Trong hành trình 22 năm qua, thực hiện đồng thời hai nhóm nhiệm vụ: Thực hiện các nghiệp vụ thu phí BHTG - chi trả tiền gửi được bảo hiểm; Giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG…, BHTGVN ngày càng đóng vai trò điểm tựa cho sự phát triển và tham gia tích cực hơn vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần giữ ổn định chung hệ thống ngân hàng quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Bảo vệ quyền lợi và củng cố lòng tin của người gửi tiền vào các TCTD
Nhiệm vụ chủ yếu của BHTGVN là sử dụng nguồn Quỹ dự phòng nghiệp vụ của mình để chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm tại các TCTD. Với nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt 79.342 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 73.615 tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm 2020. Với nguồn vốn hiện hành, BHTGVN đang triển khai các nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh nghiệp vụ chi trả BHTG, BHTGVN còn dùng nguồn lực tài chính của mình cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt (KSĐB) các TCTD theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017; Khoản 13 Điều 13 Luật BHTG và Quyết định số 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018, cũng như hướng dẫn thực hiện quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019.
Vì vậy, việc tăng năng lực tài chính và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hiện có là nhu cầu cấp thiết của BHTGVN. Các biện pháp tăng năng lực tài chính cho BHTGVN chủ yếu bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung; tăng mức và mở rộng đối tượng thu phí BHTG; tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi một cách linh hoạt giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp, bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn…
Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn chỉnh các thể chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính, bao gồm: Bổ sung khung pháp lý, như Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các văn bản hướng dẫn kèm theo; Thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính và xây dựng các kịch bản, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính khi xảy ra các xung đột lợi ích trong quá trình sử dụng dịch vụ tài chính. BHTGVN cũng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tiếp cận người gửi tiền thông qua website hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, thiết lập hotline hỗ trợ trực tiếp và nhanh chóng cho người gửi tiền
Ngoài ra, BHTGVN đã và cần tiếp tục coi trọng tuyên truyền chính sách BHTG, nâng cao hiểu biết tài chính và giúp người dân có thể sáng suốt lựa chọn sản phẩm tài chính phù hợp, tránh được rủi ro lừa đảo, gian lận, góp phần củng cố lòng tin của họ vào chính sách BHTG và hoạt động của các TCTD.
Tăng cường vai trò trong giám sát và cơ cấu lại TCTD
Việc kiểm soát tốt rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG giúp BHTGVN bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giảm bớt khả năng đổ vỡ TCTD và xác suất phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức BHTG, đồng thời, giúp giảm áp lực chi phí xử lý khủng hoảng lên ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.
Tại Việt Nam, hệ thống giám sát của BHTGVN từ trước đến nay được xây dựng theo hướng giám sát rủi ro, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ các tổ chức tham gia BHTG. Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN thực hiện các hoạt động cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ 100% các TCTD tham gia BHTG. BHTGVN cử cán bộ tham gia các ban KSĐB nhằm giám sát, đối chiếu, xác minh số liệu về tiền gửi và người gửi tiền để lên được danh sách dự kiến chi trả trong trường hợp xảy ra đổ vỡ; xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để chủ động nguồn lực tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB đủ điều kiện vay vốn; chủ động đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi và tham gia xây dựng phương án phá sản của TCTD được KSĐB...
