Thực tiễn quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với QTDND yếu kém
Giám sát được xác định là hoạt động nòng cốt trong việc phát hiện sớm các TCTD yếu kém nói chung và QTDND yếu kém nói riêng. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác giám sát, phân nhóm các QTDND, thực hiện giám sát chuyên sâu các QTDND có vấn đề theo quy định của BHTGVN, Chi nhánh còn chủ động tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động của QTDND từ các nguồn khác. Thực hiện theo dõi và tra soát các đơn vị phát sinh biến động mạnh về số dư tiền gửi được bảo hiểm, kết hợp phân tích xu hướng hoạt động của đơn vị nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các QTDND. Qua giám sát chuyên sâu, Chi nhánh nắm bắt được tình hình hoạt động của các đơn vị, những vấn đề được phát hiện đều có đề xuất, kiến nghị với đơn vị, NHNN và BHTGVN trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, Chi nhánh thường xuyên cử đoàn công tác đến trực tiếp địa bàn để nắm bắt tình hình, hoặc khi nhận được thông tin bất thường từ đơn vị, như các sự kiện tại QTDND Bình Minh, Bình Kiều, Quang Hưng, Đại Tập - tỉnh Hưng Yên; QTDND Thọ Lộc, Hoàng Mai – thành phố Hà Nội; QTDND Hòa Sơn, Chăm Mát – tỉnh Hòa Bình; Chiềng Sung – tỉnh Sơn La đều có ngay đoàn công tác đến làm việc cùng Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương và đơn vị để cùng thảo luận biện pháp, cách thức phối hợp, xử lý hiệu quả.
Cùng với giám sát từ xa, kiểm tra trực tiếp là hoạt động then chốt trong phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn của các TCTG BHTG, đặc biệt là các QTDND yếu kém. Kết quả đánh giá các hoạt động kiểm tra trực tiếp cho thấy việc tăng cường kiểm tra hồ sơ tiền gửi, thực hiện đối chiếu trực tiếp với khách hàng gửi tiền (khi thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN) đã giúp tăng khả năng phát hiện các vấn đề liên quan đến rủi ro hoạt động trong huy động tiền gửi của TCTG BHTG. Chi nhánh đã thực hiện kiểm tra trực tiếp 52 cuộc đối với 19 QTDND yếu kém. Sau mỗi cuộc kiểm tra, các đoàn kiểm tra đều tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân các sai phạm, kiến nghị với đơn vị được kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung những thông tin, tài liệu còn thiếu, cũng như chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Đối với các QTDND đặt trong tình trạng KSĐB, Chi nhánh cử cán bộ tham gia theo yêu cầu từ NHNN. Có thời gian cao điểm Chi nhánh đã cử 11 cán bộ tham gia tại 09 Ban KSĐB, hiện tại có 08 cán bộ tham gia KSĐB tại 08 QTDND. Chi nhánh tham gia đánh giá phương án phục hồi tại QTDND Bình Kiều, Bình Minh, tỉnh Hưng Yên, kết quả đánh giá được các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao.
Trong quá trình triển khai hai nghiệp vụ giám sát và kiểm tra, việc lồng ghép tuyên truyền chính sách BHTG không những góp phần hỗ trợ các TCTG BHTG, người gửi tiền hiểu rõ hơn về chính sách BHTG mà còn là cầu nối tạo mối liên hệ giữa người gửi tiền với BHTGVN trong việc theo dõi, giám sát TCTG BHTG để từ đó hỗ trợ đắc lực cho hoạt động phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
Thông tin về tình hình hoạt động của các QTDND, đặc biệt là QTDND thuộc diện KSĐB còn chưa thu nhận được đầy đủ. kịp thời, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phát hiện sớm và lựa chọn phương án can thiệp kịp thời các QTDND yếu kém. Mặc dù đã có cơ chế chia sẻ thông tin giữa NHNN và BHTGVN, tuy nhiên thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc trao đổi, thu thập thông tin phải thực hiện qua nhiều đầu mối khác nhau tạo nên độ trễ lớn trong quá trình chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về thu nhận, tổng hợp và xử lý dữ liệu cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của QTDND.
Qua công tác kiểm tra các QTDND trong diện NHNN dự kiến xử lý pháp nhân, Chi nhánh đã phát hiện kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong hồ sơ tiền gửi của đơn vị và kiến nghị biện pháp xử lý theo các văn bản hướng dẫn của BHTGVN. Tuy nhiên, việc khắc phục tồn tại sau kiểm tra của các đơn vị này còn rất chậm, thậm chí có đơn vị không thực hiện.
Hoạt động của các Ban KSĐB luôn có những đặc thù riêng phụ thuộc vào điều kiện của từng quỹ, do chưa quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của thành viên Ban KSĐB là cán bộ BHTGVN nên cán bộ tham gia KSĐB còn gặp nhiều khó khăn trong cập nhật và chia sẻ thông tin với Ban KSĐB. Ngoài ra, Chi nhánh không nhận được Bảng cân đối của các QTDND từ nguồn CDIS-629, do NHNN chưa phê duyệt.Vì vậy, Chi nhánh không có số liệu để đánh giá các chỉ tiêu hoạt động các QTDND yếu kém theo đúng yêu cầu về thời gian của BHTGVN.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về các QTDND yếu kém nói riêng và các tổ chức tham gia BHTG nói chung. Việc này giúp giảm thiểu độ trễ trong quá trình phân tích, xử lý thông tin, tạo tiền đề chuyển đổi từ giám sát tuân thủ sang giám sát trên cơ sở rủi ro (được đánh giá là hiệu quả hơn trong việc phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của TCTD).
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG, đặc biệt tuyên truyền về các hoạt động nghiệp vụ, về kết quả hoạt động của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đối tượng người gửi tiền là thành viên QTDND.
Thứ ba, BHTGVN cần tổ chức nhiều lớp đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ nghiệp vụ, đặc biệt là cán bộ tham gia KSĐB, xử lý QTDND yếu kém.
Đồng thời, đề xuất NHNN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong quá trình chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý các QTDND yếu kém nói riêng và các tổ chức tham gia BHTG nói chung. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như thông tư quy định về phối hợp, chia sẻ thông tin giữa NHNN với BHTGVN, quy định cụ thể hơn quyền hạn và nhiệm vụ của cán bộ BHTGVN tham gia vào Ban KSĐB… để phù hợp hơn với thực tiễn và các văn bản pháp lý hiện hành./.
Phạm Thị Hân - Phòng Tổng hợp, Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại TP. Hà Nội (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động, Hà Nội.
Th.s Bùi Ngọc Giang (2020), Giải pháp tăng cường hoạt động của BHTGVN trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, từ thực tiễn của Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Hà Nội.
http://div.gov.vn
http://sbv.gov.vn