Xuất phát từ thực tiễn BHTGVN được giao thêm những nhiệm vụ mới trong tham gia sâu hơn tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém (đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân), cùng với đó là việc áp dụng các thành tựu công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đòi hỏi cán bộ nghiệp vụ cần có những kỹ năng, kiến thức chuyên sâu hơn để nâng cao năng lực bản thân, đảm nhiệm các công việc hiện tại cũng như sẵn sàng tham gia vào những nhiệm vụ mới trong tương lai. Những năm gần đây, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ nghiệp vụ của BHTGVN đang ngày càng được đầu tư cả chiều sâu và chiều rộng.
Tỷ trọng về số khóa đào tạo cán hộ nghiệp vụ và số lượt học viên tăng
Tính từ năm 2016 cho đến hết tháng 10/2021, BHTGVN đã tổ chức và cử tham gia 195 khóa đào tạo với 5.270 lượt học viên, trong đó có 73 khóa đào tạo dành riêng cho cán bộ nghiệp vụ với tổng số lượt học viên là 2.692 người.
Năm |
Số khóa đào tạo nghiệp vụ |
Số lượt học viên được đào tạo nghiệp vụ |
Năm 2016 |
6 |
524 |
Năm 2017 |
10 |
592 |
Năm 2018 |
16 |
628 |
Năm 2019 |
15 |
186 |
Năm 2020 |
12 |
540 |
Năm 2021(tính đến hết tháng 10/2021) |
14 |
222 |
Tổng số |
73 |
2.692 |
Sẽ không nhận thấy việc đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ nghiệp vụ nếu chỉ nhìn vào biến động tăng/giảm về số lượng khóa đào tạo và số lượt học viên qua các năm. Tuy nhiên, khi đặt trong một bức tranh tổng thể, hoạt động đào tạo dành cho cán bộ nghiệp vụ những năm gần đây có những dịch chuyển đáng kể, đặc biệt là tỷ trọng số khóa đào tạo cán bộ nghiệp vụ và số lượt học viên tăng lên so với tổng số khóa và tổng số lượt học viên trong năm.
Hình 1: Tỷ lệ về số khóa đào tạo qua các năm
Trong năm 2016, hoạt động nghiệp vụ chỉ được đầu tư vào 24% thì đến hết tháng 10 năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 54% về số khóa đào tạo. Cũng như vậy, tỷ lệ về số lượt học viên được đào tạo nghiệp vụ trong 6 năm qua đạt trung bình từ 50,5%, trong đó cao điểm nhất là năm 2020 với tỷ lệ 70%.
Hình 2: Tỷ lệ về số lượt người được đào tạo qua các năm
Nội dung đào tạo chuyên sâu, nguồn giảng viên phong phú
Trong giai đoạn từ năm 2016-2018, các nội dung, chương trình đào tạo nghiệp vụ thông thường chủ yếu là tập huấn các văn bản, quy định mới có liên quan, sâu hơn nữa là chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trong nội bộ để triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo BHTGVN, ngoài các chương trình đào tạo thông thường, mang tính chất tập huấn nội bộ như đã nói ở trên, trong giai đoạn từ năm 2019 -2021, BHTGVN đã ban hành 3 đề án đào tạo để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ của BHTGVN theo từng chuyên đề: Đề án Đào tạo kỹ năng Trưởng đoàn kiểm tra cho cán bộ kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ BHTG tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng giai đoạn 2019-2021; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý thu phí và chi trả bảo hiểm tiền gửi.
Hình 3: Số lượng khóa đào tạo và số lượt học viên được đào tạo theo đề án
Mỗi đề án được bố trí từ 5 đến 6 khóa đào tạo, trong đó có các khóa cơ bản và nâng cao với trên 200 lượt học viên được đào tạo theo từng đề án. Học viên được trang bị từ kiến thức tổng quát về các quy định của pháp luật có liên quan đến nghiệp vụ mình đảm nhiệm, chia sẻ và thực hành các phương pháp, quy trình thực hiện, kỹ năng cần thiết để triển khai nhiệm vụ và hơn thế nữa là việc tiếp thu kinh nghiệm của các cá nhân, đơn vị trong nước và quốc tế. Tổng số nội dung dự kiến của 3 đề án nêu trên khoảng 160 nội dung với 34 chuyên đề lớn nhỏ khác nhau, trong đó riêng Chương trình đào tạo thuộc Đề án đào tạo dành cho các cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt bao gồm 56 nội dung thuộc 18 chuyên đề.
