TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG MẪU MỰC HỒ CHÍ MINH
VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm thể hiện qua các bài viết, bài nói chuyện và ngay chính phong cách của Người, tập trung ở một số điểm chủ yếu như:
Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”.
Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”, “một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt, là người ngu dại”. Người căn dặn: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Nhưng “khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”.
Tiết kiệm sức dân, “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người viết: “Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh” nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”.
Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”. Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”.
Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong. Người viết: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong cơ quan, đơn vị, vị trí công tác của mình. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hành tiết kiệm cho phù hợp. Người căn dặn: “muốn vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán”, tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.
Theo Người, “thực hành tiết kiệm phải đi đôi với chống lãng phí”. Muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi “đánh trống bỏ dùi” để tránh sự “nhờn thuốc” và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.
Đặc biệt, Người có cả bài viết chuyên sâu về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí thể hiện ở một số điểm sau:
Lãng phí sức lao động. Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, nên sinh ra lãng phí sức lao động. Người chỉ rõ, trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo.
Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Người chỉ ra thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.
Lãng phí tiền của nhà nước, cơ quan, của cá nhân. Biểu hiện ở nhiều mặt: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm. Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý. Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để. Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng. Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn. Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm. Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma…
Hồ Chí Minh không chỉ bàn luận về tiết kiệm, lãng phí dưới góc độ lý luận mà chính bản thân Người đã là tấm gương mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày, ai cũng có thể học tập, làm theo được. Người coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một phẩm chất đạo đức cần phải có của người cách mạng, là điều kiện bắt buộc trong thực thi đời sống mới và cũng là một yêu cầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”.
Mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác, phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể; nghiêm khắc kỷ luật những kẻ không chịu sửa lỗi dù đã bị nhắc nhở, khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt.
Tích cực tuyên truyền giải thích để cho mọi người hiểu rõ lợi ích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Do vậy, “người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.
Hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ thực trạng hiện nay cho thấy: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người; việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước; xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của Nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày. Bởi lẽ, họ là người được tín nhiệm giao trọng trách quản lý, sử dụng một khối lượng lớn tài sản của Nhà nước; điều hành mọi hoạt động theo một kế hoạch đã được xác định; đồng thời, chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình, cấp ủy cấp trên, người đứng đầu cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ và quản lý tình hình mọi mặt của các cơ quan, đơn vị.
Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn để điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng nêu rõ về vấn đề này.
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG
Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1963/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025.
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2021-2025 là triệt để THTK, CLP trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng, góp phần tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tiết kiệm chi phí nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai.
Chương trình cũng đề ra giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP; Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực quản lý, điều hành tài chính, quản lý vốn đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công, thực hiện cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý lao động, thời gian lao động; Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát THTK, CLP; Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm quy định về THTK, CLP; Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Gần đây, để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí. Điều đó chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; coi đây là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quản lý, sử dụng tài sản công và chống gây thất thoát, lãng phí.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các quy định về THTK, CLP trong toàn ngành Ngân hàng. Vì vậy, công tác THTK, CLP của Ngành đã đạt được kết quả đáng kể, góp phần tích lũy nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như ổn định mức thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động.
Trong năm 2023, nhận thức được tầm quan trọng của công tác THTK, CLP, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, NHNN đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2023. Trong đó, NHNN đã đề ra mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu tiết kiệm, biện pháp thực hiện phù hợp với định hướng phát triển của Ngành.
Các đơn vị phải nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023 đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của Thống đốc NHNN.
NHNN sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác THTK, CLP để sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về tiêu chuẩn, định mức trong quản lý tài chính, tài sản. Trong năm 2023, NHNN sẽ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập kế hoạch, các đơn vị phải tiết kiệm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2022".
CHI NHÁNH BHTGVN KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ
VỚI THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một tổ chức tài chính Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ. BHTGVN được cấp vốn điều lệ, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Hội đồng quản trị BHTGVN thực hiện quản lý toàn diện và quyết định các nội dung hoạt động của BHTGVN thuộc thẩm quyền theo quy định.
Ngày 18/6/2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã chính thức được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ Ba thông qua, ghi nhận một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động của BHTG. Từ sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013 đến nay, BHTGVN đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn, phát huy tối đa nguồn lực hiện có.
Hiện nay, BHTGVN có 01 Trụ sở chính và 08 Chi nhánh tại các khu vực. Gồm:
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ
- Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ
- Chi nhánh BHTGVN tại TP. Đà Nẵng
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
- Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hồ Chí Minh
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tự hào luôn làm tròn sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Kết quả thực hiện chương trình THTK, CLP của Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ.
Thực hiện Chương trình hành động THTK, CLP của ngành Ngân hàng và hướng dẫn, chỉ đạo của NHNN. Xác định được tầm quan trọng của mình đến hệ thống ngành Ngân hàng, BHTGVN đã có Quyết định số 71/QĐ-BHTG ngày 28/02/2023 về Ban hành chương trình THTK, CLP năm 2023. Trên cơ sở đó, Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ cũng đã xây dựng và ban hành chương trình THTK, CLP số 101/CTr-BTB ngày 23/3/2023 theo từng nội dung cụ thể phù hợp với tình hình hoạt động của Chi nhánh.
Hiện tại trên địa bàn Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ quản lý từ Ninh Bình đến Quảng Bình có 223 tổ chức tham gia BHTG gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa và 221 QTDND.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của BHTGVN cùng tinh thần quyết tâm, chủ động, Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Chi nhánh luôn chú trọng tập trung nguồn lực đáp ứng các hoạt động nghiệp vụ trọng yếu: giám sát từ xa thường xuyên, liên tục; kiểm tra tại chỗ định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, đưa chính sách đi vào cuộc sống; thực hiện nghiệp vụ quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN.
