Trao đổi với báo giới tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) APEC do Bộ Tài chính cùng với NHNN Việt Nam đồng chủ trì tổ chức trong 2 ngày 23-24/2/2017 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nội dung xuyên suốt của chủ đề “Tài chính toàn diện” trong năm APEC 2017 là Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn.
Xin Phó Thống đốc cho biết, vì sao Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn là chủ đề xuyên suốt của tài chính toàn diện trong năm APEC 2017?
Thời gian gần đây, tài chính toàn diện là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế do tầm quan trọng và ý nghĩa lớn mà tài chính toàn diện mang lại. Như tổ chức Liên Hợp quốc (LHQ) đã triển khai các chương trình thông qua Quỹ Đầu tư phát triển LHQ; các nước G20 đã thống nhất bộ nguyên tắc cho tài chính toàn diện và đây cũng là những trọng tâm của kế hoạch hành động Nhóm G20; ASEAN coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột của Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025 về hội nhập tài chính và đã thành lập Nhóm công tác về tài chính toàn diện để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực; Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã xây dựng các chương trình, dự án để thúc đẩy tài chính toàn diện tại nhiều quốc gia; và thực tế nhiều nước đã và đang xây dựng khuôn khổ, chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện…
Tại Hội nghị APEC tổ chức ở Việt Nam năm nay, NHNN – với tư cách là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, đầu mối về tài chính toàn diện tại Việt Nam – đã phối hợp chặt chẽ với các nước APEC để tìm ra những biện pháp thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực, trong đó đã đề xuất chủ đề về tài chính toàn diện xuyên suốt cả năm APEC là Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn.
Điều này, một mặt xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh tương đồng giữa các nước APEC, nơi mà khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong nhiều nền kinh tế. Mặt khác, nông nghiệp nông thôn chính là khu vực chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, ngập mặn, lũ lụt… nên đòi hỏi cần có các giải pháp xử lý và khắc phục để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Hơn thế nữa, nông nghiệp nông thôn cũng là nội dung đang được Đảng, Chính phủ Việt Nam và NHNN quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ và phát triển khu vực này.
Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn đang là mối quan tâm lớn không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của nhiều nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính đi kèm có chất lượng, dễ tiếp cận nhằm đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững.
Đó chính là mục đích mà Việt Nam mong muốn thông qua các cơ chế hợp tác APEC 2017 về tài chính toàn diện, có thể tìm ra lời giải đáp để giúp các nền kinh tế APEC, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế.
Vậy những thảo luận và đề xuất chính từ hội nghị lần này là gì, thưa Phó Thống đốc?
Tại Hội nghị lần này, hầu hết các nội dung trình bày của đại diện các tổ chức quốc tế và đại diện các nền kinh tế APEC đều thống nhất ý kiến cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong các nền kinh tế APEC. Và tuy ở các mức độ khác nhau (cơ cấu nền kinh tế, trình độ phát triển ở mỗi nước) nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nông nghiệp nông thôn vẫn là một khu vực dễ bị tổn thương. Do vậy, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, có hiệu quả để nền nông nghiệp tại các thành viên APEC phát triển theo hướng mong muốn, qua đó góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững.
Các giải pháp chính được đưa ra bao gồm: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong nông nghiệp để giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và kiến thức tài chính cho người dân làm nông nghiệp và khu vực nông thôn; Mở rộng cơ hội nghề nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng cho người dân nông thôn; Tạo môi trường lành mạnh, tăng cường đổi mới sản phẩm tài chính, đặc biệt là tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô/bảo hiểm nông nghiệp; Phát triển các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp nông thôn như tài sản đảm bảo, thông tin tín dụng,...
Đây là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị của APEC năm 2017. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các nước APEC cũng như các cơ quan liên quan trong nước nghiên cứu thúc đẩy tài chính toàn diện trong khuôn khổ hợp tác APEC cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp nông thôn để báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay.
Ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010. Đây được xem là bước đột phá nhằm khuyến khích các TCTD đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có một số một số điểm mới quan trọng như: Mở rộng đối tượng vay vốn; Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41; Có chính sách hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp thông qua quy định giảm lãi suất cho vay; Quy định chính sách tín dụng khuyến khích, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao... Như vậy, nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên và trong suốt thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư phát triển lĩnh vực này, đồng thời quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn mặt bằng chung đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1-2% so với mặt bằng lãi suất chung). Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến 31/12/2016, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt 996.610 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 18% so với 31/12/2015. |
Bà có thể cho biết cụ thể một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam là gì và vai trò của NHNN?
Tài chính toàn diện đã được thế giới triển khai rất sôi động trong thời gian qua và đã đạt được những thành quả đáng kể. Với những ý nghĩa mà tài chính toàn diện mang lại kể trên và xét thấy sự phù hợp của các mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện đó với các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của NHNN, NHNN đã báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam và đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì về lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, thời gian vừa qua, NHNN đã huy động và phối hợp với nhiều đối tác phát triển như WB, ADB, Quỹ Đầu tư phát triển LHQ, các quốc gia đối tác trong ASEAN... để nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai tài chính toàn diện cho Việt Nam nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiên cứu tham gia các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện để kịp thời bổ sung kiến thức và nguồn lực cho triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tài chính toàn diện có độ bao phủ rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên NHNN dự kiến sẽ huy động tổng hợp nguồn lực để tham gia xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Trong đó, sẽ thiết lập một cơ chế điều phối/phối hợp để triển khai chiến lược này.
Việc phát triển các khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam xác định được tầm nhìn, mục tiêu, trụ cột ưu tiên và kế hoạch hành động để triển khai tài chính toàn diện một cách bài bản và hiệu quả, thông qua đó sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển các kênh tiếp cận gắn với ứng dụng công nghệ, sản phẩm/dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống phù hợp, thuận tiện và hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo, vùng sâu vùng xa để giảm mức độ bị tổn thương và tăng cường năng lực để tạo ra thu nhập.
Đồng thời, tăng cường các khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính và nâng cao kiến thức tài chính cho người dân để họ có thể tối ưu hóa khả năng sử dụng nguồn tài chính của mình.
Trình độ phát triển và mức độ triển khai tài chính toàn diện để hỗ trợ nông nghiệp nông thôn của các nền kinh tế APEC là khác nhau, do đó việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên trong lĩnh vực phát triển thị trường tài chính cho nông nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết. Các tổ chức quốc tế với thế mạnh nhiều năm kinh nghiệm của mình có thể giúp đóng vai trò là cầu nối và điều phối các nỗ lực hợp tác về vấn đề này.
Vì vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ chủ động và tích cực huy động cả nguồn lực trong nước và quốc tế để triển khai hiệu quả và thành công tài chính toàn diện tại Việt Nam, giúp Việt Nam theo kịp trình độ phát triển chung của khu vực và trên thế giới.
Nông nghiệp nông thôn luôn là khu vực chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, thiên tai... nên đòi hỏi cần có các giải pháp xử lý và khắc phục |
Trong Hội nghị vừa qua, có ý kiến của đại biểu cho rằng, đối tượng quan trọng của tài chính toàn diện là nông dân nông thôn và phụ nữ. Đối với vai trò của phụ nữ, quan điểm của Phó Thống đốc như thế nào?
Phụ nữ là những người giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Do đó, nếu được tiếp cận học hỏi, hiểu và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ tài chính thì trước hết sẽ tốt cho bản thân họ trong quản lý tài chính, chi tiêu của chính gia đình mình. Đồng thời, với khả năng thuyết phục, tư vấn thì họ cũng có thể hỗ trợ công tác giáo dục về tài chính toàn diện cho những người thân trong gia đình và cộng đồng xung quanh trong sử dụng các dịch vụ về tài chính. Và những yếu tố như vậy sẽ giúp tăng độ bao phủ về tài chính toàn diện nhìn từ phía cầu nhanh hơn.
Trong khi đó về phía cung (những người tham gia quá trình cung cấp các dịch vụ tài chính), phụ nữ cũng chính là những người có nhiều kỹ năng, tỉ mỉ và khả năng thương thuyết tốt nên rất phù hợp với triển khai các dịch vụ tài chính vi mô ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Thực tế, như Ngân hàng Chính sách xã hội hay các tổ chức tài chính vi mô hiện nay, phụ nữ đang tham gia trong vai trò rất tích cực và chủ yếu vào việc cho vay hay huy động từ các hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đơn cử, với những khoản vay chỉ một vài trăm nghìn đồng hay việc mở các tài khoản tiết kiệm chỉ vài nghìn đồng thì phụ nữ đã cho thấy, họ có thể đảm nhiệm những công việc như vậy tốt hơn nam giới.
