12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Mặc dù nền kinh tế mới đi qua 2/3 chặng đường, song với các diễn biến hiện nay có thể nhận định rằng tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đặt ra. Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2018, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 30/8.
Theo đó tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ 0,45% so với tháng trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. “Đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước rất tốt, đạt 17,4% cao hơn khu vực FDI là 14,13%. Đây là điều rất mừng cho thấy tăng trưởng xuất khẩu không còn quá phụ thuộc vào khu vực FDI”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.Bên cạnh đó, các ngành kinh tế chủ chốt tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%); các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều đạt mức tăng trưởng hai con số.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán). Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước tăng 9,2% so với cùng kỳ. Không chỉ các nhà đầu tư ngoại mà niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước cũng tăng cao. Thể hiện qua con số cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Trước diễn biến thực tế của nền kinh tế cũng như từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của các bộ, ngành, Chính phủ đánh giá bước đầu 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3-5%; nợ công giảm; lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng.
Về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).
Tập trung tái cơ cấu
Nền kinh tế tăng trưởng ổn định đang tạo điều kiện để Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, điều này thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế đã không còn phụ thuộc vào sản lượng khai thác dầu. Nếu như năm 2016 khai thác hơn 18 triệu tấn, năm 2017 đã giảm xuống 15 triệu tấn và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục giảm. Một biểu hiện khác là tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt khoảng 18%, còn năm nay sẽ đạt dưới 18%, khống chế trong khoảng 17%. Như vậy là dù tăng trưởng tín dụng giảm nhưng vẫn đảm bảo cung cấp vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, ổn định lãi suất cho vay, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Trả lời câu hỏi về việc tăng trưởng tín dụng năm 2018 được khống chế ở mức 17% liệu có thấp không khi nhu cầu vốn cuối năm của nền kinh tế thường cao, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao. Phải thực hiện đồng thời. Thứ nhất là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Thứ hai phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Mặc dù đến thời điểm hiện nay cũng đã hết 8 tháng và tăng trưởng nền kinh tế nhìn chung rất khả quan, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, nhưng vẫn phải cảnh giác với lạm phát từ nay tới cuối năm. Chính vì vậy, dù định hướng tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm là 17%, nhưng cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn, tùy yêu cầu thực tế của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng là 8,5%, mới đạt 50% chỉ tiêu đặt ra, có nghĩa vẫn còn 50% nữa dành cho 4 tháng cuối năm. “Với tính toán hiện nay, ta thấy 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các NHTM vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này”, Phó Thống đốc khẳng định.
Đánh giá cao mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng thận trọng của NHNN, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia phân tích, mức tăng trưởng tín dụng 17% đã gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như vậy là hợp lý. Bởi lẽ thông thường các nước trong khu vực tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng gấp 2 lần GDP. Riêng Việt Nam hiện nay nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, vì vậy mức đặt ra là phù hợp, không phải là thấp.
Vấn đề thứ 2 là những áp lực đối với lạm phát cũng đang gia tăng do giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm, giá các dịch vụ y tế, giáo dục… đang có xu hướng tăng. Thứ 3 là áp lực đối với tỷ giá hối đoái cũng khá lớn vì Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá rất mạnh, sẽ có tác động khá lớn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ đó tạo ra áp lực tăng chi phí sản xuất trong nước. Chính vì vậy, ông Nghĩa khẳng định, mức tăng trưởng tín dụng NHNN đặt ra là thận trọng trong bối cảnh nhiều sức ép như hiện tại.
Không những vậy, tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt cũng cho thấy chủ trương của NHNN về việc hạn chế tín dụng với thị trường bất động sản đang phát huy tác dụng. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất là trong bối cảnh hiện tại cần ưu tiên dành tín dụng cho các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Vì vậy các NHTM cũng cần tái cơ cấu danh mục tín dụng để dành nhiều tín dụng cho sản xuất, xuất nhập khẩu hơn nữa.
Ngoài ra còn vấn đề khác là hiện xu thế thắt chặt tiền tệ của các NHTW toàn cầu đang gia tăng nên Việt Nam cũng phải theo xu thế đó, tạm thời chưa thể nới lỏng tiền tệ vào lúc này.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương. Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ thường xuyên đặt ra. Tuy nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng phó của Việt Nam trước biến động tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực trong thời gian qua, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất, nhưng Thủ tướng nêu rõ, các ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, NHNN phải có những giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó tốt nhất với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, khu vực. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. |