Theo quy định tại Khoản 4 Luật BHTG “BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản”.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm ở Việt Nam qua các thời kỳ
Hạn mức BHTG được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật BHTG“là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.
Theo thông lệ, chính sách BHTG tập trung bảo vệ quyền lợi của số đông khách hàng, là những người gửi tiền nhỏ, có thu nhập thấp, ít thông tin và không đủ khả năng để lựa chọn nên gửi tiền ở ngân hàng nào.Ở Việt Nam,lượng khách hàng nhỏ thường chiếm khoảng75-80% và số tiền họ gửi chỉ bằng 10-15% tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng.
Hạn mức BHTG được xác định phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng quốc gia, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau: Thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người; tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ trên tổng số người gửi tiền; vàquy mô quỹ BHTG.
Ở Việt Nam, hạn mức BHTG ban đầu (năm 1999) là 30 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm áp dụng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức chi trả trên thế giới vào khoảng 3-12 lần GDP bình quân.
Năm 2005, hạn mức BHTG được điều chỉnh tăng lên 50 triệu đồng, bảo vệ được toàn bộ tài khoản khoảng 81% khách hàng gửi tiền và tương đương 3 lần GDP bình quân đầu người [1].
Năm 2017, hạn mức BHTG tăng lên 75 triệu đồng, có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền [2], và gấp khoảng 1,5 lần GDP bình quân đầu người của năm 2016.
Đến nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng giá tiêu dùng trong suốt 4 năm vừa qua, hạn mức này đã trở nên không phù hợp, do thu nhập và số dư tiền gửi bình quân của người gửi tiền đã tăng vượt xa mức 75 triệu đồng.Khi tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa, phá sản, phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít, chỉ gấp khoảng 1,2 lần GDP bình quân đầu người ở nước ta năm 2020 – khoảng2.750 USD [3], thấp hơn nhiều so với thông lệ quốc tế.
Tăng khả năng bảo vệ người gửi tiền
Với tốc độ tăng giá tiêu dùng những năm qua, cùng với GDP bình quân đầu người dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới, việc tăng hạn mức BHTG hiện naykhông những là cần thiết mà còn là cấp thiết, giúp cho người gửi tiền càng an tâm khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đang suy giảm như hiện nay. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 6 năm 2021, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 5,11 triệu tỉ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2020, thì tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng không đáng kể, đạt 5,29 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng so với cùng kỳ những năm trước (tháng 5 năm 2012 tăng gần 16%, tháng 5 năm 2013 tăng 14,26% và năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5%, năm 2019 tăng 6,84%, năm 2020 tăng 4%).
Tuy nhiên, hạn mức BHTG tăng ở mức nào thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đã phân tích, trong đó có nguồn chi trả.
Khi xác định tăng hạn mức BHTG nhiều quốc gia điều chỉnh tăng phí BHTG để đảm bảo đáp ứng khả năng chi trả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế đang chịutác động bởi dịch bệnh Covid -19 như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Mặt khác,tổ chức BHTG ngoài việc dự nguồn cho chi trả, cũng cần duy trì một khoản cần thiết để hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG, xử lý đổ vỡ, ngăn ngừa rủi ro các tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa, phá sản.
Ở Việt Nam, sau hơn 20 năm hoạt động, từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng,BHTGVN đã tích lũy, đầu tư nguồn thu từ phí BHTG để tăng quy mô tổng tài sản lên hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng tài chính quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm với hạn mức phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế mà không cần tăng phí BHTG.
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, tức là tương đương gần 2 lần GDP bình quân năm 2020 và bảo vệ được khoảng 90,94% người gửi tiền. Hạn mức này phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, cần sớm được Chính phủ phê duyệt để triển khai nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Tăng hạn mức BHTG không những tăng khả năng bảo vệ người gửi tiền, mà còn giúp họ an tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, góp phần tăng trưởng huy động vốntrong bối cảnh tiền gửi dân cư tăng chậm như hiện nay, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước./.
Tài liệu tham khảo
[1] https://vnexpress.net/ngan-hang-muon-tang-han-muc-bao-hiem-tien-gui-2683142.html
[2] https://www.pti.com.vn/-bao-hiem-tien-gui-bao-ve-duoc-87-32-so-luong-nguoi-gui-tien.htm
[3] https://nhandan.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/