Năm 2013, Mạng lưới chống tội phạm tài chính Hoa Kỳ (FinCEN) - Văn phòng thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã định nghĩa "tiền ảo là một phương tiện trao đổi hoạt động giống như một tiền tệ trong một số môi trường, nhưng không có tất cả các thuộc tính của tiền tệ thực”[1]. Đặc biệt, tiền ảo không có tư cách đấu thầu hợp pháp ở bất kỳ khu vực tài phán nào, không được xác định là “tiền tệ thực” (bao gồm tiền xu và tiền giấy) của Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ quốc gia nào khác[2].
Năm 2014, Cơ quan Ngân hàng Châu Âu định nghĩa "tiền ảo là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan công quyền, cũng không nhất thiết phải gắn với tiền định danh, nhưng được chấp nhận bởi các thể nhân hoặc pháp nhân như một phương tiện thanh toán và có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử”[3].
Năm 2018, Chỉ thị (EU) 2018/843 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu xác định thuật ngữ "tiền ảo" có nghĩa là "một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử”[4].
Theo đó, tiền ảo có thể bao gồm những vật phẩm và giá trị được tính thành như tiền trong các game, tiền sử dụng trong game để mua bán vật phẩm, tiền khuyến mãi ở các nền tảng mua sắm... là được phát hành nội bộ bởi các tổ chức, công ty và họ có toàn quyền kiểm soát số tiền này; loại "tiền" này không được hoặc rất hạn chế đổi ra các loại tiền pháp định và chỉ quy đổi ở trong một cộng đồng hẹp với nhau.
Khái niệm tiền ảo nêu trên là cơ sở để phân biệt với tiền mã hóa (và có thể bao gồm cả tiền kỹ thuật số) - là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên công nghệ nền tảng và được gọi chung là blockchain.
Hiện nay, ở Việt Nam có 10 đồng tiền mã hóa phổ biến, gồm:
Bitcoin (BTC) là một loại tiền mã hóa được phát minh vào năm 2008 và bắt đầu ra mắt thị trường vào tháng 1/2009. Ra mắt với giá cực thấp nhưng hiện tại, Giá Bitcoin ngày 16/4/2021 là $60.850,92 USD với khối lượng giao dịch trong 24 giờ là $68.545.777.383 USD. Hiện tại, số đồng Bitcoin đang lưu hành là 18.684.093 BTC và lượng cung tối đa có thể lên đến 21.000.000 BTC đồng coin. Các sàn giao dịch Bitcoin phổ biến hiện nay là Binance, Huobi Global, OKEx, FTX, và CoinTiger.
Ethereum (ETH) là loại tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới theo tổng vốn hóa thị trường. Ethereum được giới thiệu vào cuối năm 2013 bởi một người chuyên nghiên cứu về lập trình tiền ảo có tên Vitalik Buterin. Giá Ethereum ngày 16/4/2021 là $2.396,12 USD với khối lượng giao dịch trong 24 giờ là $33.172.939.922 USD. Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường của ETH là $276.726.562.581 USD. Lượng ETH đang lưu hành là 115.489.681 ETH đồng coin và chưa có số xác thực lượng cung tối đa trên thị trường.
Binance Coin (BNB) đã ra mắt thông qua đợt chào bán đồng tiền mã hóa lần đầu vào năm 2017, 11 ngày trước khi sàn giao dịch tiền mã hóa Binance ra mắt. Ban đầu, BNB được phát hành dưới dạng token ERC-20 chạy trên mạng Ethereum, với tổng nguồn cung tối đa là 200 triệu đồng coin và 100 triệu BNB được cung cấp trong ICO.
Ripple (XRP) là đồng tiền chạy trên nền tảng thanh toán kỹ thuật số gọi là RippleNet, nằm trên cơ sở dữ liệu sổ cái phân tán được gọi là XRP Ledger. Còn RippleNet được điều hành bởi một công ty có tên là Ripple, XRP Ledger là nguồn mở và không dựa trên blockchain, mà là cơ sở dữ liệu sổ cái phân tán đã đề cập trước đây. Nền tảng thanh toán RippleNet là hệ thống thanh toán gộp theo thời gian thực (RTGS) nhằm mục đích cho phép các giao dịch tiền tệ tức thì trên toàn cầu.
Tether (USDT) là loại tiền kỹ thuật số có giá trị phản ánh giá trị của đồng đô la Mỹ. Ra mắt vào năm 2014, ý tưởng đằng sau Tether là tạo ra một loại tiền mã hóa ổn định có thể được sử dụng như đồng đô la kỹ thuật số hoặc “stablecoin”. Tether được neo giữ hoặc “gắn chặt” với giá của đồng đô la Mỹ. Mặc dù ban đầu Tether sử dụng Lớp Omni của mạng Bitcoin làm giao thức truyền tải nhưng hiện giờ Tether đã có sẵn dưới dạng token ERC20 trên Ethereum.
