Tính đến ngày 31/12/2020, Quỹ DPNV của BHTGVN là 64.269 tỷ đồng, chiếm 91% tổng nguồn vốn (70.576 tỷ đồng), trong đó: Thu từ phí BHTG là 51.439 tỷ đồng; Thu lãi từ hoạt động đầu tư NVTTNR theo tỷ lệ còn lại sau khi trích một phần vào thu nhập là 12.648,7 tỷ đồng; Thu từ các hoạt động khác là 181,3 tỷ đồng (số liệu trước kiểm toán).
Nguồn thu từ thu phí và vốn đầu tư tạm thời nhàn rỗi chiếm 99,7% Quỹ DPNV, bài viết sẽ thực hiện đánh giá hai nguồn chính hình thành nên Quỹ DPNV tại BHTGVN.
Nguồn thu từ phí BHTG
Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN thực hiện thu phí theo phương thức thu phí trước và thu phí đồng hạng với mức 0,15%/tổng số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Điều này đã giúp BHTGVN chủ động nguồn lực tài chính để triển khai nhanh chóng khi xảy ra chi trả BHTG. Tuy nhiên, việc đưa ra cơ chế áp dụng phí BHTG, đặc biệt khi Quỹ DPNV bị thiếu hụt hoặc khi xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có, đây là một trong những kênh huy động vốn trong trường hợp cần thiết để chi trả BHTG đối với BHTGVN để giảm gánh nặng tài chính cho Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, chính sách thu phí BHTG đối với các tổ chức được kiểm soát đặc biệt có sự thay đổi rõ rệt, từ năm 2018 các tổ chức được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí BHTG theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 14/2017/QH14. Việc miễn phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt chưa đáp ứng theo khuyến nghị của IADI cũng như theo thông lệ quốc tế. Các tổ chức tài chính yếu kém sẽ làm tăng rủi ro đổ vỡ trong hệ thống, do đó theo nguyên tắc tính phí rủi ro, các tổ chức tham gia BHTG này sẽ phải nộp phí cao hơn các tổ chức tài chính hoạt động lành mạnh.
Nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi
Thu lãi hoạt động đầu tư là nguồn thu chính thứ hai của Quỹ DPNV tại BHTGVN cũng như tại các tổ chức BHTG quốc tế. Theo Luật BHTG, danh mục các công cụ, tài sản đầu tư (đảm bảo nguyên tắc an toàn và phòng ngừa rủi ro theo khuyến nghị của IADI), bao gồm: Trái phiếu Chính phủ; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN; tín phiếu NHNN; gửi tiền tại NHNN.
Hiện tại, BHTGVN chỉ được phép mua trái phiếu, tín phiếu và gửi tiền tại NHNN, thanh khoản cao, ít rủi ro nhưng sinh lời thấp, làm khả năng gia tăng tài chính bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện kinh tế ổn định, chưa có cơ chế cho phép BHTGVN thực hiện các khoản đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn để tích lũy thêm cho Quỹ DPNV, tăng khả năng thực hiện chi trả khi cần thiết, giảm gánh nặng cho Chính phủ khi kinh tế gặp khó khăn.
Trước khi Luật BHTG có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, nguồn thu từ hoạt động đầu tư NVTTNR được đưa 100% vào thu nhập của BHTGVN. Điều này đã giúp BHTGVN chủ động tốt hơn trong việc tích lũy vốn từ Quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ, đồng thời thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm.
Từ năm 2014, Luật BHTG và văn bản hướng dẫn về quy chế quản lý tài chính đối với BHTGVN tại Thông tư số 41/2014/TT-BTC nay được thay thế bởi Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 26/11/2016 và Thông tư 20/2020/TT-BTC ngày 01/04/2020 của Bộ Tài chính quy định: BHTGVN trích một phần thu đầu tư NVTTNR vào thu nhập theo tỷ lệ được Bộ Tài chính quy định hàng năm, số còn lại được đưa vào Quỹ DPNV, do đó nguồn tích lũy cho Quỹ DPNV ngày một tăng lên. Tuy nhiên, điều này phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải lập kế hoạch tài chính nhiều lần, đặc biệt việc trích lập Quỹ đầu tư phát triển thấp (tỷ lệ trích theo nguyên tắc không quá 30% chênh lệch thu chi), không đảm bảo nguồn lực để trích lập Quỹ đầu tư phát triển cho mục tiêu tăng vốn điều lệ trong tương lai, trong khi theo định hướng của Nhà nước chỉ sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động theo quy định tại Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 và chưa đảm bảo hài hòa cho tốc độ tăng trưởng của Quỹ DPNV và Quỹ đầu tư phát triển.
Theo Luật Kế toán Việt Nam và Chuẩn mực số 14 - Doanh thu và thu nhập khác, tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư tài chính như lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu được phản ánh 100% vào doanh thu hoạt động tài chính. Tuy nhiên, kể từ khi Luật BHTG có hiệu lực, lãi thu hoạt động đầu tư NVTTNR một phần nhỏ đưa vào thu nhập để bù đắp chi phí, phần còn lại đưa vào Quỹ DPNV chưa được phản ánh theo thông lệ của Luật Kế toán.
Theo thông lệ quốc tế, ở một số nước như Đài Loan, Canada lãi thu từ hoạt động NVTTNR được ghi nhận 100% vào thu nhập, không ghi nhận một phần lãi thu từ hoạt động đầu tư vào thu nhập, một phần đưa vào Quỹ DPNV như ở Việt Nam.
Nhìn chung, đối với cơ chế tạo lập nguồn thu Quỹ DPNV, về cơ bản các nguồn thu chính cho Quỹ DPNV như thu phí BHTG, thu lãi hoạt động đầu tư… đáp ứng với khuyến nghị của IADI cũng như theo thông lệ quốc tế và pháp luật đã quy định cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho BHTGVN trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, việc tạo lập nguồn thu Quỹ DPNV vẫn còn một số tồn tại/hạn chế cần được bổ sung và hoàn thiện, qua đó tăng nguồn thu và nguồn huy động dự phòng cho Quỹ DPNV của BHTGVN.