Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17) và Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18).
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 17, Thông tư 18, từ 1/1/2025 nếu khách hàng không thực hiện cung cấp dữ liệu sinh trắc học, đồng thời chưa được kiểm tra đối chiếu thì sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến.
Tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định: “Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với:
(i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc (iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc (iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.…”
Tại khoản 6 Điều 16 Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với:
a) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc
b) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc
c) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc
d) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa”.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2025 (ngày 2 quy định trên hiệu lực thi hành) nếu khách hàng không thực hiện cung cấp dữ liệu sinh trắc học, đồng thời chưa được kiểm tra đối chiếu thì sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nhu cầu thì chỉ có thể trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Theo NHNN, các quy định nêu trên nhằm kiểm tra xác minh thông tin chủ tài khoản thanh toán (TKTT)/chủ thẻ, người đại diện của chủ TKTT (đối với khách hàng cá nhân), người đại diện hợp pháp của chủ TKTT (đối với khách hàng tổ chức) đảm bảo “chính chủ”, không yêu cầu khách hàng phải xác thực thông tin sinh trắc học đối với từng giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.
Việc kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của khách hàng chỉ cần thực hiện một lần trước khi thực hiện các giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; đối với các giao dịch phi tài chính (ví dụ: xem sao kê, tra cứu thông tin…) vẫn được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ giả mạo để mở TKTT/phát hành thẻ phục vụ cho mục đích giao dịch gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật.
Theo NHNN, việc ban hành Thông tư 17 trên cơ sở quy định tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và phù hợp hơn với các văn bản pháp lý hiện hành, đồng thời chỉnh sửa một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Bên cạnh quy định trên, Tại Thông tư 17 cũng quy định về hồ sơ mở TKTT tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: đối với công dân Việt Nam bổ sung “Thẻ căn cước”, “Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2)”; đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch bổ sung “Giấy chứng nhận căn cước”; đối với người nước ngoài bổ sung“hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực”,“danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2) (nếu có)” để phù hợp phù hợp với Luật Căn cước năm 2023, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Về việc mở TKTT bằng phương tiện điện tử, Thông tư 17 quy định ngân hàng chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ TKTT (đối với khách hàng là cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập).
Thông tư 17 cũng bổ sung quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở, sử dụng TKTT, trong đó quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng quy trình quản lý kiểm soát rủi ro trong quá trình mở, sử dụng TKTT.
Còn với Thông tư 18, việc ban hành Thông tư trên cơ sở quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 và Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán nói chung và hoạt động thẻ ngân hàng nói riêng; đồng thời đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai. Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng thay thế Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 và các văn bản bản sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN.
Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng với một số chính sách mới nhằm tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể như: Quy định về định danh khách hàng trong đó quy định cụ thể về các giấy tờ tùy thân của khách hàng phải cung cấp; quy định về việc định danh xác thực khách hàng khi phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử; quy định về hạn mức giao dịch đối với thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng; quy định về tổng hạn mức rút tiền mặt đối với chủ thẻ tính theo BIN (mã tổ chức phát hành thẻ) của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng trong 01 tháng.
Với Thông tư số 17/2024/TT-NHNN và Thông tư số 18/2024/TT-NHNN, NHNN tiếp tục siết thêm một vòng bảo mật nữa để bảo vệ tài khoản của khách hàng khi đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản "rác" vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo, qua đó sẽ góp phần tăng cường an ninh, an toàn tài khoản cho khách hàng và trong hoạt động thẻ ngân hàng, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.
Thêm lớp bảo mật, bảo vệ tốt hơn khách hàng
Trước đó, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng, kể từ ngày 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học. Quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến, phòng, chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo. Đây cũng là giải pháp góp phần hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất cho khách hàng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo đà cho chuyển đổi số ngân hàng.
Biện pháp xác thực bằng sinh trắc học hiện nay được đánh giá là biện pháp bảo đảm an toàn và thuận tiện nhất cho khách hàng, giúp tăng cường phòng, chống các nguy cơ bị lừa đảo, trộm cắp thông tin đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử bằng mật khẩu, OTP.
Bên cạnh các giải pháp trên, thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) của ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN trong triển khai Đề án 06, nhiều TCTD, trung gian thanh toán (TGTT) đã và đang phối hợp với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Để đảm bảo an toàn tài khoản cho khách hàng trên không gian mạng, về phía các TCTD cần triển khai tích hợp các biện pháp công nghệ về bảo vệ tăng cường như: Áp dụng các cơ chế giám sát, phòng chống giao dịch bất thường, giao dịch gian lận đối với kênh ngân hàng điện tử để có cảnh báo sớm và biện pháp ngăn chặn kịp thời với các giao dịch đáng ngờ của khách hàng; Tăng cường sử dụng dịch vụ, công nghệ mới về Threat Intelligence để sớm phát hiện các vụ việc lộ, lọt thông tin tài khoản, xác thực của khách hàng trên mạng Internet cũng như có cơ chế nhanh chóng gỡ bỏ (take down) các website giả mạo; Thực hiện nhận diện khách hàng (KYC) đối với các giao dịch nhạy cảm như chuyển tiền số lượng lớn, kích hoạt lại thiết bị mới; Nghiên cứu áp dụng cơ chế phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn sử dụng ứng dụng mobile banking đối với các thiết bị bị phá khóa (jailbreak) hoặc thiết bị đã kích hoạt quyền trợ năng; Áp dụng các cơ chế phát hiện đăng nhập trên thiết bị lạ; Việc kích hoạt thiết bị điện tử giao dịch Internet Banking cũng được áp dụng các biện pháp xác thực mạnh với quy trình xác thực lại chặt chẽ đòi hỏi sự tương tác chủ động của khách hàng thay vì các yếu tố xác thực tĩnh...
Ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, đảm bảo dễ hiểu với công chúng và có tính lan tỏa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Trong đó, cần tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng để người dân không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê, cho mượn tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền…
Cụ thể, Khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 (đã sửa đổi, bổ sung) quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thanh Thủy