Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 (Chỉ thị 01). Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp: (i) Các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi mở rộng tín dụng; (ii) Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có đối tượng DNNVV, hợp tác xã, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị liên kết; (iii) chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp.
Cũng tại Chỉ thị 01, NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc TCTD trên địa bàn cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Đồng thời, NHNN định hướng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chỉnh phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà đối tượng thụ hưởng là các DNNVV như: Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định 813/QĐ-NHNN; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,… Chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV: Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ, hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.
Ngoài ra, NHNN đã kiến nghị với các Bộ, ngành và địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn của DNNVV khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, như: Về tài sản đảm bảo, về quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi DNNVV; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ngành Ngân hàng cũng tích cực phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội DNNVV và các Hiệp hội khác để tổ chức các hội nghị, trao đổi thông tin, bàn giải pháp hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ. Chương trình đã gắn kết và mở rộng mối quan hệ đồng hành ngân hàng – doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, cải tiến, tối ưu hóa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng…
Các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch; tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ... Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...). Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...v.v.
Năm 2022, nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, NHNN đã tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% để cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.
Theo báo cáo từ NHNN, đến 31/12/2022, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV đạt 2.185.541 tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm 18,33% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tăng cường kết nối ngân hàng-doanh nghiệp
Thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng huy động tiền gửi từ dân cư, tổ chức để cho vay ra nền kinh tế. Nếu không tuân thủ những quy định về cho vay thì sau này ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu, thậm chí cán bộ ngân hàng cũng vướng vào lao lý nếu cho vay trái quy định pháp luật. Hơn nữa, vốn ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, trong khi cho vay chủ yếu kỳ hạn dài, nên việc đảm bảo các quy định về an toàn vốn là cần thiết, tránh rủi ro về thanh khoản.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV cần đa dạng các nguồn vốn, nâng cao khả năng quản trị, tìm kiếm thị trường, có phương án kinh doanh khả thi để tăng khả năng được ngân hàng giải ngân.
Hỗ trợ lãi suất cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, việc phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường trái phiếu, chứng khoán) an toàn, bền vững là cần thiết, từ đó giảm gánh nặng cho ngân hàng khi nguồn tiền huy động chủ yếu là kỳ hạn ngắn, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp có thêm các kênh hỗ trợ khác.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, về phía Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo các chương trình tín dụng trước đây theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo niềm tin cho các NHTM trong triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh quá trình thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất cho NHTM.
Các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền cần phối hợp xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp để có thể thuận lợi hơn khi thế chấp tài sản bằng đất nông nghiệp…Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV…