền và các ngành công nghiệp phụ trợ … đều bị kiểm soát bởi ít nhất 3 tập đoàn lớn – chiếm 70% toàn thị trường. Mỗi “ông lớn” đều có một nhóm các nhà cung cấp đặc thù trên thị trường toàn cầu.
Chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển R&D mở ra nhiều câu chuyện thú vị.Tập đoàn Great Wall Motor của Trung Quốc và Mahindra & Mahindra của Ấn Độ được xem là những nhà vô địch trong ngành sản xuất ô tô châu Á, tuy vậy chi phí R&D của họ chỉ bằng 3% so với Volkswagen.
Năm ngoái, trong số các công ty được liệt kê trên toàn cầu, chi phí dành cho nghiên cứu R&D của các công ty châu Á chiếm 33%– tuy vậy chủ yếu nhờ sự đóng góp từ các công ty Nhật Bản. Họ chiếm 16 trong số 20 tập đoàn chịu bỏ ra chi phí lớn nhất châu Á. Ở những thị trường mới nổi như châu Á, chỉ một số ít doanh nghiệp theo kịp tiêu chuẩn những tập đoàn lớn trên thế giới.
Cuối cùng, thị hiếu tiêu dùng ở châu Á đang có nhiều thay đổi. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet và các phương tiện truyền thông, họ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới trên toàn thế giới. Vì vậy, các công ty châu Á phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế khi người tiêu dùng có nhiều sở thích “toàn cầu” hơn trước đây. Trong thời gian sắp tới, các công ty này hoặc là từ bỏ hoặc phải tự tìm cách “toàn cầu hóa” chính họ. Top 100 công ty lớn nhất châu Á chỉ có 32% doanh số bán hàng từ thị trường nước ngoài; và nếu bỏ đi các công ty Nhật Bản con số này chỉ còn 24%. Với Top 100 công ty lớn nhất châu Âu – tỷ lệ của họ là 52%. Cổ phiếu của các công ty châu Á trên thị trường vốn đầu tư trực tiếp quốc tế chiếm 17%, thấp hơn nhiều so với đóng góp vào GDP và vốn thị trường toàn cầu của họ.