Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng kinh tế năm 2017, các đơn vị trực thuộc NHNN cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay. Các TCTD cần chủ động, tiết giảm chi phí trong hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là trách nhiệm của hệ thống NH, TCTD đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
TCTD thực hiện cấp tín dụng phù hợp, kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN; ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài. Ở điểm này, NHNN xem xét linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu cho TCTD có chất lượng tín dụng tốt, cơ cấu tín dụng tập trung lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. TCTD thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về lãi suất đặc biệt lãi suất huy động VND và ngoại tệ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ có chế tài rất nghiêm khắc.
Cơ quan Thanh tra, giám sát NH tập trung hoàn thiện để ban hành các văn bản pháp lý có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về XLNX, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết; tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, thanh tra, giám sát hoạt động của hệ thống TCTD. Riêng đối với 6 TCTD và VAMC được lựa chọn làm điểm, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH tập trung chỉ đạo các đơn vị này triển khai một cách toàn diện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết để trên cơ sở đó, đánh giá, tổng kết hiệu quả của các giải pháp vào thời điểm cuối năm 2017, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm làm đầu mối xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết để kịp thời xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đồng thời làm đầu mối đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLNX, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết này. Vụ Truyền thông làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết trong toàn hệ thống để có được sự hiểu biết, đồng thuận của dư luận trong quá trình triển khai.
VAMC có trách nhiệm tổ chức quán triệt các quy định của Nghị quyết, xây dựng và triển khai thực hiện phương án XLNX hàng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường. Ngoài trách nhiệm này, Ban lãnh đạo NHNN yêu cầu VAMC tăng cường phối hợp với TCTD, cơ quan chức năng liên quan đặc biệt là cơ quan thi hành án, các chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc thu giữ tài sản các khoản nợ của TCTD. Trách nhiệm VAMC rất lớn trong việc điều phối xử lý các khoản nợ tại VAMC lẫn TCTD. Tôi yêu cầu TCTD quán triệt nội dung Nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch XLNX hàng năm và định kỳ báo cáo tình hình XLNX.
Đồng thời đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại TCTD. Trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, các TCTD tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, quy định nêu tại Nghị quyết...
Về Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với XLNX, trong thời gian tới, việc triển khai Đề án sẽ tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới chuẩn mực của Basel II. Giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống...
Để cụ thể hóa các giải pháp, NHNN sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Ngành, chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với XLNX đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Đề án. Trong đó có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới các đơn vị trong ngành NH để đảm bảo việc triển khai và thực hiện Đề án theo đúng mục tiêu đặt ra.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp sử dụng NH phục vụ cho các công ty sân sau, lợi ích nhóm. Trường hợp có hành vi vi phạm, NHNN sẽ cấm vĩnh viễn người vi phạm không được tham gia HĐQT NH. Vì thế, HĐQT, Ban điều hành các TCTD phải ý thức trách nhiệm của mình rất lớn trước khi quyết định bất cứ vấn đề gì. NHNN tiếp tục đưa vào bổ sung quy định cần thiết lành mạnh hóa hoạt động NH và ngăn ngừa sử dụng NH tài trợ công ty thân hữu, sân sau, sở hữu chéo… Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH và báo cáo Quốc hội khi hoàn thiện quy định này, đảm bảo hoạt động NH trật tự có kỷ cương.
Tại hội nghị, NHNN công bố Quyết định số 1403/QĐ - NHNN ngày 5/7/2017 thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu NHNN. Theo Quyết định trên, Ban Chỉ đạo gồm có 16 thành viên. Trong đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng là Trưởng ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban gồm: Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh là Phó Trưởng ban Thường trực; ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh thanh tra phụ trách thanh tra giám sát NHNN; và ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế. |