Cardano (ADA) là nền tảng blockchain bằng chứng cổ phần cho biết mục tiêu của mình là cho phép “những người thay đổi, những người đổi mới và những người có tầm nhìn xa” mang lại sự thay đổi tích cực trên toàn cầu. Dự án nguồn mở này cũng hướng tới việc “phân bổ lại quyền lực từ các cấu trúc không chịu trách nhiệm cho tới biên cho các cá nhân” - giúp tạo ra xã hội an toàn, minh bạch và công bằng hơn. Cardano được thành lập vào năm 2017 và token ADA được thiết kế để đảm bảo rằng chủ sở hữu có thể tham gia vào việc vận hành mạng. Vì lý do này, những người nắm giữ tiền mã hóa có quyền bình chọn mọi đề xuất thay đổi phần mềm.
Polkadot (DOT) là giao thức đa chuỗi phân mảnh mã nguồn mở hỗ trợ việc chuyển chéo chuỗi bất kỳ loại dữ liệu hoặc tài sản nào, không chỉ token. Bằng cách đó, một loạt blockchain có thể tương tác với nhau. Cơ chế tương tác này tìm cách thiết lập một web hoàn toàn phi tập trung và riêng tư do người dùng kiểm soát và đơn giản hóa quy trình tạo các ứng dụng, tổ chức và dịch vụ mới.
Dogecoin (DOGE) dựa trên hình chế "doge" nổi tiếng trên mạng Internet với hình chú chó Shiba Inu trên logo. Đồng tiền kỹ thuật số nguồn mở này được tạo ra bởi Billy Markus đến từ thành phố Portland, tiểu bang Oregon và Jackson Palmer đến từ thành phố Sydney, Úc. Dogecoin được phân tách từ Litecoin vào tháng 12 năm 2013. Những người tạo ra Dogecoin dự tính đồng tiền này sẽ là đồng tiền mã hóa thú vị, vui nhộn, có sức hấp dẫn hơn cả đồng Bitcoin cơ bản, vì Dogecoin dựa trên hình chế một chú chó.
Uniswap (UNI) là giao thức giao dịch phi tập trung phổ biến, được biết đến với vai trò hỗ trợ giao dịch tự động các token tài chính phi tập trung (DeFi). Uniswap nhằm mục đích giúp việc giao dịch token tự động và hoàn toàn mở cho bất kỳ ai nắm giữ token, đồng thời cải thiện hiệu quả giao dịch so với trên các sàn giao dịch truyền thống. Uniswap đem lại hiệu quả cao hơn bằng cách giải quyết các vấn đề về thanh khoản thông qua các giải pháp tự động, tránh các vấn đề gây khó khăn cho các sàn giao dịch phi tập trung đầu tiên.
Litecoin (LTC) là một đồng tiền điện tử được tạo ra để cung cấp các khoản thanh toán nhanh chóng, an toàn và chi phí thấp bằng cách tận dụng các thuộc tính độc đáo của công nghệ blockchain. Đây là một đồng tiền điện tử được tạo dựa trên giao thức Bitcoin (BTC), nhưng lại khác về thuật toán được sử dụng, tổng số vốn tối đa, số lần giao dịch khối và một số yếu tố khác. Litecoin có thời gian thực hiện một khối chỉ 2,5 phút và phí giao dịch cực thấp, phù hợp với các giao dịch vi mô và các thanh toán bằng máy thanh toán thẻ[5].
Tiền ảo cần được điều chỉnh trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường chơi tiền ảo, Bitcoin rất lớn, là 1 trong 10 nước tham gia đông, đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn. Tiền ảo Bitcoin, các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp ở Việt Nam hiện nay.
Chính vì vậy, tiền ảo tất nhiên không được Chính phủ Việt Nam bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (Điều 18), tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19”. Đó là: “1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; 2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; 3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành”.
Để nhận diện những hệ lụy, rủi ro với tổ chức, cá nhân tham gia chơi, kinh doanh tiền ảo, tháng 2/2014, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của các nước, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rộng rãi đến mọi tổ chức, cá nhân về tính hợp pháp của tiền ảo, tiền Bitcoin.
Tháng 4/2014, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 và sau đó 2 ngày, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02 chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giao dịch đảm bảo không để xảy ra những rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch. Hai chỉ thị này nêu rõ, các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc là gian lận trốn thuế... Đồng thời yêu cầu tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo, cũng như rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch, mua bán, trao đổi tiền ảo để có biện pháp xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động phạm tội (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo...) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có hơn 20 loại tiền ảo và tiền mã hóa phổ biến dựa trên cộng đồng người tham gia. Nhiều người Việt nhầm lẫn giữa khái niệm "tiền ảo" và "tiền mã hoá"[6] nên đã mất hàng tỷ đồng khi đầu tư vào các sàn tiền ảo như Binary Option, Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, GardenBO... Đây thực chất là những giao dịch nhị phân, núp bóng các dự án tiền mã hoá. Tháng 8 năm 2021, Bộ Công an cảnh báo, các sàn tiền ảo này có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo người chơi[7].
Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản năm 2021 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2020 và xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trên không gian mạng với các thủ đoạn mời gọi đầu tư tiền ảo, cổ phiếu theo hình thức đa cấp... Đáng chú ý là vụ 2 đối tượng lừa đảo hàng chục người chiếm đoạt 5 tỷ đồng ở Hà Tĩnh; vụ 5 đối tượng lừa đảo 1.136 nạn nhân chiếm đoạt hơn 180 tỷ đồng tại Hậu Giang...[8]. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng lập các sàn giao dịch tài chính trái phép, kêu gọi đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo kèm theo các cam kết về lợi nhuận lớn; lập trang web với mục đích lừa đảo, mua bán các sản phẩm phòng, chống dịch. Các đối tượng lập hơn 300 website, thực hiện 40.000 giao dịch về các sản phẩm khan hiếm trong dịch bệnh như nước rửa tay, khẩu trang y tế với hơn 7000 nạn nhân ở 50 bang của Hoa Kỳ, chiếm đoạt 975.000 USD. Công an thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã triệt phá 04 sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại tệ trái phép (Rforex.com, Yaibroker, Vistraforex, Exwuiss) có thể trực tiếp can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư[9]. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quy mô lớn.
Năm 2022, mặc dù thủ đoạn phạm tội không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”...
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, cảnh báo người dân chưa được triển khai một các đồng bộ, hiệu quả chưa cao; nhiều hình thức đánh bạc hoạt động truyền thống có xu hướng sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài...; còn tình trạng “SIM” rác, mua bán tài khoản ngân hàng; chưa có giải pháp quản lý các cuộc gọi VOIP để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản..., công tác hợp tác quốc tế, phối hợp đấu tranh xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, các nước bạn hợp tác hạn chế, hỗ trợ thiếu hiệu quả với các yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm của Công an Việt Nam; công tác quản lý nhà nước có nơi, có lúc, nhất là tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, ngân hàng, còn thiếu chặt chẽ là điều kiện phát sinh tội phạm; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa có cơ chế quản lý, dẫn tới công tác phối hợp, áp dụng pháp luật giữa các đơn vị còn nhiều khó khăn; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngân hàng thường chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu tra cứu, xác minh địa chỉ IP, cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an; thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng ngày càng tinh vi, khó phát hiện trong khi các trang web có máy chủ thường được đặt ở nước ngoài...[10].
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền liên quan đến các đối tượng mới như: tiền ảo, tài sản ảo... Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường... Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại”[11]. Yêu cầu này của Đảng ta càng cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh tiền ảo trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Một số đề xuất
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trước hết, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, nhất là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
- Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
- Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo[12].
Ngoài ra, trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng, chống rửa tiền thế giới, các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng để rửa tiền, khủng bố và các mục đích bất hợp pháp khác. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, dự thảo quy định các điều khoản mang tính chất khung để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở quy định khung này: (1) xây dựng những quy định cụ thể để quản lý những sản phẩm tài chính, sử dụng công nghệ, Bitcoin, tiền ảo và các sản phẩm khác[13]; (2) sửa đổi, bổ sung quy định về tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo; (3) sửa đổi, bổ sung quy định về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo; (4) sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; (5) sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
[1] Financial Crimes Enforcement Network (2013), FIN-2013-G001: Application of FinCEN's Regulations to Persons Administering, Exchanging, or Using Virtual Currencies, tr.6, Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2013, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2015.
[2] Tiền thực là tiền [i] được chỉ định là hợp pháp đấu thầu, [ii] được lưu hành, [iii] được sử dụng và chấp nhận như một phương tiện trao đổi tại quốc gia phát hành.
[3] European Banking Authority (2014), EBA Opinion on virtual currencies (PDF), tr.46, truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2014.
[4] The European Parliament and of the Council (2018), Directive (EU) 2018/843 of the European Parliament and of the Council of ngày 30 tháng 5 năm 2018 amending Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing, and amending Directives 2009/138/EC and 2013/36/EU, Text with EEA relevance. [Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng (2018), Chỉ thị (EU) 2018/843 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 30 tháng 5 năm 2018 sửa đổi Chỉ thị (EU) 2015/849 về việc ngăn chặn việc sử dụng hệ thống tài chính cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố và sửa đổi Chỉ thị 2009/138/EC và 2013/36/EU, Văn bản có liên quan đến EEA].
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n_%E1%BA%A3o
[6] VnExpress (2021), Nhiều người nhầm lẫn khái niệm tiền ảo, tiền mã hóa, truy cập ngày 28/11/2021.
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n_%E1%BA%A3o.
[8] Chính phủ (2021), Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021).
[9] Chính phủ (2021), Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021).
[10] Bộ Công an (2022), Báo cáo số 1283/BC-BCA-V01 ngày 07 tháng 8 năm 2022 của Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[12] Thủ tướng Chính phủ (2018), Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.