Ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay
Về khung khổ pháp lý, NHNN đã và đang hoàn thiện các văn bản để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử, với quy trình thủ tục thực hiện nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Quy định tại Thông tư 06 cũng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021. Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định tạo tín hiệu tích cực cho phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở nắm bắt sơ bộ tình hình TCTD áp dụng phương thức điện tử trong hoạt động cho vay đối với khách hàng và các thông tin qua trao đổi với TCTD trong quá trình triển khai xây dựng Thông tư 06, về cơ bản, các TCTD đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công.
Chẳng hạn, AgriBank tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng (qua hệ thống thu nợ tự động Center cut). Bên cạnh đó, đang trong quá trình hoàn thiện triển khai Đề án Ngân hàng điện tử (Internet Banking); trong đó: Áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản đảm bảo.
Tại BIDV, ứng dụng phương tiện điện tử từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn (ibank) đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay (qua CROMS – Khách hàng tổ chức, RLOS – Khách hàng bán lẻ) hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng, phân tích tài chính và khởi tạo hồ sơ tín dụng, số hóa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ luân chuyển, xử lý hồ sơ cấp tín dụng… cũng như yêu cầu quản trị, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ ngân hàng.
Còn tại MB, hoạt động cho vay được triển khai trên nhiều kênh giao dịch khác nhau (như App MBBank, Biz MBBank… hay liên kết với hệ thống của bên thứ 3 như Mcredit), tập trung vào các khách hàng hiện hữu có quan hệ tốt, khách hàng có nguồn lương về tài khoản. Ứng dụng công nghệ định danh xác thực khách hàng điện tử (Electronic Know Your Customer – eKYC), nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition – OCR)…
Trong khi đó, Tienphongbank áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng (đặc biệt là tệp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp) không giấy tờ hồ sơ, đảm bảo an toàn, chi phí thấp; thực hiện thẩm định và xét duyệt tín dụng trên hệ thống luân chuyển hồ sơ và phê duyệt tín dụng nội bộ (thay vì các hồ sơ bản cứng trước đây), định giá, phê duyệt và quản lý tài sản bảo đảm sau cho vay được thực hiện trên hệ thống quản lý tài sản đảm bảo, tiến tới áp dụng đại trà các sản phẩm online rộng rãi hơn, cả trên kênh ebank và kênh livebank.
Việc NHNN ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (trong đó có nội dung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử) góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay. Do yêu cầu về nguồn lực đầu tư lớn, đặc thù quy mô hoạt động, kế hoạch phát triển của TCTD nên cần có có lộ trình (trước mắt áp dụng đối với các sản phẩm cho vay đơn giản), nghiên cứu và thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi.
Mở rộng tín dụng hiệu quả
Trong điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong từng thời kỳ.
Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Theo NHNN, từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Cùng với điểu chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục nghiêm túc tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023; tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD…
Trước đó, cuối năm 2022, trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các TCTD cải thiện hơn, ngày 5/12/2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cùng với đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng
Các giải pháp tăng khả năng tiếp cập tín dụng được ngành Ngân hàng thực hiện thường xuyên. NHNN đã chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các Hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số ngành, lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã (HTX), bất động sản, kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, lâm sản...)…
Bên cạnh đó, NHNN cũng có những giải pháp đặc thù, cụ thể tháo gỡ cho nhiều ngành, lĩnh vực. Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD.
Đồng thời, các NHTM cũng vào cuộc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng từ nguồn lực của chính NHTM; triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31...).
Cùng với các giải pháp điều hành tín dụng nói trên, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành của NHNN và ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (đến cuối tháng 7/2023, tín dụng mới tăng trên 4% so với cuối năm 2022), phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Trước hết, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như bất động sản); việc tiếp cận tín dụng của DNNVV, hợp tác xã, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi....
Chưa kể, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Do đó, trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành Ngân hàng, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương (về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...), sự vào cuộc của các Hiệp hội, nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.