Ngày 15/4/2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP, trong đó Chính phủ quyết nghị các nội dung chủ yếu về dự án Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu theo hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật và Nghị quyết gồm các nội dung chủ yếu: Về biện pháp chuyển giao bắt buộc; Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; Về cơ chế thuế, phí trong xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC, ...; Về thẩm quyền trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Về nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu; Việc phân bổ lãi dự thu... Trong đó có 04 vấn đề cần lưu ý như sau:
Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Trường hợp các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt. Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản...của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể cho phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.
Về thẩm quyền trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cần quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, theo hướng Chính phủ quyết định phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt; Ngân hàng Nhà nước quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Việc quy định về miễn trách nhiệm là cần thiết, tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về “kết quả” của việc thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Về nguồn lực, cần quy định đầy đủ về các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng nguồn lực nhà nước, kể cả trường hợp cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường thì làm rõ các trường hợp phải sử dụng và phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Để có diễn đàn trao đổi, thảo luận sâu hơn về nội dung trên, ngày 23/5/2017, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Từ góc độ chính sách và pháp luật”. Hai Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: ông Nguyễn Đức Kiên, ông Dương Quốc Anh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ông Nguyễn Kim Anh và Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo đã có hơn 100 đại biểu là các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương, các ngân hàng thương mại (NHTM), các chuyên gia kinh tế, luật sư… tham gia thảo luận. Theo báo cáo tại Hội thảo, những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Nếu nhìn lại tình hình hiện nay so với 5 năm trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngân hàng hoạt động ổn định, thanh khoản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, khống chế chặt chẽ, giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến thời điểm 01/2017, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%). Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 02/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Chưa có quy định của pháp luật đầy đủ để bảo vệ quyền của chủ nợ hợp pháp của TCTD /VAMC, không có điều kiện để tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua Tòa án còn kéo dài (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày nhưng thực tế là khoảng 2 năm), chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ. Trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Một trong những điểm mấu chốt để xử lý nợ xấu chính là phải xử lý được tài sản bảo đảm (TSBĐ). Pháp luật cần có quy định cho phép bên cho vay (TCTD) có quyền thu giữ TSBĐ khi bên vay vi phạm cam kết không trả được nợ; sau khi thu giữ TSBĐ, TCTD được bán TSBĐ theo giá thị trường, có thể thấp hơn giá trị sổ sách; TCTD chuyển nhượng, sang tên tài sản cho người mua; được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ; khi có tranh chấp khởi kiện ra tòa thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn để rút ngắn quy trình, thủ tục tố tụng tại tòa án, giúp TCTD xử lý nhanh TSBĐ. Đây là những tiền đề cần thiết để hình thành thị trường mua - bán nợ theo thông lệ quốc tế và giúp các tổ chức quản lý tài sản, các công ty xử lý nợ, bao gồm cả Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) có thể giải quyết nhanh chóng khối lượng nợ xấu đã mua từ các TCTD. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, để tháo gỡ triệt để được những khó khăn, vướng mắc trên và thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020 cần thiết phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Nhiều diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Các TCTD với vai trò là trung gian tài chính, số tiền mà TCTD cho vay được huy động từ người gửi tiền. Việc không cho phép thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm các khoản vay của TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi nợ của TCTD. Khi TCTD không thu hồi được nợ, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động trước đây, thậm trí dẫn đến phá sản ngân hàng. Như vậy, việc TCTD không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm như các quy định hiện hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống TCTD, an toàn trật tự xã hội. Vì vậy, việc cho phép TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền phù hợp với Nghị quyết của Đảng,Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, điểm chú ý trong Dự thảo Nghị quyết này là không phân biệt nợ xấu của NHTM nhà nước hay NHTM cổ phần. Nghị quyết này chỉ xử lý số nợ xấu đến ngày 31/12/2016. Với các nợ xấu hình thành từ năm 2017 trở đi, các ngân hàng phải thực hiện theo Luật các TCTD hiện hành và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCTD mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu bằng việc ban hành một văn bản chuyên ngành dưới hình thức sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD và Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu không phải là vấn đề riêng của ngành Ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế, có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính những vướng mắc về quy định pháp luật đã dẫn đến việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp, gây chậm trễ, khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý TSBĐ. Khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật TCTD và Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, theo đó quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, các cấp chính quyền, sẽ có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt hơn giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương với ngành Ngân hàng, giúp thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được nhanh hơn, triệt để hơn, đạt được yêu cầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra./.