Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến nội dung phân định thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Thống đốc NHNN, những nội dung liên quan đến hoạt động phát hiện sớm, xử lý các TCTD, can thiệp các biện pháp đặc biệt.
Ngoài ra, vấn đề tương thích giữa Luật Các TCTD với các luật khác như Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), giao thoa giữa các lĩnh vực ngân hàng với bảo hiểm, ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu…cũng cần được tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, làm rõ.
Trước đó, vào trung tuần tháng 3, tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 với dự án Luật Các TCTD sửa đổi; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý việc sửa đổi Luật Các TCTD cần song hành với sửa đổi Luật BHTG để đảm bảo tính đồng bộ.
Như vậy có thể thấy, việc sửa đổi Luật BHTG là thật sự cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay, từ đó tạo tiền đề để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, đặc biệt là các đối với vai trò xử lý các tổ chức tham gia BHTG yếu kém.
Cơ sở để BHTG tham gia xử lý TCTD yếu kém những năm qua
Trước khi có Luật BHTG, theo quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP về BHTG, BHTGVN hỗ trợ cho tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới các hình thức: cho vay hỗ trợ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm; bảo lãnh cho các khoản vay đặc biệt để có nguồn chi trả tiền gửi được bảo hiểm; mua lại nợ trong trường hợp khoản nợ đó có tài sản bảo đảm.
Tiếp đó, Nghị định 109/2005/NĐ-CP đã có một số quy định thay đổi quan trọng đối với chức năng hỗ trợ tài chính, cụ thể tổ chức BHTG chỉ xem xét, quyết định việc hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG sau khi NHNN xác định việc giải thể, phá sản của tổ chức tham gia BHTG có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Tổ chức BHTG có thể hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ và các hình thức khác phù hợp với quy định pháp luật.
Tính đến hết năm 2012, BHTGVN cho vay hỗ trợ đối với 05 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số tiền trên 6,9 tỷ đồng. Số tiền giải ngân tuy không nhiều nhưng đã kịp thời giúp đơn vị đảm bảo khả năng thanh toán, ổn định hoạt động, giữ được lòng tin của khách hàng, tránh được nguy cơ đổ vỡ không đáng có, ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đến cuối năm 2015, toàn bộ số tiền BHTGVN cho vay hỗ trợ đã được thu hồi đầy đủ.
Sau khi Luật BHTG phát huy hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đã không có quy định về nghiệp vụ hỗ trợ tài chính của BHTGVN, do đó, BHTGVN không còn thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ tài chính. Luật BHTG quy định, BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2017 và có hiệu lực ngày 15/01/2018, BHTGVN được phép thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ phục hồi theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. BHTGVN cùng phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá tính khả thi phương án phục hồi của quỹ tín dụng nhân dân. Đối với phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô và công ty tài chính, BHTGVN sẽ phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt để đánh giá tính khả thi.
Ngoài ra, một nhiệm vụ khác của BHTGVN là dựa trên quyết định của NHNN, BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ nhằm hỗ trợ tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN có trách nhiệm phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt và TCTD được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, rà soát và thống nhất số liệu về thực trạng tiền gửi phải chi trả trình NHNN xem xét.
BHTGVN đã cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ theo phân công của trưởng ban kiểm soát đặc biệt; tập trung đối chiếu, xác minh số liệu về tiền gửi, lập danh sách người gửi tiền, đặc biệt là hỗ trợ các QTDND được kiểm soát đặc biệt thuộc diện ngân hàng thương mại tham gia xử lý thực hiện phương án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, BHTGVN cũng tích cực phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Ban kiểm soát đặc biệt để xử lý các tình huống phát sinh, tham gia ý kiến đối với phương án xử lý QTDND được kiểm soát đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi. Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động trên đã giúp BHTGVN hoàn thành các nhiệm vụ trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các TCTD năm 2017; qua đó đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền.
Rào cản pháp lý
Theo đánh giá của các chuyên gia, BHTGVN đã tích cực phát huy vai trò vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, cũng như tham gia xử lý các tổ chức tham gia BHTG yếu kém thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập nhất định về cơ sở pháp lý. Trong đó, quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp lý hiện hành về tái cơ cấu, cản trở vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu TCTD và xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém.
Điển hình là Luật Các TCTD năm 2017 quy định việc tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND. Tuy nhiên, quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa đảm bảo để tổ chức BHTG có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD (như tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND, tham gia xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND, cho vay đặc biệt đối với QTDND bị kiểm soát đặc biệt…).
Hay như nội dung cho vay đặc biệt đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt, Luật Các TCTD năm 2017 quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô; BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN. Tuy nhiên, Luật BHTG chưa quy định các nội dung này.
Luật BHTG cũng chưa có quy định NHNN quyết định việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Trong khi đó, nội dung này được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng, Luật BHTG chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về tái cơ cấu các TCTD cũng như chưa phù hợp với thực tiễn gây chậm tiến độ BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là QTDND.
Bên cạnh đó, khuôn khổ, cơ chế chính sách không đồng nhất cũng sẽ gây hạn chế tới hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, cũng như hoạt động của tổ chức BHTG. Do đó, cần sớm sửa đổi Luật BHTG theo hướng đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, trong đó có Luật Các TCTD sửa đổi; khắc phục các bất cập hiện hữu để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; đặc biệt là tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu và xử lý các TCTD yếu kém.
Sớm sửa Luật BHTG
Tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với hoạt động BHTG trong giai đoạn 2022 – 2025 có nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG, Luật Các TCTD nhằm triển khai được những nhiệm vụ mới của tổ chức BHTG trong tái cơ cấu TCTD yếu kém; hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức BHTG để đảm bảo thực hiện được Chiến lược phát triển BHTG.
Đối với định hướng trong tham gia kiểm soát đặc biệt, xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém, lãnh đạo BHTGVN cho biết trong thời gian tới, BHTGVN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN trong quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Cùng với đó, triển khai chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi, bao gồm: Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; Mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của NHNN; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, QTDND; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; bổ sung hình thức vay từ NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm.
Nghiên cứu thực hiện, bổ sung danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành...
BHTGVN cho biết đến năm 2025, BHTGVN sẽ nghiên cứu, áp dụng bổ sung các biện pháp và hình thức xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính thông qua việc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG.
Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để đồng bộ với các luật có liên quan đang tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ cả Quốc hội và Chính phủ, nhằm khẳng định chủ trương, định hướng xuyên suốt đó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền và tạo cơ sở pháp lý cho BHTGVN tham gia có hiệu quả vào tái cơ cấu TCTD. Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc không ngừng gìn giữ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, tạo hành lang pháp lý vững chắc để triển khai hiệu quả hoạt động BHTG tại Việt Nam.