Đây là thương vụ tiếp quản trực tiếp đầu tiên của các cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc đối với một ngân hàng tư nhân trong 20 năm trở lại đây. Giới chức trách đã có động thái khoanh vùng rủi ro của tổ chức tín dụng (TCTD) tư nhân nhỏ liên quan đến tập đoàn của tỷ phú Xiao Jianhua lao - Tomorrow Holding Group. Ông Xiao đã bị tạm giam vào năm 2017 và hiện đang bị điều tra.
Ngay sau sự kiện tiếp quản, Công ty quản lý Quỹ BHTG đã được thành lập bởi Ngân hàng Trung ương, với nguồn vốn 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14,5 tỷ USD).
Trung Quốc thành lập Quỹ BHTG từ năm 2015. Khái niệm BHTG bắt nguồn từ Hoa Kỳ sau hậu quả của cuộc Đại suy thoái như một biện pháp để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền khi các ngân hàng đổ vỡ. Nguồn vốn của quỹ BHTG Trung Quốc được thiết lập từ nguồn như thu phí BHTG từ các tổ chức tài chính và thanh lý tài sản từ các tổ chức tham gia BHTG…Phí BHTG chiếm phần lớn trong nguồn vốn của Quỹ.
Trước đây, Trung Quốc đã dựa vào các biện pháp hành chính để chống lại tổn thất tiền gửi tại các TCTD có rủi ro cao, với việc Ngân hàng Trung ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng. Điều này tạo ra các vấn đề như thiếu các ràng buộc chặt chẽ về ngân sách và thời hạn quản lý rủi ro, thiếu một cơ chế trách nhiệm hiệu quả.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc các cổ đông và nhà điều hành các TCTD có rủi ro cao không chịu trách nhiệm về rủi ro và trả các chi phí tương ứng, tạo ra rủi ro đạo đức hoặc sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn, vì nhiều bên khác phải cùng gánh chịu hậu quả.
Việc tiếp quản Ngân hàng Baoshang đặt ra nhiều nghi ngại về những thách thức lớn cho hệ thống BHTG non trẻ của Trung Quốc, như vấn đề quy mô của quỹ còn nhỏ so với tổng số dư tiền gửi, các quy định về trách nhiệm chưa rõ ràng của cơ chế BHTG và thiếu sự độc lập so với Ngân hàng Trung ương.
Những bước đi đầu tiên
Theo hệ thống BHTG mới của Trung Quốc, khi các ngân hàng đối mặt với đổ vỡ và có khả năng gây thiệt hại về tiền gửi, Quỹ BHTG có thể đảm bảo chi trả với hạn mức lên tới 500.000 nhân dân tệ cho mỗi người gửi tiền.
Tờ Caixin trước đó cho biết, Quỹ BHTG đã tích lũy được hơn 100 tỷ Nhân dân tệ vào đầu năm 2019. Với quy mô đó, quỹ này không đủ lớn để xử lý các ngân hàng rủi ro cao một cách độc lập và vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Cục Ổn định Tài chính - Ngân hàng Trung ương.
Trên bình diện quốc tế, tỷ lệ quỹ mục tiêu – giữa Quỹ BHTG với tổng số tiền gửi được bảo hiểm - được sử dụng để đo lường khả năng chi trả tiền gửi của quỹ đó. Tại Hoa Kỳ, Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC) có tỷ lệ quỹ mục tiêu cố định từ 1,15% đến 1,5%. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 0,0693%.
Nhưng quy mô của quỹ BHTG tại Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định kể từ năm 2015, một phần nhờ vào tỷ lệ tiết kiệm cao và tăng trưởng ổn định của tổng số tiền gửi tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ mục tiêu cần phải cân bằng an ninh tiền tệ với hiệu quả, Liu Mingyan, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Minsheng Trung Quốc cho hay. Nếu mức phí BHTG lớn hơn được áp dụng cho các ngân hàng để mở rộng quỹ nhanh chóng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn và ngân hàng sẽ dựa vào các nguồn vốn phi tiền gửi nhiều hơn như trái phiếu và tài chính liên ngân hàng, để tránh phải nộp nhiều phí BHTG, ông Liu nói.
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ phí BHTG dao động từ 0 đến 0,27% đối với tiền gửi của ngân hàng được bảo hiểm, trong khi tại Nhật Bản con số đó nằm trong khoảng từ 0,032% đến 0,045%.
Tại Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng một hệ thống kết hợp tỷ lệ phí cố định với tỷ lệ phí theo rủi ro của các TCTD để kiểm soát rủi ro đạo đức của ngân hàng.
“Mỗi ngân hàng có rủi ro được tính theo thuật toán, một loạt các chỉ số, và các hồ sơ rủi ro"- một nguồn tin thân cận với Ngân hàng Trung ương cho biết.
Mặc dù tỷ lệ phí áp dụng cho các ngân hàng khác nhau chưa được tiết lộ công khai, nhưng theo Caixin, Ngân hàng Trung ương xếp các TCTD theo 8 cấp độ trên cơ sở xếp hạng đánh giá rủi ro của họ, với tỷ lệ phí BHTG dao động từ 0,02% đến 0,16%, trong khi nguồn tin khác lại cho hay, mức phí BHTG trung bình hàng năm là 0,05%.
