Theo hãng tin Bloomberg, trong bối cảnh mối lo về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dẫn tới đợt bán tháo lớn nhất trong 3 năm trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào tháng 8 vừa qua, hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm 20 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (G-20) diễn ra vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa rồi đặt trọng tâm vào chủ đề những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy tăng trưởng.
“Chúng tôi nghĩ không còn rủi ro”
Trong một bài phát biểu tại hội nghị G-20 vào ngày thứ Bảy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên nói sự sụt giảm của thị trường chứng khoán nước này sắp kết thúc, và sự can thiệp của Bắc Kinh đã ngăn chặn rủi ro hệ thống và đà rơi tự do của thị trường.
“Hiện tại, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ so với USD đang đi vào ổn định, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán gần như đã kết thúc, và thị trường tài chính đang cho thấy hy vọng bình ổn”, ông Chu Tiểu Xuyên nói.
“Chúng tôi nghĩ sự sụt giảm của thị trường đã gần hồi kết”, ông Zhu Jun, người phụ trách vụ quốc tế thuộc PBoC, nói sau bài phát biểu của Thống đốc PBoC. “Ở một góc độ nào đó, mức độ vay nợ trên thị trường đã giảm nhiều, và chúng tôi nghĩ không còn rủi ro hệ thống”
Ông Zhu cũng nói, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8 không nhằm mục đích giành lợi thế cho Trung Quốc trước các quốc gia xuất khẩu khác.
Trong cuộc họp diễn ra ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước G-20 cam kết sẽ không phá giá tiền tệ để trả đũa lẫn nhau.
Tuy vậy, các số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm sút trong tháng 8 - một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm tăng trưởng tiếp diễn của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng đang tiếp tục đi xuống, làm gia tăng khả năng Bắc Kinh có thể phải đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sau khi đã tung ra một loạt biện pháp tiền tệ và tài khóa để vực dậy nền kinh tế.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc đang tốt”, Phó thống đốc PBoC Nghị Cương nói hôm thứ Sáu. “Không ai có thể dự báo chính xác về biến động thị trường, nhưng tôi tự tin là tỷ giá đồng Nhân dân tệ sẽ ổn định quanh ngưỡng cân bằng”.
Cuộc họp G-20 diễn ra giữa lúc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt 40% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6, buộc PBoC cắt giảm lãi suất lần thứ 5 kể từ tháng 11 và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của PBoC vào hôm 11/8 khiến đồng tiền của một loạt nền kinh tế mới nổi ồ ạt mất giá và làm dấy lên mối lo về một cuộc “chiến tranh tiền tệ”.
Trung Quốc đang nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng tốc độ cao dựa trên vay nợ, xuất khẩu và đầu tư sang mô hình dựa trên dịch vụ và tiêu dùng. Hầu hết các nước G-20 đều nhất trí với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu biến động trong quá trình dịch chuyển này, ngoại trừ Nhật Bản.
“Họ đang cố gắng tỏ ra tích cực”
“Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện một vai trò tích cực”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada Joe Oliver nhận định hôm thứ Sáu. “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nên sự giảm tốc của họ có ảnh hưởng toàn cầu. Tôi nghĩ là họ đang xử lý vấn đề này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso tỏ ra hoài nghi: “Họ đang cố gắng tỏ ra tích cực. Nhưng họ chẳng đưa ra đủ chi tiết cụ thể”, ông Aso phát biểu tối hôm thứ Sáu, sau ngày họp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính G20.
Ông Aso cũng nói, tuyên bố của G-20 không trực tiếp đề cấp tới Trung Quốc, nhưng rõ ràng mối lo ngại của nhóm này về sự biến động thị trường đang nhằm vào Bắc Kinh.
Trong một động thái khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jack Lew nói Trung Quốc nên tránh việc điều chỉnh tỷ giá liên tục. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lâu Kế Vĩ hôm thứ Sáu, ông Lew nói điều quan trọng là Trung Quốc cần phát tín hiệu sẽ cho phép thị trường quyết định tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng, giảm.
Tại hội nghị G-20, ông Lâu Kế Vĩ nói tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì quanh ngưỡng 7% trong vòng 4-5 năm tới, và đây là “ngưỡng bình thường mới” của tốc độ tăng trưởng nền kinh tế này. Theo ông Lou, Chính phủ Trung Quốc sẽ không quan tâm quá nhiều tới biến động tăng trưởng hàng quý, và sẽ duy trì ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo giới chuyên gia, thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện nay là đảm bảo sự ổn định của thị trường nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục xấu đi. Gần đây, các tổ chức liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Mới đây nhất, ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015 xuống còn 6,9% từ mức 7% trước đó.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...