Qua đánh giá công tác cơ cấu lại hệ thống QTDND, có thể xác định những yếu kém này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan do thiên tai, dịch bệnh, thành viên không có khả năng trả nợ dẫn đến nợ quá hạn của QTDND cao; do tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người gửi tiền và tác động trực tiếp đến hoạt động của QTDND dẫn đến hiện tượng người gửi tiền rút tiền hàng loạt và QTDND có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Đa phần các nguyên nhân chủ quan lại tập trung ở khía cạnh rủi ro đạo đức của cán bộ QTDND; trình độ, năng lực quản trị điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của QTDND còn nhiều hạn chế; QTDND hoạt động hiệu quả thấp, không tự đổi mới tổ chức, hoạt động dẫn đến khả năng cạnh tranh và thích ứng thấp, hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Từ thực trạng hoạt động và các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của hệ thống QTDND, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cần phát huy tốt và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác theo dõi giám sát, kiểm tra, chi trả và công tác xử lý, hỗ trợ các QTDND có vấn đề.
Hoạt động giám sát được BHTGVN tiến hành thường xuyên, liên tục và thực hiện kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là QTDND yếu kém, các QTDND được kiểm soát đặc biệt (KSĐB). Với nội dung kiểm tra tại chỗ chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm, việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm của QTDND trong huy động tiền gửi của khách hàng, từ đó đưa ra các cảnh báo và đề xuất biện pháp xử lý.
Thực tế cho thấy, công tác giám sát, kiểm tra thời gian qua đã giúp BHTGVN phát hiện nhiều trường hợp QTDND sai phạm trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay, hạch toán, thu chi tiền mặt, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách; không thực hiện đúng quy định về hạch toán, luân chuyển chứng từ, mở sổ kế toán; về quản lý và theo dõi ấn chỉ trắng. Qua đó, BHTGVN cũng nghiên cứu để có những đề xuất về cơ chế, chính sách phù hợp đối với hệ thống QTDND, nhằm tạo điều kiện cho QTDND phát triển an toàn, lành mạnh.
Trong công tác xử lý, hỗ trợ các QTDND có vấn đề, BHTGVN đã tích cực phối hợp với Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia quá trình theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức này, đặc biệt là các QTDND có nguy cơ bị đổ vỡ. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, pháp luật hiện hành đưa ra nhiều phương án, biện pháp cụ thể như: phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, giải thể, chuyển giao bắt buộc; phá sản và hỗ trợ vốn thông qua hình thức cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Trong các phương án và biện pháp trên, BHTGVN tham gia trực tiếp vào việc đánh giá phương án phục hồi, cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, xem xét miễn, giảm phí BHTG, tham gia xây dựng phương án phá sản. BHTGVN còn phối hợp, tham gia ý kiến trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, giải thể TCTD khi được cơ quan liên quan yêu cầu.
Đối với các QTDND được KSĐB, BHTGVN không chỉ cử cán bộ tham gia Ban KSĐB mà còn phối hợp với NHNN, Ban KSĐB trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KSĐB tổ chức tín dụng. Tuy nhiên hiện nay, vai trò của BHTGVN trong quá trình xử lý TCTD yếu kém còn khá hạn chế. Việc xử lý QTDND yếu kém gặp nhiều khó khăn do tình trạng KSĐB kéo dài, các biện pháp phục hồi, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần góp vốn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Do vậy, cần nghiên cứu để có biện pháp xử lý dứt điểm QTDND yếu kém và có giải pháp để BHTGVN tham gia hỗ trợ xử lý QTDND bị KSĐB kéo dài.
Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của BHTGVN trong xử lý QTDND có vấn đề:
Một là, tăng cường các hoạt động nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, góp phần ổn định, phát triển an toàn và bền vững hệ thống QTDND theo hướng đổi mới áp dụng các cấp độ khác nhau về giám sát, như giám sát thông thường, giám sát chuyên sâu, giám sát đặc biệt và các hình thức kiểm tra, như kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên sâu theo chuyên đề, kiểm tra đặc biệt và kiểm tra theo ủy quyền.
Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò của BHTGVN, sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn, phù hợp hơn để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần nâng cao hiệu quả cơ cấu lại và xử lý các QTDND yếu kém.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật BHTG và các quy định theo hướng nâng cao vai trò, tăng cường nhiệm vụ và quyền hạn của BHTGVN trong việc hỗ trợ cơ cấu lại các QTDND được KSĐB và xử lý các QTDND yếu kém, trong đó tập trung các vấn đề: Bổ sung quy định về việc BHTGVN cho vay đặc biệt đối với QTDND được KSĐB để phù hợp với Luật Các TCTD 2017; Bổ sung cơ chế hỗ trợ tài chính của BHTGVN đối với các QTDND được áp dụng hình thức can thiệp sớm; Quy định rõ hơn cơ chế cho vay đặc biệt, hỗ trợ tài chính về nguồn vốn, thẩm quyền quyết định, xử lý tổn thất và mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ QTDND được KSĐB; Quy định thống nhất về việc tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; Quy định rõ cơ chế hỗ trợ thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp; cơ chế hỗ trợ phương án giải thể.
Đối với các QTDND yếu kém, cần có cơ chế xử lý dứt điểm, quy định rõ ràng về thời hạn KSĐB và thời gian gia hạn KSĐB để giai đoạn này không kéo dài quá lâu, dễ dẫn đến ảnh hưởng tâm lý của người gửi tiền và gia tăng các chi phí khác. Thời gian này đủ cho các QTDND được đặt vào KSĐB có thể khôi phục hoạt động trong trường hợp còn khả năng phục hồi. Trong trường hợp không thể phục hồi, quy định này là điều kiện cần thiết để có cơ sở chuyển các TCTD yếu kém sang giai đoạn xử lý dứt điểm. Đối với QTDND có vấn đề, cần bổ sung các quy định cho phép áp dụng phương án chuyển giao bắt buộc; Quy định thống nhất về tham gia xây dựng và hỗ trợ thực hiện phương án phá sản đối với QTDND được KSĐB.
Như vậy, có thể nói thời gian qua, BHTGVN đã và đang tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại QTDND theo đúng chủ trương và chính sách của Nhà nước. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như nâng cao vai trò, vị thế của BHTGVN trong việc xử lý QTDND có vấn đề, BHTGVN cần tăng cường triển khai các giải pháp đã đề ra và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để có nhiều giải pháp mới trong tương lai, góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động an toàn và bền vững./.