Ông Liu ước tính, nếu Trung Quốc áp dụng mức phí BHTG 0,07% trên tổng số dư tiền gửi ngân hàng, sẽ mất khoảng 15 năm để Quỹ BHTG đạt tỷ lệ mục tiêu là 1,25%. Trước đó, Chính phủ có thể cần tài trợ cho Quỹ BHTG để xây dựng niềm tin của thị trường.
Thay đổi về thể chế
Mặc dù Quỹ BHTG được thành lập vào năm 2015, hoạt động của tổ chức này vẫn chưa thực sự diễn ra.
Dựa trên kế hoạch về hệ thống BHTG được Hội đồng Nhà nước phê duyệt năm 2015, Ngân hàng Trung ương đã thành lập Trung tâm quản lý BHTG, dưới sự điều hành của Cục Ổn định Tài chính thuộc Ngân hàng Ttrung ương về tổ chức, thực hiện và quản lý quỹ đó.
Một số chuyên gia hy vọng, quỹ sẽ đạt quy mô hơn 200 tỷ Nhân dân tệ trước khi có thể được vận hành bởi một tổ chức độc lập.
Nhiều cơ quan bộ, ngành vẫn hoài nghi về việc thành lập quỹ BHTG để đối phó với vụ việc Ngân hàng Baoshang. Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương ban đầu còn tranh luận về việc tổ chức nào sẽ kiểm soát tổ chức điều hành Quỹ BHTG này khi được thành lập.Việc quỹ BHTG có tách biệt với Ngân hàng Trung ương hay không sẽ được thảo luận thêm.
Theo một nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương, hơn 50 nhân sự từ nhiều chi nhánh của Ngân hàng Trung ương đã được biệt phái đến Trung tâm Quản lý BHTG.
"Cho đến nay, Quỹ BHTG chưa được sử dụng, và còn nhiều quan ngại về việc sử dụng nguồn vốn thu được từ việc đầu tư quỹ này”.
Các chi phí như trả lương cho nhân viên của Trung tâm Quản lý BHTG, bao gồm chi phí địa điểm, điều hành và công tác phí hiện được trích từ ngân sách của Ngân hàng Trung ương, chủ yếu từ các chi nhánh nơi nhân viên biệt phái làm việc.
Mặc dù các quy định về BHTG được đưa ra vào năm 2015 cho phép tổ chức quản lý Quỹ BHTG có chức năng quản lý rủi ro, không có quy định cụ thể về các tiêu chí để khởi động chức năng này. Cũng không có quy định về các chức năng của tổ chức BHTG khi tiếp quản và thanh lý các tổ chức tài chính.
"Nếu các quy định không được sửa đổi, sẽ rất khó để tổ chức BHTG đóng vai trò hiệu quả trong việc xử lý rủi ro,” một chuyên gia của Ngân hàng Trung ương cho biết.
Cơ chế đánh giá và giám sát rủi ro không hoàn hảo, cơ chế chia sẻ thông tin không hoàn hảo, sự bất cập của các biện pháp khắc phục đều hạn chế hệ thống BHTG đóng vai trò trung tâm trong quản lý rủi ro tài chính” - ông Jin Jin Penghui, thành viên của Hội đồng tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương, Chi nhánh Thượng Hải nhấn mạnh trong một đề xuất chính sách vào đầu năm nay.
Biện pháp phòng ngừa
Theo các nhà quản lý cấp cao, sự thành công tương đối của mô hình BHTG của FDIC Hoa Kỳ một phần là do cơ quan này có thể can thiệp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tỷ lệ an toàn vốn của một ngân hàng giảm xuống dưới một mức nhất định. Điều này giúp giảm thiểu việc sử dụng quỹ BHTG, tránh việc hệ thống BHTG đơn giản trở thành “máy ATM” cho các ngân hàng yếu kém.
Trong nửa cuối năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra một hệ thống xếp hạng BHTG kết hợp mô hình định lượng với định tính, nhằm giúp các cơ quan quản lý xác định tổ chức cần can thiệp để hạn chế rủi ro. Hệ thống đánh giá này đã được áp dụng cho hơn 3.800 tổ chức tài chính.
Năm 2017, 426 tổ chức tài chính được đánh giá là có rủi ro cao. Vào cuối tháng 6 năm 2018, Ngân hàng Trung ương đã thực hiện các biện pháp khắc phục sớm đối với 194 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm yêu cầu bổ sung vốn, hạn chế tăng trưởng tài sản, hạn chế cấp tín dụng cho các giao dịch lớn và giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính.
Ngoài các biện pháp này, Ngân hàng Trung ương cũng nên hạn chế hoạt động của các ngân hàng có rủi ro cao bao gồm phân phối cổ tức, đầu tư vốn cổ phần, mua lại các công cụ vốn, vận hành các tài sản có rủi ro cao và thành lập các tổ chức hoặc doanh nghiệp mới.