Trong giai đoạn từ 2019-2021, BHTGVN đã triển khai 9/16 khóa đào tạo thuộc 3 đề án. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ như: các khóa cơ bản và nâng cao dành cho nghiệp vụ giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; khóa đào tạo nội bộ về phân tích tình hình hoạt động đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; các khóa đào tạo về kỹ năng truyền thông hay các khóa bồi dưỡng khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị bên ngoài tổ chức...
Trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo, Phòng Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị đầu mối xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo phù hợp; lựa chọn và mời các giảng viên có nhiều kinh nghiệm,công tác trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi.
Qua báo cáo đánh giá kết quả học tập sau đào tạo của học viên, có tới 90-100% học viên đánh giá các nội dung, chương trình đào tạo và giảng viên ở mức độ tốt và rất tốt. Họ mong muốn được tiếp tục tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, để đánh giá được tính hiệu quả của công tác đào tạo trong thời gian gần đây đối với đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, Phòng Đào tạo cần có thời gian để triển khai hết các khóa đào tạo thuộc các đề án, đồng thời phối hợp với các đơn vị đầu mối rà soát và đánh giá lại các sản phẩm đầu ra sau quá trình đào tạo.
Linh hoạt trong công tác tổ chức đào tạo
Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020 và có những giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời kỳ dịch bệnh chưa được kiểm soát, vấn đề an toàn sức khỏe xã hội được đặt lên hàng đầu, các hoạt động hội thảo, họp, đào tạo được tiết giảm tối đa để đảm bảo an toàn và thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tiết giảm không có nghĩa là tạm dừng, hạn chế tổ chức đào tạo không có nghĩa là ngừng việc dạy và ngừng học. Với nhận thức đó, Phòng Đào tạo đã thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, chuyển dịch từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến, từ trực tuyến một phần sang trực tuyến toàn phần, tận dụng tối đa công nghệ trong công tác giảng dạy và học tập tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đây cũng là cơ hội dành cho cán bộ đào tạo phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tổ chức đào tạo, còn học viên có điều kiện làm quen với phương pháp học tập mới.
Theo đó, nhiều ứng dụng công nghệ đã được đưa vào công tác quản lý đào tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc sử dụng các ứng dụng trực tuyến như QR Code, Google Form, Google Drive, Microsoft Teams trong khâu tổ chức đã giúp cải thiện chất lượng khóa đào tạo và cải tiến hình thức tương tác với học viên. Toàn bộ tài liệu giảng dạy được lưu trữ và gửi đến từng học viên qua mã QR và qua Google Classroom, điều này đã giúp học viên có thể tra cứu tài liệu dễ dàng, vào mọi lúc, mọi nơi và lưu trữ tài liệu được lâu dài, khoa học. Ngoài ra, các bài kiểm tra trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams, Google Form đã khiến việc đánh giá học viên trở nên dễ dàng, nhanh chóng, rút ngắn thời gian đào tạo, đảm bảo độ chính xác cao. Có thể nói, ứng dụng đa dạng các hình thức đào tạo mới đã thay đổi tư duy đào tạo truyền thống bằng việc tận dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để cân bằng các mục tiêu đào tạo cụ thể.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn xác định hoạt động nghiệp vụ là hoạt động mũi nhọn và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Do vậy, để tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, BHTGVN đưa ra các giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục triển khai các đề án đào tạo đã được phê duyệt và định hướng cho các đơn vị thuộc BHTGVN xây dựng nhu cầu đào tạo dựa trên cơ sở Chiến lược phát triển BHTGVN và chiến lược phát triển ngành ngân hàng.
Hai là, tiếp tục duy trì mối quan hệ với các đơn vị, cá nhân để thiết lập danh sách đội ngũ giảng viên nòng cốt và phát triển thêm các nguồn giảng viên mới chất lượng, bám sát nội dung, chương trình đào tạo.
Ba là, linh hoạt trong việc tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa ổn định.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng mới của khoa học công nghệ trong công tác giảng dạy và học; đánh giá kết quả đào tạo và quản lý đào tạo.