Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi hỗ trợ DNNVV, triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, như ban hành các Nghị định: Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV…
Ưu đãi vốn, lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn quán triệt, chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Theo đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên (có đối tượng là DNNVV). Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác.
Thời gian qua, NHNN hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật Các TCTD; ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.
Về chính sách tín dụng đối với DNNVV, theo chủ trương của Chính phủ, quy định của NHNN tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của DNNVV được TCTD xem xét, quyết định cho vay với lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.
Tiếp đó, đến 18/11/2019, NHNN đã ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DNNVV đã được giảm xuống còn 4,5%/năm.
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Quỹ
Để mở rộng kênh tiếp cận vốn cho DN, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/3/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo đó, quy định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc, trả lãi, trả nợ gốc và nợ lãi khoản vay theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP được TCTD xem xét, thẩm định, quyết định cho vay bằng đồng Việt Nam; mức lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn, trung, dài hạn của khách hàng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, đảm bảo lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng ngành, lĩnh vực của bên cho vay, phù hợp với quy định của NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.
Thực hiện quy định của Chính phủ tại các Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, NHNN đã và tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các loại hình Quỹ như Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Về phía các TCTD, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các TCTD chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV với mức lãi suất thấp.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh
Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do đại dịch, đầu năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01).
Đến tháng 4/2021, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 với những quy định mới sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại (NHTM), từ đó NHTM có điều kiện đồng hành cùng DN khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo đó, các TCTD sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn. Cụ thể, phạm vi khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ được mở rộng hơn so với Thông tư 01. Do vậy, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Quy định mới còn khuyến khích TCTD cho vay mới khách hàng để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho TCTD theo thời hạn cơ cấu lại do tạm thời chưa phải ghi nhận rủi ro thực tế đối với số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (thông qua việc giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng).
Theo NHNN, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 3/2021 tăng 1,49% so với cuối năm 2020, chiếm 19,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,56%, chiếm 19,79%).
Tuy nhiên, thực tế, việc triển khai cho vay đối với DNNVV cũng còn không ít khó khăn. Ngoài khó khăn chung của thị trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN và hiệu quả cho vay của các TCTD, nguyên nhân của tình trạng trên còn xuất phát từ chính DNNVV. Cụ thể là, quản trị DN chưa bài bản, thiếu phương án kinh doanh khả thi, lại chưa hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ. Quy mô nhỏ, các DN này cũng không có đủ tài sản thế chấp nên trong trường hợp cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro lớn về nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất kinh doanh của DN phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng cũng tạo áp lực cho hệ thống TCTD. Khi TCTD không đủ thông tin về DN, không kiểm soát được dòng tiền dễ dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho DN nhỏ và vừa vay vốn. Trong khi đó, các TCTD phải áp dụng hàng loạt các quy định, tiêu chuẩn quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại.
Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và mở rộng kênh vốn cho DNNVV
Về phía ngành ngân hàng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của TCTD; tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho loại hình TCTD này hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, DN, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển an toàn, hiệu quả.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ cả từ hai phía - ngân hàng và DN nhỏ và vừa - để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay. Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng. Qua đó, giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu về DNNVV để các TCTD có thể truy cập và sử dụng như tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, tình trạng hoạt động...Cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch bảo đảm. Các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu nhằm hỗ trợ DN có thể thực hiện hiệu quả.
Trên thế giới, các hình thức tiếp cận vốn cho DN, bao gồm cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính... Do đó cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV; mạnh mẽ hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư (đặc biệt là thuế, hải quan, cấp phép, và luật phá sản DN); thiết kế các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn dành cho DNNVV.
Đặc biệt, các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp có những giải pháp nâng cao vai trò của các Quỹ như Bảo lãnh DN, Phát triển DNNVV, qua đó mở rộng chức năng cho vay vốn. Hiện nay, Quỹ Phát triển DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, cho các DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ được vay vốn với mức lãi suất bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Trước đây, Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho vay vốn thông qua ủy thác các NHTM, hiện nay Quỹ được thực hiện chức năng cho vay, bao gồm cho vay trực tiếp, vay gián tiếp và tài trợ vốn cho DNNVV. Việc bổ sung thêm chức năng này giúp DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua nhiều phương thức khác nhau. Quỹ được tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV như hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư… nhằm hỗ trợ toàn diện cho các DNNVV. Đây là một mô hình hỗ trợ DNNVV đa chức năng, đã được áp dụng thành công tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đồng thời, Quỹ được bổ sung thêm chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Chức năng này sẽ giúp Quỹ mở rộng cơ hội để bổ sung các nguồn vốn trong nước, quốc tế, tăng nguồn tài chính hỗ trợ cho DNNVV. Trong tháng 4 vừa qua, Quỹ Phát triển DNNVV đã họp với các ngân hàng để đánh giá việc triển khai thực hiện cho vay gián tiếp trong năm 2020 và ký cam kết chỉ tiêu giải ngân năm 2021 cho vay đối với các DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ.
Ngoài ra, các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.
Về phía TCTD, cần chủ động tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng – DN trên địa bàn và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo quy định pháp luật. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật. Nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là hợp tác xã, DNNVV ở từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục bố trí nguồn vốn phù hợp để triển khai nhiều chương trình tín dụng đối với các DNNVV… với nhiều ưu đãi về lãi suất, thủ tục, điều kiện. Tích cực phối hợp, hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, áp dụng các biện pháp miễn, giảm lãi cho DN giúp vượt qua khó khăn và phù hợp quy định của pháp luật.
Phía các DN cũng cần nâng cao kỹ năng quản trị, minh bạch thông tin, có phương án kinh doanh khả thi, ứng dụng công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường, đồng thời tìm kiếm thêm các kênh vay vốn trung và dài hạn ngoài ngân hàng.