Hoàn thiện pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán
Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm phát triển TTKDTM và thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, cho phép ba doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy hoạt động TTKDTM tại Việt Nam trên cơ sở khai thác, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Ngày 11/5/2021, NHNN đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia. Cũng trong năm 2021, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về TTKDTM, trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về TTKDTM thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0... và được Chính phủ thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Nhằm tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới để đẩy mạnh TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động thẻ ngân hàng, NHNN cũng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021, trong đó quy định việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán mà không cần đến ngân hàng mở thẻ.
Hệ sinh thái số không ngừng mở rộng
Chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua diễn ra mạnh mẽ. NHNN đã rà soát, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số như: (i) Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện và thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành ngân hàng; (ii) Trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), Hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; (iii) Ban hành hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử eKYC, hướng dẫn mở thẻ bằng phương thức điện tử; đảm bảo an ninh an toàn, hoạt động nghiệp vụ và thống nhất tiêu chuẩn cơ sở (QR, thẻ chip...); (iv) Cấp giấy phép cho 46 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô và phạm vi, được ghi nhận bằng nhiều thành quả tích cực như: (i) nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm,...) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch Covid-19; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực; (ii) NHNN xếp vị trí số 2 về chỉ số chuyển đổi số (DTI) đối với bộ ngành, trong đó chỉ số kiến tạo thể chế xếp thứ nhất; 2 năm liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ, và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao
Trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị tác động bởi các giải pháp giãn cách xã hội thì hoạt động TTKDTM vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Kết quả TTKDTM qua các kênh trong 11 tháng năm 2021 so với cuối năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng cao: qua kênh Internet tăng tương ứng 49,3% về số lượng giao dịch và 31,34% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,64% và 86,58%; qua kênh QR code tăng tương ứng 50,36% và 130,97%. Tính đến hết tháng 11/2021, đã có 21 tổ chức tín dụng triển khai mở tài khoản bằng eKYC với khoảng 2,7 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử đang hoạt động với số lượng giao dịch là 31,5 triệu giao dịch).
Nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 được ngành ngân hàng triển khai thực hiện trong năm 2021. Theo đó, NHNN thực hiện giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với tổng số tiền giảm dự kiến cả năm 2021 khoảng 345 tỷ đồng; thực hiện miễn phí các giao dịch chuyển tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Napas thực hiện giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, phí chuyển tiền nhanh 24/7 với tổng số phí giảm trong năm 2021 dự kiến khoảng 1.212 tỷ đồng. Như vậy, tổng số phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống Napas dự kiến giảm khoảng 1.557 tỷ đồng. Các TCTD áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ “zero fee” như miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản, phí phát hành, phí thường niên thẻ... Số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%.
Ngoài ra, TTKDTM đối với dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) tiếp tục được ngành ngân hàng đẩy mạnh. Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, trung gian thanh toán tích cực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng DVCQG, có chính sách ưu đãi miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Từ tháng 9/2020, Napas (với vai trò là tổ chức chuyển mạch bù trừ) đã hoàn thành kết nối với Cổng DVCQG cho phép tất cả khách hàng của các ngân hàng thành viên (100 triệu thẻ của 40 ngân hàng thành viên) có thể thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục trên Cổng DVCQG. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, trung gian thanh toán khác cũng xây dựng hạ tầng kết nối trực tiếp để cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua Cổng DVCQG. Đến nay, đã có 14 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán kết nối trực tiếp để cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua Cổng DVCQG.
Mặc dù vậy, hoạt động TTKDTM vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức như: Thói quen tiêu dùng tiền mặt và tâm lý ngại thay đổi, ở một bộ phận khách hàng, đặc biệt là khách hàng cao tuổi, người ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Sự chưa sẵn sàng (về dữ liệu, kỹ thuật,..) của một số đơn vị cung ứng dịch vụ công (y tế, giáo dục, an sinh xã hội,...) để có thể kết nối, chia sẻ thông tin với các ngân hàng trong triển khai cung ứng dịch vụ TTKDTM đối với dịch vụ công.
Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM và chuyển đổi số
Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế. Cụ thể:
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ.
Mới đây, ngày 13/01/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trụng gian thanh toán: (i) Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN; (ii) Nâng cao nhận thức của các tập thể, cá nhân trong ngành ngân hàng về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; (iii) Tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số; (iv) Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; (v) Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy TTKDTM tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và hoạt động thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống bù trừ điện tử (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; cùng với đó là tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống CNTT trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Công tác truyền thông, giáo dục tài chính tiếp tục được ngành ngân hàng đẩy mạnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, qua đó thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện.