Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Ngoài việc bàn về các nội dung miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 147) và xử lý chuyển tiếp các trường hợp NHTM đã mua bắt buộc, nhiều ý kiến cho rằng, an toàn hệ thống phải là trên hết nên cần quy định ngay trong luật một cơ chế đặc biệt để khi có tình huống đặc biệt, Chính phủ có thể sử dụng để giải quyết…
Giải trình ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (KSĐB) vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu của NHNN, cán bộ tham gia Ban KSĐB, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý, nên không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện. Điều này làm thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý TCTD yếu kém và đang là vấn đề vướng mắc hiện nay.
Bên cạnh đó, nguyên tắc số 2 của 25 nguyên tắc cốt lõi về thanh tra, giám sát theo Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) có quy định về việc các cán bộ của cơ quan quản lý phải được bảo vệ khỏi các trách nhiệm dân sự và hình sự đối với các hành động, thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao trên tinh thần công tâm, trung thực.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông cũng có quy định tương tự để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được KSĐB. Việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được KSĐB là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể để tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giải thích thêm trách nhiệm được miễn là gì. Người tham gia cơ cấu lại TCTD bị KSĐB là cán bộ công chức theo Luật Cán bộ, công chức đã được quy định rất rõ: Nếu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng quy định của pháp luật thì không có lý do gì để pháp luật không bảo vệ.
Giải trình về nội dung này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong điều luật này quy định chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự và dân sự. Khi tham gia vào Ban KSĐB của các TCTD thì không chỉ có cán bộ công chức, mà NHNN còn trưng tập cán bộ của các NHTM khác, họ không phải là cán bộ công chức nên quy định ở đây không trái với Luật Cán bộ, công chức.
“Đúng như Chủ tịch Quốc hội nói, tâm lý của anh em hiện nay rất hoang mang. Làm ở Ban KSĐB cũng không thể nào được dự báo những rủi ro có thể xảy ra. Nhiều trường hợp vừa xảy ra khiến tâm lý anh em tham gia vào Ban KSĐB của các ngân hàng mà chúng ta đang cơ cấu lại rất nặng nề. Đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Khép lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, an toàn hệ thống phải là trên hết, vì vậy cần quy định ngay trong luật một điều cho phép Chính phủ sử dụng một số giải pháp đặc biệt để giải quyết các tình huống đặc biệt. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “nếu cứ khóa đầu, khóa đuôi như hiện nay thì sẽ không giải quyết được thực tế hiện nay”.
Một trong những nội dung khác được nhiều ý kiến tham gia liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được KSĐB và quy định về xử lý chuyển tiếp các trường hợp NHTM đã mua bắt buộc. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp các trường hợp NHTM đã mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực do tại dự thảo Luật không còn phương án Nhà nước mua bắt buộc TCTD yếu kém. Có ý kiến lại đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ quyền tài sản của cổ đông khi chuyển giao bắt buộc.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết đã tiếp thu, bổ sung quy định xử lý các NHTM đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật, gồm quy định về cơ chế xử lý trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, xây dựng mới phương án xử lý NHTM đã mua bắt buộc và các nguyên tắc thực hiện việc chuyển nhượng các NHTM đã mua bắt buộc cho TCTD, nhà đầu tư khác.
Giải trình thêm về nội dung này, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, đối với 3 NHTM “0 đồng” đã mua bắt buộc thì về cơ bản hiện nay sở hữu là của Nhà nước. Tuy nhiên, phương án xử lý cuối cùng đối với các ngân hàng này vẫn còn lúng túng vì cơ chế pháp lý chưa đầy đủ. Nên Chính phủ cũng chưa thể thông qua được phương án đó dù NHNN đã trình rất nhiều lần.
“Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1058, một trong những nội dung quan trọng là trình Quốc hội ban hành các quy định pháp lý để xử lý các TCTD yếu kém vì đây là vấn đề cấp bách. Nếu không được quy định trong luật thì không có đủ cơ sở để xử lý các ngân hàng chúng ta đã mua”, Thống đốc cho biết.
Đối với chuyển giao bắt buộc của TCTD, Thống đốc cũng cho biết, quy định trong dự thảo luật là Nhà nước sẽ không mua bắt buộc nữa mà ở đây là các tổ chức khác. Trong trường hợp TCTD quá yếu kém mà các cổ đông không đủ năng lực tài chính để có thể phục hồi TCTD đó thì đương nhiên họ mất quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách cổ đông và họ phải chuyển giao quyền đó cho tổ chức nào tự nguyện và có đủ năng lực theo quy định của luật để tiếp quản.
“Trong trường hợp này chúng ta bắt buộc phải xử lý như vậy và đây là thông lệ quốc tế. Trong trường hợp TCTD đã lỗ lũy kéo dài, đã âm vốn chủ sở hữu, các cổ đông không có điều kiện và năng lực tài chính để tăng vốn thì bắt buộc phải có những biện pháp xử lý theo quy định của luật để chuyển giao cho nhà đầu tư mới có năng lực tài chính. Ở đây quyền này không trái gì với Hiến pháp vì trong trường hợp không còn khả năng và năng lực tài chính quá yếu kém thì bắt buộc anh phải tự khắc phục bằng năng lực tài chính của chính anh, nếu không có thì phải có nhà đầu tư mới để vào tiếp quản chứ ở đây Nhà nước không mua bắt buộc nữa”, Thống đốc cho biết thêm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này là nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật Các TCTD cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật NHNN Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đòi hỏi có thời gian nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. “Do vậy, đề nghị được giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD”, ông Thanh nói và tiếp tục đề nghị tuân thủ nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD được KSĐB. |