Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của NHNN và nỗ lực của hệ thống các TCTD, về cơ bản, những mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012) và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” đã đạt được những kết quả nhất định.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tiền gửi của người gửi tiền được bảo đảm; Thứ hai, hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức tín dụng; Thứ ba, sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước; Thứ tư, chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng của các TCTD đã được cải thiện và xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả khả quan, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu…
Nhiều rào cản trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn; Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Một trong những nguyên nhân là do khâu xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, đặc biệt là bất cập trong các quy định của pháp luật. Vướng mắc này đã ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi, xử lý TCTD yếu kém; Thứ ba, việc xử lý các TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập; Thứ tư, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động, nên việc xử lý nợ đã bán sang VAMC còn chậm.
Khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện
Tổng kết thực tiễn cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.
Theo phân tích của ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - NHNN, những nguyên nhân đó bao gồm:
Thứ nhất, quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Chính phủ, NHNN khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ như: (i) Pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ các cách thức xử lý TCTD yếu kém khác nhau phù hợp với thực trạng của từng TCTD yếu kém nên hạn chế quyền lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp; (ii) Pháp luật hiện hành về xử lý TCTD yếu kém chưa đồng bộ, thiếu các quy định cụ thể nên thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc như thiếu các quy định về chuyển đổi hình thức pháp lý, đăng ký kinh doanh... đối với các TCTD yếu kém. Các bất cập nêu trên không được giải quyết sẽ dẫn đến việc Chính phủ, NHNN không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các TCTD yếu kém, gia tăng rủi ro pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước; thiếu chế tài và biện pháp xử lý trong trường hợp vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của các cổ đông lớn trong quá trình cơ cấu lại TCTD làm ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các biện pháp cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Thứ hai, hoạt động của TCTD yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt cần khuôn khổ pháp lý riêng điều chỉnh phù hợp với thực trạng và định hướng cơ cấu lại. Tuy nhiên pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định riêng này, cụ thể: (i) Các TCTD yếu kém bị kiểm soát đặc biệt không thể đáp ứng các quy định về bảo đảm an toàn, không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn... Do đó, nếu áp dụng chung các quy định của pháp luật hiện hành đối với các TCTD yếu kém thì các TCTD này sẽ khó có thể phục hồi được; (ii) Pháp luật hiện hành thiếu quy định điều chỉnh quan hệ cấp tín dụng, gửi tiền, mua bán nợ... giữa tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng khác, do vậy, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác cho tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt không thể thực hiện được.
Thứ ba, Pháp luật hiện hành về cơ cấu lại các TCTD yếu kém chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập như: (i) Các TCTD yếu kém thường có quy mô tài sản xấu, nợ xấu lớn. Để phục hồi được, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có vai trò tiên quyết bảo đảm khả năng phục hồi TCTD yếu kém. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, không bảo vệ quyền chủ nợ có bảo đảm hợp pháp của TCTD nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả việc cơ cấu lại TCTD yếu kém; (ii) Pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định cho phép áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết phù hợp với thực trạng và chủ trương xử lý đối với TCTD yếu kém, đặc biệt pháp luật hiện hành chưa có quy định về giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp nên hiệu quả của việc xử lý TCTD yếu kém không cao, khó xử lý dứt điểm được các TCTD yếu kém; (iii) Để phục hồi các TCTD yếu kém, vai trò tham gia của ngân hàng hỗ trợ về quản trị, điều hành, tài chính là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ nên khó triển khai giải pháp trên thực tế. Những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu không được giải quyết sẽ không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD. Hiện trạng thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm; hỗ trợ tài chính (miễn, giảm thuế đối với các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD yếu kém) cũng sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là liên quan đến xử lý TSBĐ không được kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD…
Định hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu ra một số giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giúp đẩy nhanh và hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Một là, do các bất cập của pháp luật về xử lý TCTD yếu kém chủ yếu liên quan đến các quy định tại các luật, nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém cần phải được xử lý bằng văn bản của Quốc hội (Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội) để bảo đảm hiệu lực pháp lý khi áp dụng. Đồng thời, các quy định về xử lý TCTD yếu kém cần được ưu tiên áp dụng theo nguyên tắc của luật chuyên ngành.
Theo định hướng này, Chính phủ đã giao NHNN đang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (đã trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 13 Quốc hội khóa XIV).
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản để tạo lập khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém, hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo, tăng vốn ảo… Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu như các quy định về mua bán nợ xấu, mua bán khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp qua tòa án...
Hai là, khuôn khổ pháp lý mới về xử lý TCTD yếu kém cần quy định đầy đủ, các phương án, biện pháp, cơ chế có thể áp dụng để xử lý TCTD yếu kém; quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phù, Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền lựa chọn áp dụng phương án, biện pháp phù hợp với thực trạng của từng tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, văn bản mới này cần khắc phục các vướng mắc, bất cập của pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm đã được tổng kết, đánh giá trong thời gian qua để bảo đảm tính khả thi. Khuôn khổ pháp lý mới này cũng là giải pháp pháp lý quan trọng cho việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và là cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý các TCTD yếu kém đã phát hiện.
Ba là, khuôn khổ pháp lý mới về xử lý TCTD yếu kém cần bảo đảm xử lý các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Bốn là, khuôn khổ pháp lý mới về xử lý TCTD yếu kém cần có quy định về các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới nợ xấu, tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của tổ chức tín dụng để hạn chế việc phát sinh TCTD yếu kém mới, nợ xấu mới.