Trong quá trình tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) luôn chủ động tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG); nghiên cứu, đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHTG (sửa đổi). Từ năm 2022 đến năm 2024, BHTGVN đã 16 lần có Công văn chính thức gửi Ngân hàng Nhà nước tham gia ý kiến, cập nhật số liệu, đề xuất các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, BHTGVN đã có đề xuất cụ thể về nội dung, nêu rõ lý do, đánh giá tác động và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho từng nội dung đề xuất. Bên cạnh đó, tại các cuộc họp trao đổi, thảo luận về sửa đổi, bổ sung Luật BHTG do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, BHTGVN đã chủ động báo cáo cụ thể về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BHTG, nội dung và lý do đề xuất, giải trình chi tiết đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị.
Việc tham gia xây dựng Luật BHTG (sửa đổi) đòi hỏi BHTGVN cần tập trung nhiều nguồn lực do đây là Luật chuyên ngành, có tác động trực tiếp tới tổ chức, hoạt động của BHTGVN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền...). Trong thời gian tới, để việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG kịp thời, hiệu quả, có chất lượng đặt ra yêu cầu đối với BHTGVN trong việc huy động tổng thể các nguồn lực, cụ thể như sau:
Về nguồn lực về con người
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN cử nhân sự tham gia Ban soạn thảo nội bộ và Tổ giúp việc xây dựng Luật BHTG (sửa đổi). Theo đó, ngày 14/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2507/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban soạn thảo nội bộ và Tổ giúp việc xây dựng Luật BHTG (sửa đổi).
Bên cạnh đó, BHTGVN cũng thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Ban soạn thảo tham gia xây dựng Luật BHTG tại BHTGVN.
Để triển khai nhiệm vụ, thành viên Ban soạn thảo, Tổ giúp việc căn cứ nhiệm vụ được giao nghiên cứu, rà soát và thực hiện các công việc có liên quan đến xây dựng Luật BHTG (sửa đổi). Bên cạnh đó, đối với từng mảng nghiệp vụ, BHTGVN giao cho các phòng, ban căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất đối với các nội dung có tính chất nghiệp vụ do phòng phụ trách để đưa ra đề xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Hiện nay, trong bối cảnh việc xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước là quan điểm được nêu tại Đề án “Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030” theo Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. BHTGVN quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng văn bản nội bộ về tuyển dụng, triển khai chế độ về lao động tiền lương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chú trọng chất lượng công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ, trong đó, có nhân sự tham gia nghiên cứu, xây dựng Luật.
Về nguồn lực về tài chính
Để thực hiện quá trình nghiên cứu, rà soát, soạn thảo, tham gia ý kiến trong quá trình triển khai xây dựng Luật BHTG (sửa đổi) thì nguồn lực về tài chính là rất quan trọng. BHTGVN cần chuẩn bị nguồn lực tài chính cần thiết để có những chính sách hỗ trợ cho đội ngũ tham gia nghiên cứu xây dựng Luật.
Ngoài ra, đối với những chi phí có liên quan trong quá trình tham gia xây dựng Luật cũng được BHTGVN dự kiến, chuẩn bị để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai.
Về nguồn lực thông tin
Để minh chứng cho các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, BHTGVN chú trọng việc thu thập dữ liệu có liên quan để phân tích, đánh giá tác động của các chính sách và dự thảo luật.
Bên cạnh đó, đặt ra yêu cấp thiết cho BHTGVN trong việc học hỏi, cập nhật thông tin từ các quốc gia khác có kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi chính sách BHTG.
Ngoài ra, để việc tham gia ý kiến xây dựng luật có chất lượng, BHTGVN cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức tham gia BHTG, khảo sát từ người dân về chính sách BHTG.
Về nguồn lực công nghệ
Trong quá trình triển khai xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), việc tập trung nguồn lực về công nghệ là rất cần thiết.
BHTGVN tập trung trang bị đầy đủ về cơ sở kĩ thuật, hệ thống máy tính, mạng internet, thư điện tử, phần mềm quản lý tài liệu… để hỗ trợ phục vụ quá trình tham gia xây dựng Luật BHTG (sửa đổi).
Hiện tại, BHTGVN tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách đề xuất, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các nội dung ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHTG. Trong thời gian tới, BHTGVN cần tập trung tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục chủ động rà soát nội dung liên quan đến BHTG, tổ chức BHTG tại Luật Các TCTD năm 2024, đồng thời tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BHTG để sẵn sàng có ý kiến trong quá trình tham gia xây dựng Luật BHTG (sửa đổi) theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Các đơn vị thuộc BHTGVN cần chuẩn bị các lập luận, tập trung nghiên cứu để đề xuất cụ thể hơn về các chính sách sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm hoàn thiện cơ chế bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Đặng Duy Cường - Tổng Giám đốc BHTGVN