Theo BHTGVN, trong 9 tháng đầu năm 2021, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra đối với 200/349 tổ chức tham gia BHTG, đạt 57,3% kế hoạch định kỳ, bao gồm 22 ngân hàng và 178 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); kiểm tra 6/35 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2021. Công tác giám sát được thực hiện đối với 100% tổ chức tham gia BHTG thông qua khai thác dữ liệu từ NHNN và thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; theo dõi, phân tích và xây dựng các báo cáo giám sát định kỳ hàng quý đối với tổ chức tham gia BHTG, các báo cáo giám sát chuyên sâu định kỳ hàng tháng đối với QTDND có vấn đề; kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị NHNN các vấn đề bất thường phát sinh có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD. BHTGVN đã chủ động theo dõi thường xuyên, giám sát chuyên sâu đối với các QTDND có vấn đề, cử cán bộ tham gia các Ban KSĐB, thực hiện miễn phí BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG được KSĐB theo quy định; nghiên cứu, xây dựng Quy chế đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô được KSĐB và Quy chế tham gia vào quá trình KSĐB tổ chức tham gia BHTG; tham gia ý kiến đối với Phương án cơ cấu lại các QTDND được KSĐB; Dự thảo xây dựng kế hoạch và đề cương Đề án tổng thể cơ cấu lại hệ thống QTDND và định kỳ gửi NHNN báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD; xây dựng mức vốn dự phòng đối với nghiệp vụ cho vay đặc biệt năm 2021, sẵn sàng cho vay đặc biệt khi có phát sinh.
Đồng thời, BHTGVN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN trong việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án Hạn mức trả tiền bảo hiểm; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các quy định có liên quan tạo điều kiện để BHTGVN tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD theo nhiệm vụ được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Qua phân tích, đánh giá đầy đủ, phân loại chính xác về hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN có căn cứ xác đáng đưa ra biện pháp xử lý và cảnh báo kịp thời, giúp các tổ chức tham gia BHTG nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường minh bạch thông tin tài chính của các TCTD; Đồng thời, tham mưu cho NHNN trong xếp hạng và thực hiện thu phí các tổ chức tham gia BHTG theo mức độ rủi ro, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong toàn hệ thống.
Thực tiễn cho thấy, Luật BHTG hiện hành cần sửa đổi theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan, bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới của BHTGVN, bảo đảm Luật BHTG của Việt Nam đáp ứng được chuẩn mực chung của quốc tế, trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm BHTG của các nước và hướng dẫn phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, nhằm nhận diện và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống rủi ro ngân hàng có thể xảy ra, trước mắt cần coi trọng định hình và hoàn thiện cơ chế, quy trình phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin giữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, Bộ Tài chính, NHNN, BHTGVN, trên cơ sở có sự phân công rõ ràng về khu vực giám sát của từng cấu phần để tạo tính chủ động, trách nhiệm trong quá trình giám sát, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống, ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát.
Đồng thời, để BHTGVN hoàn thành tốt vai trò điểm tựa của mình, NHNN cần khuyến khích và gia tăng áp lực buộc các TCTD áp dụng các yêu cầu về an toàn cao theo Basel II và Basel III.
Thực tế, thời gian qua Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG, mặc dù Luật BHTG tại Việt Nam có đặt ra cơ sở cho việc quy định mức phí bảo hiểm phân biệt. Thậm chí, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD thì TCTD thuộc diện KSĐB được miễn nộp phí BHTG. Về lâu dài, Việt Nam nên sớm áp dụng mức phí phân biệt với lộ trình phù hợp nhằm tăng tính công bằng, minh bạch cho hệ thống các TCTD, củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Theo BHTGVN, trong thời gian tới, BHTGVN tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG khi có yêu cầu; Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ngay sau khi được phê duyệt; Chủ động phối hợp, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ để triển khai Đề án hạn mức trả tiền BHTG khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Theo dõi sát sao và xây dựng đa dạng các phương án triển khai công tác kiểm tra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch kiểm tra; Thực hiện tính và thu phí BHTG theo đúng quy định, hoàn thành mục tiêu thu phí BHTG theo Kế hoạch được NHNN giao; Tăng cường nghiên cứu, đề xuất thực hiện các phương án đầu tư nguồn vốn an toàn, hiệu quả; Đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa chính sách BHTG đi vào đời sống, tăng cường niềm tin của người gửi tiền trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Về tổng thể, trong thời gian tới, để củng cố vai trò điểm tựa cho sự phát triển các TCTD của chính sách BHTG cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng để BHTGVN có vai trò quan trọng và thực chất hơn trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro TCTD; tăng cường năng lực tài chính và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTGVN vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu...