Hệ thống BHTG Thụy Sĩ hoạt động theo cơ chế cấp vốn sau. Cụ thể, khi một tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ, Cơ quan BHTG Thụy Sĩ sẽ yêu cầu các tổ chức thành viên khác cung cấp số tiền cần thiết để xử lý bằng cách ghi nợ trực tiếp và chuyển đến cơ quan thanh lý được chỉ định bởi Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) trong vòng 20 ngày để thực hiện chi trả cho người gửi tiền của ngân hàng bị đổ vỡ.
Các nội dung sửa đổi chính trong Luật bao gồm:
Thứ nhất, Luật sửa đổi quy định các ngân hàng được yêu cầu gửi trước 50% nghĩa vụ chi trả theo quy định cho bên lưu kí thứ ba giữ dưới dạng giấy tờ có giá hoặc tiền, 50% còn lại vẫn tuân theo các yêu cầu thanh khoản nghiêm ngặt áp dụng cho các ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định cũ, tất cả các ngân hàng ở Thụy Sĩ chỉ có nghĩa vụ phải duy trì thanh khoản phòng trường hợp họ được yêu cầu chi trả cho hệ thống BHTG.
Thứ hai, Luật sửa đổi quy định tổng số tiền tối đa các ngân hàng có nghĩa vụ chi trả được xác định bằng 1,6% tổng tiền gửi được bảo hiểm và không dưới 6 tỷ CHF. Trong khi đó, theo Luật Ngân hàng cũ, tổng số tiền tối đa các ngân hàng có nghĩa vụ chi trả được quy định bằng số tuyệt đối là 6 tỷ CHF. Như vậy, theo quy định sửa đổi, tổng số tiền tối đa các ngân hàng có nghĩa vụ chi trả tăng lên 7.8 tỷ CHF (tính đến 31/12/2020, tổng số tiền gửi được bảo hiểm là 489 tỷ CHF).
Thứ ba, Luật sửa đổi nêu rõ thời hạn mà các khách hàng nhận khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ được rút ngắn nhằm nhanh chóng chi trả cho những người gửi tiền của ngân hàng đổ vỡ (tối đa 100,000 CHF cho 1 khách hàng của 1 ngân hàng).
Kể từ năm 2005, cơ quan BHTG Thụy Sĩ chịu trách nhiệm bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng và công ty chứng khoán theo Luật Ngân hàng cũ. Cũng theo Luật Ngân hàng cũ, tiền gửi với lãi suất ưu đãi của tất cả các chi nhánh của ngân hàng và công ty chứng khoán Thụy Sĩ đều phải do cơ quan BHTG Thụy Sĩ bảo hiểm.