Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó khu vực DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (857.600 doanh nghiệp đang hoạt động). Đây là nhóm khách hàng mà ngành ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, triển khai Luật hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn triển khai Luật hỗ trợ DNNVV, NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Qua báo cáo của Hiệp hội DNNVV, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận thấy, bối cảnh hiện nay, người dân và DN, đặc biệt là DNNVV đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là khó khăn chung của thế giới, không riêng Việt Nam. Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phủ chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đó có DNNVV. Thống đốc cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đòi hỏi nhiều giải pháp từ phía nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương và cả bản thân các doanh nghiệp. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu, hội nghị này tập trung vào những khó khăn từ phía hoạt động ngân hàng, còn có thể sẽ có các cuộc họp với các bộ, ngành khác.
Về phía NHNN, Thống đốc cho biết, NHNN rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân nói chung, DNNVV nói riêng. Từ khi đại dịch Covid xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các DN trong đó có DNNVV. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai.
Lắng nghe ý kiến của DNNVV, Thống đốc nhận định, đối với lĩnh vực ngân hàng, các ý kiến xoay quanh hai vấn đề, đó là lãi suất và tiếp cận tín dụng.
Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc cho biết, trong bối cảnh NHTW các nước vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh, tình hình, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch Covid 19 xảy ra. Thống đốc cũng nhấn mạnh, NHNN Việt Nam là một trong số rất ít các NHTW trên thế giới giảm lãi suất. Các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các TCTD sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Thống đốc cũng cho rằng, để hạ lãi suất là một cố gắng của NHNN bởi khi hạ lãi suất, NHNN phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, hiện nay Luật Các TCTD quy định TCTD yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án, dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng quy định như vậy. NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có có tài sản đảm bảo (thực tế các TCTD vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). NHNN cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho TCTD để chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Những vấn đề này hoàn toàn do TCTD tự quy định trong quy trình nội bộ của chính TCTD. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp… tài liệu chứng minh sẽ khác. NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Thấu hiểu, chia sẻ giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Thống đốc cho biết, việc tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để thấu hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Bởi vậy, thời gian vừa qua, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phó tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất. Các DN thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn…Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các NHTMCP huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được của NHTMCP. Với ý kiến này, Thống đốc giải thích: lãi suất huy động và cho vay là do các TCTD tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được của NHTMCP thì vẫn có lựa chọn vay của các NHTMNN. Hiện nay, toàn hệ thống có tới trên 2.000 chi nhánh trên khắp cả nước. Các NH hiện diện tới tận huyện, NH chính sách xã hội còn có điểm giao dịch tới tận cấp xã.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp chính sách từ nhiều bộ, ngành và địa phương
Thống đốc cho rằng, hiện nay, đã có riêng một Luật hỗ trợ DNNVV và 5 Nghị định hướng dẫn Luật. Nhưng vấn đề thực thi các chính sách này mới là điều quan trọng. Về phía ngành Ngân hàng, để hỗ trợ các DNNVV, NHNN đã có giải pháp quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên trong đó có DNNVV. NHNN đã ban hành thông tư hướng dẫn cho vay theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song, những khó khăn của DNNVV cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng. Do vậy, Thống đốc kiến nghị Chính phủ cần tổ chức hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV theo Luật hỗ trợ DNNVV để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, không thể riêng ngành nào hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề, Thống đốc bày tỏ.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc nhấn mạnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh DNNVV vay vốn, Thống đốc tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và DNNVV được hỗ trợ nhiều hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân DNNVV cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Bởi vậy, DNNVV cần nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin....Hiện nay, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhưng về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá, dịch vụ, khi hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm…, sẽ thúc đẩy khách hàng mua hàng của doanh nghiệp.
Vế phía NHNN, Thống đốc khẳng định, sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành Ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban ngành để tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân nói chung và DNNVV nói riêng.
Theo NHNN, đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết các TCTD đều tham gia cho vay DNNVV, nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường. |
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ tuyên truyền chính sách BHTG tại Ag... (03/11/2023)
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 21 của H... (26/10/2023)
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tuyên truyền chính s... (24/10/2023)
- Phối hợp tuyên truyền chính sách BHTG tại Sở Lao động - Thương binh và X... (24/10/2023)
- Cụm thi đua số 2 tổ chức hội thảo chuyên môn và trao đổi, chia sẻ kinh n... (17/10/2023)
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tư... (13/10/2023)