Việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, quy định của pháp luật đối với việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.
Khi nào ngân hàng có quyền được tự mình tiến hành việc thu giữ tài sản
Lâu nay, việc xử lý nợ nói riêng, xử lý TSĐB nói chung còn phụ thuộc quá nhiều vào sự thiện chí của người có tài sản bảo đảm và con nợ. Thậm chí pháp luật hiện hành còn gọi người mắc nợ là “khách nợ”. Bao giờ pháp luật còn thiên lệch nhiều về phía bảo vệ người vi phạm cam kết, không thiện chí trả nợ, còn coi “con nợ” là “khách nợ” thì chủ nợ còn tiếp tục “bó tay”, ngân hàng còn “đứng cho vay, quỳ thu nợ”.
Thực tế, không ít trường hợp ngân hàng “cực chẳng đã” phải tiến hành thu hồi tài sản, xử lý nợ. Câu hỏi đặt ra là liệu Ngân hàng có quyền được tự mình tiến hành việc thu giữ tài sản mà không thông qua việc khởi kiện tại Tòa án hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã cho phép Ngân hàng với tư cách là Bên nhận bảo đảm được lựa chọn các phương thức xử lý TSĐB phù hợp để xử lý thu hồi nợ. Trong số các phương thức được pháp luật cho phép, Ngân hàng hoàn toàn có quyền tự mình thu giữ TSĐB và tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ mà không cần thông qua thủ tục khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, trước thời điểm thu giữ TSĐB, Ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho Bên bảo đảm và Ủy ban nhân dân cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.
Còn theo Điều 63 "Thu giữ TSĐB để xử lý" của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm thì: “Bên giữ TSĐB phải giao TSĐB cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSĐB không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSĐB để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”. Việc này cũng đã được hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng tại thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/06/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSĐB của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng tiến hành thu giữ TSĐB để xử lý thu hồi nợ xấu có thể xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Hiến Pháp. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, khi đã tự nguyện dùng tài sản thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ nhất định, thì chủ sở hữu đã chấp nhận hạn chế quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó. Nếu đã làm đúng trình tự, thủ tục thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật thì Ngân hàng không vi phạm quy định đối với việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, đơn giản và nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm. Và quan trọng nhất là luật phải đặt ra các chế tài trách nhiệm và kinh tế để định hướng hành vi ứng xử của con nợ, càng xử lý tài sản nhanh càng có lợi thay vì ngược lại. Việc xử lý nợ xấu hiệu quả đòi hỏi sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.Tuy việc xử lý tài sản bảo đảm là hoạt động phục vụ kinh doanh của Ngân hàng, nhưng nó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế nên cần phải hết sức được quan tâm. Không chỉ Ngân hàng chịu hậu quả của nợ xấu mà cả nền kinh tế cũng đang phải trả giá.
Xử lý nợ xấu chậm do đâu?
Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), trong tổng số nợ xấu được xử lý, bán, phát mại TSĐB để thu hồi nợ ở mức khá thấp (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý) và nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ còn thấp là do thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi chậm, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn và kéo dài, TSBĐ của bên thứ 3 khó xử lý, quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài;
Bên cạnh đó là thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư có năng lực mua lại các công trình dự án bất động sản lớn đang triển khai dở dang (như việc tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến bán, chuyển nhượng các tài sản đảm bảo là các bất động sản, dự án đang đầu tư dở dang..).
Đặc biệt, nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc thanh lý tài sản, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý về TSBĐ. Đối với các khoản vay có tài sản thế chấp là dây chuyền máy móc thiết bị, TSBĐ bị giảm sút giá trị, rất khó khăn trong việc tìm đối tác để thanh lý, giá trị TSBĐ thu hồi được không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng.
Ngoài ra, quy định của pháp luật đối với việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, trong đó TCTD và VAMC không được chủ động toàn quyền xử lý bất động sản khi khách hàng vay không trả được nợ. Nợ xấu đang tập trung chủ yếu tại các TCTD yếu kém, trong khi hầu hết các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài, do vậy, cần có thời gian xử lý cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng này. Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành thì cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của VAMC và TCTD là ngang bằng nhau, chưa có cơ chế để VAMC có quyền năng xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhanh, hiệu quả hơn TCTD, chưa khẳng định vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Thời gian qua, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn vướng mắc và tình hình triển khai tháo gỡ của các Bộ liên quan; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, đây đều là những kiến nghị liên quan đến các văn bản pháp lý cần phải có thời gian để nghiên cứu, xử lý. Một số kiến nghị liên quan đến quy định tại các Luật nên việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
VAMC ra đời là một sự cố gắng lớn của ngành Ngân hàng và nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía NHNN và các TCTD. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, một số cơ chế, chính sách tối thiểu bảo đảm cho VAMC vẫn chưa hoàn chỉnh. VAMC không đủ nguồn lực và các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù, đặc biệt để xử lý nhanh nợ và TSĐB của khoản nợ đã mua…
Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Trước các vướng mắc trên, ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN đã tiến hành tổng kết và có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban thường Vụ Quốc hội về các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD và VAMC và có các kiến nghị, đề xuất cụ thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc này. Trên cơ sở các Báo cáo, Tờ trình của NHNN, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của Quốc hội chưa được giải quyết hoặc phát sinh mới.
Do đó, trên cơ sở tổng kết những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các TCTD, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, NHNN đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, dự thảo Nghị quyết mới trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng; đồng thời, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa. Theo các chuyên gia, biện pháp này sẽ đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu.
Dự thảo Nghị định cũng cho phép bán các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, tức là được bán cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách; và kể cả khi bán thấp hơn, người bán sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thực hiện đúng quy định pháp luật.