Thông tư 02 kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế
Năm 2022 và đầu năm 2023, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp... nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các TCTD, nguy cơ chuyển nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, khách hàng có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD.
Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp và bên vay, Thông tư 02 được ban hành rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp, bên vay giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới, giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và tiếp theo. Hơn nữa, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là rất cần thiết.
Thông tư 02 quy định về phạm vi và đối tượng được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể, đối tượng là khách hàng (tổ chức, cá nhân) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản cho vay, cho thuê tài chính.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ đáp ứng các quy định sau: (i) Các khoản cho vay, cho thuê tài chính không vi phạm quy định pháp luật phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024; (ii) Được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận; (iii) Khách hàng được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Về thẩm quyền xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng: Thông tư quy định các TCTD được quyền chủ động trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.
Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, Điều 5 Thông tư 02 quy định: (i) TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ; (ii) Trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, thì TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc NHNN về phân loại nợ.
Việc trích lập dự phòng rủi ro của TCTD được thực hiện theo nguyên tắc như tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. TCTD phải thực hiện trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ. TCTD xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Điều 5 Thông tư.
Phần chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và số tiền dự phòng cụ thể đã trích theo kết quả phân loại nợ, TCTD thực hiện trích bổ sung trong 02 năm: (i) Đến 31/12/2023 là 50% số tiền phải trích bổ sung; (ii) Đến 31/12/2024 là đủ 100% số tiền phải trích bổ sung
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN đạt hiệu quả, đúng mục đích
Thông tư 02 đã quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng, điều kiện, quy trình thực hiện và quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị. Trong đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này, thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi; Ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Các đơn vị phải báo cáo định kỳ về NHNN, đồng thời Thông tư cũng quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN.
Mới đây, ngày 25/4/2023, NHNN đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN với sự tham gia của các TCTD và chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố để đánh giá lại công tác tín dụng những tháng đầu năm 2023 của toàn ngành, định hướng triển khai thời gian tới và thông tin rộng rãi đến toàn ngành về việc triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Các đơn vị trong toàn ngành xác định đây là chủ trương, chính sách quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện khẩn trương, quyết liệt để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. NHNN cũng yêu cầu các TCTD khẩn trương ban hành ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đào tạo các đơn vị, bộ phận, cán bộ có nhiệm vụ thực hiện chính sách để thống nhất triển khai có hiệu quả trong toàn hệ thống; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, phố biến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng nắm bắt được thông tin; giải đáp kịp thời các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục cho khách hàng, từ đó giúp khách hàng hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách và sớm được tiếp cận chính sách; Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với NHNN, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Về phía các cơ quan quản lý, cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương của Chính phủ, NHNN đi vào cuộc sống một cách thực chất.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phúc hồi kinh tế, cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Các Bộ, ngành liên quan cần sớm có điều chỉnh điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng phù hợp hơn, phê duyệt nhanh hơn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát hành ra kênh này nhiều hơn, cùng với việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực vốn trung và dài hạn đối với hệ thống ngân hàng.