Lên giây cót…
Cuối tuần trước NHNN đã gửi tới các TCTD văn bản số 6921/NHNN - TTGSNH về việc quán triệt các TCTD tăng chất trong hoạt động xử lý nợ xấu (XLNX). Văn bản nêu rõ, các TCTD khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với XLNX đến năm 2020 theo đúng chỉ đạo của NHNN, đồng thời phải đảm bảo chất lượng, thời hạn và theo đúng yêu cầu của NHNN.
Trong đó, phải đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của TCTD từ thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, tồn tại, hạn chế… đến thời điểm xây dựng phương án, xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại từng năm và đến năm 2020… Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các TCTD chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN trong việc chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với XLNX. “Chất lượng, hiệu quả và ý thức chấp hành trong việc xây dựng phương án cơ cấu lại của TCTD là một trong những tiêu chí của NHNN đánh giá khi xem xét đề nghị liên quan đến hoạt động của TCTD”, văn bản trên nêu rõ.
Đề án đi sâu đánh giá toàn thực trạng hoạt động từ tổ chức quản trị điều hành, tình hình tài chính, các hoạt động kinh doanh, xử lý tồn tại vướng mắc. Mục tiêu định hướng cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 cũng được trình bày cụ thể tại đề án. Trong đó OCB tập trung chủ yếu giải pháp nâng cao năng lực tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng, các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tập trung tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, các giải pháp nâng cao năng lực quản trị, điều hành và tính minh bạch trong quá trình hoạt động...”, ông Tùng chia sẻ. Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, NHNN năm nay làm rất kỹ, yêu cầu các NH có đề cương đầy đủ với lộ trình thực hiện để đạt được các mục tiêu toàn Ngành đặt ra. “Chúng tôi đã xây dựng xong đề án dài gần 120 trang với lộ trình, giải pháp thực hiện, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, đúng yêu cầu của NHNN như báo cáo kết quả thực hiện phương án tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015.
Tổng giám đốc một NHTMCP nhỏ trong TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết ông vừa mới gửi lên NHNN Đề án tái cơ cấu NH mình. Đề án cũng bám sát các quy định Nghị quyết số 42 (NQ 42) và Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020. Hiện tại có khoảng 10 NH nộp đề án tái cơ cấu trên lên NHNN. Đó cũng là một trong những lý do NHNN đưa ra văn bản đốc thúc các TCTD sớm hoàn thiện Đề án.
Theo nhận định của các chuyên gia, động thái trên của NHNN là rất tích cực để đốc thúc tiến độ XLNX của các NH, bởi nợ xấu có xu hướng tăng so với cuối năm 2016. Trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), đến cuối tháng 6/2017, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã tăng so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu toàn Ngành ở mức 2,9%, trong khi cuối năm 2016 tỷ lệ này là 2,6%. Chưa kể, tái cơ cấu hệ thống NH vẫn còn đang ngổn ngang nhiều vấn đề như sở hữu chéo, các NH yếu kém…
NHNN mạnh tay, NHTM nỗ lực
Chuyên gia NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với chính sách hiện tại của NHNN cùng với việc thực hiện NQ 42, hoạt động XLNX chắc chắn có bước tiến quan trọng trong thời gian tới. Chung quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay, trên cơ sở NQ 42, NH sẽ mạnh dạn hơn để đưa nợ xấu về dưới 1,5%, nếu cộng cả nợ bán VAMC thì tỷ lệ trên cũng chỉ ở mức dưới 2%. “Trước đây NH thực hiện khá tốt, nhưng từ khi Bộ Luật dân sự có hiệu lực thì hoạt động này bị chững lại. Giờ NH sẽ khởi động lại nhất là sau khi VAMC thực hiện thu giữ TSBĐ lớn như vậy sẽ tạo động lực tốt để NH triển khai”, ông Tùng chia sẻ.
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, dự kiến trong năm nay, NH này xử lý khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu với nhiều hình thức mua lại nợ xấu từ VAMC về tự xử lý, bán nợ theo giá thị trường trên cơ sở NQ 42 cho phép…
Thực tế, tham vấn lãnh đạo một số NH cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm, chỉ muốn giải quyết êm đẹp để tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn mà NH cũng nhanh chóng thu hồi được nợ. Còn việc thu giữ tài sản là biện pháp đặng chẳng đừng để gây áp lực cho khách hàng vay không có ý thức hợp tác trả nợ buộc phải cùng ngồi xuống đàm phán với NH. “Mặc dù NH sẽ sử dụng tới biện pháp mạnh mà NQ 42 cho phép nhưng NH sẽ làm trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho khách hàng như miễn giảm lãi…”, ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Kỳ vọng sẽ tạo được cú hích kích hoạt chương trình XLNX quy mô lớn của hệ thống NH, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khó có thể kỳ vọng NQ 42 phát huy hiệu quả trong một sớm một chiều. Bởi vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhất là sự phối hợp của các bộ ngành khác, hay bản thân các NH có mạnh dạn đưa ra những con số nợ xấu một cách chính xác hay không. “Đây là điều không phải NH nào cũng thực hiện được. Các NH sẽ không mặn mà lắm hoặc có thể nhìn nhau để làm chứ không công khai ngay”, một chuyên gia nhận định và cho rằng ngay cả trường hợp VAMC thu giữ khoản nợ của Saigon one center thì việc xử lý dứt điểm khoản nợ trên cũng khó có thể thực hiện nhanh chóng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình cho rằng, tuy NQ 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cho các NH có thể thu giữ TSBĐ nhưng quy định mới chỉ dừng lại là nghị quyết chưa phải là Luật nên các NH khó có thể thu giữ TSBĐ một cách dễ dàng hiệu quả như các nước tiên tiến. Nếu trong quá trình thu giữ tài sản, NH vấp phải sự chống đối mạnh của khách hàng, dù có sự phối hợp của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhưng chắc chắn các NH không thể xử lý quyết liệt thu giữ TSBĐ mà sẽ phải kéo nhau ra toà khởi kiện. Đây cũng là băn khoăn của các NH khi Tòa án Nhân dân tối cao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục tố tụng rút gọn, cách xử lý thụ lý của tòa án đối với những trường hợp tranh cãi như thế nào… Ngoài ra, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể về thuế để NH đẩy nhanh việc thu hồi nợ.