Trong chủ đề tài chính toàn diện của APEC năm nay hướng vào tín dụng nông nghiệp nông thôn, nhiều ý kiến chia sẻ, việc đưa vào các ứng dụng công nghệ tài chính - ngân hàng giúp thúc đẩy tốt tài chính toàn diện. Là những đối tượng giao dịch viên có khả năng thương thuyết, mềm mại, năng động… nên khi phụ nữ hiểu, nắm bắt được tốt về công nghệ tài chính - ngân hàng thì rõ ràng sẽ giúp thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện. Ngày nay, đối tượng khách hàng trẻ tuổi tiếp cận và sử dụng công nghệ cũng như có nhu cầu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính ngày càng lớn nên trong vai trò cung cấp các dịch vụ tài chính, nếu chị em phụ nữ nắm bắt tốt xu hướng đó cũng sẽ giúp phục vụ tốt cho phân khúc này.
Tôi cho rằng, chính vì vai trò của phụ nữ rất quan trọng như vậy nên trong quá trình xây dựng đề án tổng thể liên quan đến chủ trương về tài chính toàn diện của Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm và đưa đối tượng nữ vào trong triển khai chủ trương này cũng như có các khuyến nghị, giải pháp để có sự gắn kết, vào cuộc của các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Ông Julius Caesar Parrenas, đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh của APEC (ABAC): Việt Nam là một nơi rất phù hợp để chúng ta bàn về nội dung tín dụng cho nông nghiệp nông thôn trong chủ đề tài chính toàn diện bởi tại Việt Nam và một số thành viên APEC khác, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn vẫn chiếm đông đảo. Trong đó, theo một nghiên cứu năm 2014, có khoảng 2/3 dân cư nông thôn có tiết kiệm nhưng đa phần không phải gửi tại các định chế tài chính trong khi các dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm, thanh toán qua di động cũng ở mức rất thấp. Tại các nền kinh tế đang phát triển có nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, khu vực nông thôn thường đặc trưng bởi tỷ lệ nghèo đói cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn của các nền kinh tế phát triển dựa trên dịch vụ và công nghiệp. Việc mở rộng các cơ hội nghề nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực nông thôn đòi hỏi có sự cải thiện đáng kể đối với khả năng tiếp cận tới nguồn tài chính cần thiết. Các vấn đề mấu chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện bao gồm việc tạo ra một môi trường với chiến lược tài chính toàn diện lành mạnh, thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính vi mô, đặc biệt là tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô và tận dụng được thế mạnh của các sản phẩm tài chính số và một khuôn khổ pháp lý cân bằng. Ông Andre Laboul, Tham tán cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): Theo kết quả nghiên cứu của OECD về tài chính toàn diện giữa các nền kinh tế APEC, trình độ phát triển về giáo dục tài chính và tài chính toàn diện rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Cụ thể, đối với các quốc gia phát triển, trọng tâm của các sáng kiến giáo dục tài chính cần tập trung hơn vào xử lý các rủi ro của từng cá nhân (tuổi cao, nợ nhiều...) và xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới gắn liền với việc áp dụng công nghệ mới thông qua việc phối hợp các chính sách và giáo dục tài chính. Trong khi đó tại các nền kinh tế đang phát triển, 2 ưu tiên chính sách đặc biệt quan trọng là tiếp cận an toàn tới nguồn tài chính và Chính sách giáo dục tài chính hiệu quả nhằm hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả và an toàn các sản phẩm tài chính, đặc biệt là các sản phẩm tài chính số. Và nếu như giáo dục tài chính là bước đầu tiên trong bảo vệ các DNNVV cũng như các đối tượng ở các khu vực nông thôn thì bảo vệ người tiêu dùng tài chính là bước đi tiếp theo và đóng vai trò quyết định sự thành công của các quyết định chính sách. |