Từ tháng 6/2014, giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh làm suy giảm tăng trưởng GDP, giảm nguồn thu của Chính phủ, gây suy yếu cán cân thanh toán quốc gia và làm giảm tỉ giá đồng nội tệ. Hệ thống tài chính ngân hàng của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề, gia tăng rủi ro tác động đến hoạt động kinh doanh và sự ổn định của các ngân hàng. Bài viết xin tâp trung phân tích những động thái điều chỉnh chính sách của một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm.
Nhằm ổn định hoạt động ngân hàng và củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng, các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu năng lượng đã có những động thái thay đổi chính sách BHTG. Một số trường hợp đáng chú ý là Nga, Azerbaizan và Arab Saudi.
Ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề của việc giảm giá dầu, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Nga còn bị ảnh hưởng lớn bởi cấm vận từ Mỹ và EU, khiến vốn chảy ra nước ngoài và đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng. Chính phủ đã thi hành một gói các giải pháp đối phó với khủng hoảng. Về chính sách BHTG, Nga sớm có những điều chỉnh. Từ tháng 12/2014, một loạt các luật sửa đổi nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền đã được thông qua. Đầu tiên là hạn mức BHTG cho tiền gửi của cá nhân và cá nhân tự doanh được tăng gấp đôi lên mức 1,4 triệu rúp (khoảng 24.500 USD) đã góp phần tăng cường niềm tin người gửi tiền, tránh hiện tuợng rút tiền hàng loạt gây trầm trọng thêm những vấn đề của hệ thống ngân hàng.
Một quyết định quan trọng khác là trao quyền thực hiện các biện pháp tăng vốn của các ngân hàng cho Cơ quan BHTG (DIA). Theo đó, thủ tục và điều kiện thực hiện cấp vốn cho các ngân hàng do Hội đồng quản trị DIA quyết định, đồng thời với sự chấp thuận của Chính phủ, DIA có thể mua cổ phần của các ngân hàng để bảo vệ sự ổn định của hệ thống BHTG. Để tăng cường năng lực tài chính cho DIA, ngân sách liên bang năm 2015 và 2016 được điều chỉnh để phân bổ tới 1.000 tỉ rúp (khoảng hơn 13 tỉ USD) nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng, qua đó giúp mở rộng khả năng của các ngân hàng về cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Luật sửa đổi quy định việc áp dụng phí phân biệt đối với các tổ chức tham gia BHTG từ tháng 7/2015, bao gồm 3 mức: phí cơ bản (mức 1) không vượt quá 0,15% lượng tiền gửi bình quân ngày trong một quý; mức phí 2 – áp dụng với các tổ chức tín dụng đặt mức lại suất cho tiền gửi cá nhân vượt mức lãi suất bình quân thị trường từ 2-3%, mức phí này do Hội đồng quản trị của DIA quyết định và không vượt quá 50% của mức phí cơ bản; mức phí 3 – được áp dụng với các tổ chức tín dụng có lãi suất tiền gửi cá nhân vượt mức bình quân thị trường từ 3% trở lên, mức phí này cũng do Hội đồng quản trị của DIA quyết định ở mức không vượt quá 50% của mức phí cơ bản. Từ 1/1/2016, Ngân hàng trung ương và DIA đưa các tiêu chí về ổn định, an toàn ngân của mỗi ngân hàng để phục vụ việc xác định mức phí.
Những thay đổi trên được kỳ vọng tăng cường hiệu quả của hệ thống BHTG trong việc ổn định hoạt động ngân hàng, góp phần chống khủng hoảng kinh tế, tài chính của Nga.
Đối với Azerbaizan, trước sự tụt dốc của giá dầu và việc phá giá đồng nội tệ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, đầu năm 2016, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua những chính sách nhằm hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng trong đó có chính sách quan trọng liên quan đến BHTG.
Đầu tiên là việc mở rộng phạm vi bảo hiểm và nâng hạn mức, theo đó, tiền gửi bằng nội tệ với lãi suất dưới 12%/năm và tiền gửi ngoại tệ với lãi suất dưới 3%/năm được bảo hiểm toàn bộ từ 1/3/2016 trong vòng 3 năm. Trước đó, hạn mức BHTG là 30.000 mantas (khoảng 19.800 USD). Đối với tiền gửi nội tệ lãi suất lớn hơn 12%/năm và ngoại tệ lãi suất lớn hơn 3%/năm, nếu hợp đồng tiền gửi chưa hết hạn, chủ khoản có quyền yêu cầu ngân hàng điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng để tiền gửi nằm trong giới hạn lãi suất trên và được hưởng bảo hiểm tiền gửi. Nếu có thay đổi về lãi suất, người gửi tiền được thanh toán đầy đủ lãi cộng dồn tính theo lãi suất trước khi điều chỉnh tính đến ngày hợp đồng được điều chỉnh.
Theo Luật BHTG sửa đổi được Quốc hội thông qua, NHTW có thể cho Quỹ BHTG vay nếu tài sản lưu động của Quỹ giảm xuống dưới 1% tổng số tiền được bảo hiểm toàn bộ hoặc nếu Quỹ không có đủ vốn để chi trả khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Các khoản vay này sẽ được Nhà nước bảo đảm và được nhận trong vòng 10 ngày làm việc.
Đồng thời, xuất phát từ việc NHTW cho Quỹ BHTG vay khi cần thiết, gánh nặng của các tổ chức tham gia BHTG đã giảm xuống thông qua việc mức phụ phí giảm từ mức tối đa 0,2% số dư tiền gửi bình quân tiền gửi được bảo hiểm trong một quý xuống còn tối đa 0,1%.
Tại Ả rập Xê út, việc giá dầu giảm mạnh khiến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ quốc gia này đã có những động thái nhằm củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng thông qua thành lập hệ thống BHTG, thu phí từ các ngân hàng để chi trả cho người gửi tiền với hạn mức BHTG giới hạn vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, Chính phủ Ả rập Xê út cũng thận trọng khi xây dựng hệ thống BHTG có giới hạn để thoái lui khỏi chế độ bảo đảm toàn bộ (được áp dụng từ năm 2008 khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu) bằng việc dự kiến áp dụng giai đoạn chuyển tiếp với hạn mức cao, sau đó giảm dần theo thời gian để không ảnh hưởng đến niềm tin người gửi tiền.
Cùng với việc triển khai hệ thống BHTG, Ả rập Xê út đang xây dựng khuôn khổ xử lý ngân hàng chính thức để đóng cửa hoặc cứu trợ các ngân hàng có khả năng đổ vỡ nhanh chóng và có trật tự. Hiện Ngân hàng Trung ương đang dự kiến đệ trình Dự thảo sửa đổi luật về khuôn khổ xử lý trên để Chính phủ xem xét phê duyệt.
Có thể nói, kinh nghiệm rút ra từ việc đối phó khủng hoảng từ các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi giá dầu sụt giảm thời gian qua cho thấy, bên cạnh giải pháp về nâng cao an toàn hoạt động ngân hàng, việc điều chỉnh chính sách BHTG đã góp phần quan trọng trong ổn định hệ thống tài chính, giúp nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng vì yếu tố niềm tin là nhân tố quyết định đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng, nền chính trị và kinh tế xã hội của một quốc gia.