Trên cơ sở chương trình THTK, CLP riêng của chi nhánh, thời gian qua, việc THTK, CLP trong tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về THTK, CLP; Xây dựng Chương trình hành động về THTK, CLP; Những kết quả tiết kiệm đạt được trong các lĩnh vực như: (1) Hoàn thiện cơ chế, định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở triển khai THTK, CLP; (2) Quản lý kinh phí hoạt động thường xuyên của Chi nhánh; (3) Quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc; (4) Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; (5) Tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Công tác THTK, CLP của Chi nhánh trong thời gian qua nói chung và trong năm 2023 nói riêng đã được triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, toàn diện theo các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và đạt được những kết quả nhất định. Trước hết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Chi nhánh đã kịp thời xây dựng và ban hành Chương trình hành động cũng như thực hiện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tới từng cán bộ đảng viên, người lao động làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện công tác THTK, CLP trong toàn Chi nhánh.
Để việc triển khai Chương trình hành động về THTK, CLP năm 2023 tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Chi nhánh đã đề ra yêu cầu các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong năm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của chi nhánh. Cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người lao động, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP;
- Nghiêm túc thực hiện việc xây dựng Chương trình hành động và chế độ báo cáo về THTK, CLP. Thực hiện phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng bộ phận, cá nhân liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng; Thực hiện rà soát lại những hạn chế, tồn tại và có biện pháp, giải pháp cụ thể;
- Đẩy nhanh và mạnh hơn nữa công tác hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý lao động và thời gian lao động để làm cơ sở THTK, CLP;
- Triệt để tiết kiệm kinh phí hoạt động thường xuyên, phấn đấu đạt các chỉ tiêu tiết kiệm đề ra trong chương trình hành động. Đặc biệt là tiết kiệm trong chi quản lý công vụ nói chung và các khoản chi cụ thể như: Chi công tác phí như bố trí các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất phù hợp về thành phần, thời gian và khoảng cách giữa các đơn vị được kiểm tra đảm bảo yêu cầu công việc, thiết thực hiệu quả và tiết kiệm. Chi sử dụng nước: Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hệ thống thiết bị nước tránh thất thoát khi sử dụng nước; Chi điện thoại: Sử dụng điện thoại hiệu quả tiết kiệm, tăng cường xử lý công việc qua thư điện tử (email)…; Chi sử dụng điện: Tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị khi hết giờ làm việc. Sử dụng điện tiết kiệm không để lãng phí, sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần; Các khoản chi lễ tân, khánh tiết thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của BHTGVN; Chi phí xăng dầu: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận hành các loại phương tiện; chấp hành đúng quy định về định mức tiêu hao xăng dầu cho từng loại xe; bố trí sắp xếp sử dụng phương tiện chung khi đi công tác nhiều người nhằm đảm bảo việc tiết kiệm xăng, dầu; Chi văn phòng phẩm: Thực hiện xử lý văn bản trong nội bộ Chi nhánh qua mạng để hạn chế in, sao chụp văn bản giấy, tăng cường tận dụng giấy, in hai mặt v.v
- Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản công: Tăng cường công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo vệ sinh, ngăn nắp tạo môi trường làm việc luôn xanh - sạch - đẹp; Quản lý, theo dõi chặt chẽ, đúng quy định các phương tiện đi lại, không sử dụng xe cơ quan vào việc riêng; Việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình trụ sở làm việc đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và BHTGVN về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và đấu thầu; tăng cường giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình sửa chữa, nâng cấp và bảo dưỡng công trình.
Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ, chương trình kế hoạch công tác, Chi nhánh xây dựng nhu cầu, kế hoạch mua sắm tài sản, công cụ dụng cụ, vật liệu thực sự cần thiết trong năm kế hoạch, đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức giá cả theo quy định của pháp luật và của BHTGVN; Việc xây dựng kế hoạch tài chính đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động; Tuân thủ, chấp hành đúng trình tự, thủ tục mua sắm theo quy định; Thường xuyên tăng cường việc kiểm tra, giám sát công tác mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản của Chi nhánh; Thực hiện thanh lý tài sản đúng quy định, rà soát chặt chẽ, đánh giá tài sản đủ điều kiện thanh lý, tổ chức thanh lý công khai, minh bạch. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian làm việc: Hàng tháng các phòng theo dõi và lập bảng chấm công của phòng mình đảm bảo đúng nội quy lao động để tổng hợp chấm công toàn Chi nhánh. Về nguyên tắc, thực hiện triệt để tiết kiệm, hạn chế lãng phí nhưng vẫn phải đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên và đột xuất.
Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong các phòng, ban của chi nhánh mà mỗi cán bộ đảng viên và người lao động cần có trách nhiệm, việc làm về THTK, CLP cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan.
Đối với cán bộ đảng viên và người lao động, việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong THTK, CLP. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa thời gian vào việc có ích. THTK, CLP cho cơ quan bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả.
Cán bộ đảng viên và người lao động biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là THTK, CLP. Đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Độc lập thì không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm, biết làm chủ bản thân và công việc, sẵn sang từ bỏ những gì mà thực tiễn kiểm nghiệm là sai hoặc là những cái cũ mà nay không còn phù hợp nữa để tiến tới đề xuất cái mới đáp ứng được thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt.
Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu. Tránh quán sá, rượu bia, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao.
Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân từng cán bộ, đảng viên với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và dân chủ tại cơ sở, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất cao, trên dưới một lòng, chung sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Chi bộ Hành chính nhân sự, Kế toán-Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