Tiền ảo – Nhìn từ Libra của Facebook
Ngày 18/6 vừa qua, Facebook – mạng xã hội có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay đã công bố bản cáo bạch về đồng tiền Libra. Theo đó, người dùng có thể mua đồ hoặc chuyển tiền cho người dùng khác bằng đồng tiền ảo này với một mức phí gần như bằng không. Người dùng có thể mua hoặc hối đoái đồng Libra trực tuyến hoặc tại các điểm giao dịch địa phương, lưu giữ và sử dụng thông qua ví Facebook mang tên Calibra tích hợp vào WhatsApp, Messenger, cũng như các ứng khác của Facebook hoặc các ứng dụng ví do bên thứ ba phát triển.
Giới phân tích bình luận rằng, Facebook vốn đã là một quốc gia ảo với lãnh thổ ảo bao trùm khắp thế giới, có 2,4 tỷ dân – chính là 2,4 tỷ người dùng, và “ông vua” Mark Zuckerberg chỉ còn thiếu một đồng tiền riêng, thì nay Libra sắp ra đời.
Mặc dù đã có nhiều đồng tiền ảo xuất hiện, tuy nhiên việc công nhận và sử dụng công khai các đồng tiền ảo này vẫn còn khá hạn chế, yếu tố trung gian thanh toán chưa thực sự thể hiện rõ vai trò. Tuy nhiên, với tiềm lực của Facebook, đồng Libra hoàn toàn có tiềm năng trở thành một đồng tiền ảo mang tính chủ lưu, thực hiện tất cả các vai trò như một đồng tiền thực sự. Đứng kề vai với Facebook hiện nay trong Hiệp hội Libra – cơ quan vận hành đồng tiền ảo này – hiện đã quy tụ được 25 đồng minh, bao gồm MasterCard, PayPal, Coinbase và eBay, một số công ty khởi nghiệp như Uber và Lyft, tổ chức tài chính phi lợi nhuận Women’s World Banking, nền tảng cho vay vi mô Kiva và nhóm hỗ trợ nhân đạo Mercy Corp… Để gia nhập Hiệp hội, mỗi công ty sẽ đóng góp ít nhất 10 triệu USD. Facebook chưa tiết lộ thành phần giỏ tiền tệ hậu thuẫn Libra, song cho biết giỏ này “đa dạng hóa bằng cách chọn nhiều chính phủ thay vì chỉ một” để giảm khả năng giá trị của đồng tiền bị biến động quá mạnh.
Nếu như Libra được chấp nhận một cách rộng rãi không chỉ bởi người dùng Facebook mà còn bởi các ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý tài chính, đây có thể trở thành một đơn vị tiền tệ chung của thế giới, bởi lãnh thổ của Facebook hoàn toàn không bị giới hạn bởi biên giới truyền thống. Như vậy, chính các cơ quan quản lý tài chính – ngân hàng sẽ phải đối diện với thực tế: một đơn vị tiền tệ, dù là ảo, đang được lưu hành nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình.
Nếu Libra được lưu hành rộng rãi, Facebook sẽ hoạt động không khác gì một ngân hàng trung ương, đặc biệt là khi đồng tiền ảo được bảo đảm bằng tiền thật, được sử dụng không khác gì tiền thật. Công ty tư nhân này sẽ có một quyền năng rất lớn, bởi ai kiểm soát được tiền tệ thì sẽ kiểm soát được thị trường, và từ đó, kiểm soát được cuộc sống.
Facebook khẳng định, hệ thống Libra sẽ giúp hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận với dịch vụ tài chính thông qua điện thoại di động và gửi tiền một cách nhanh chóng hơn.Với đồng Libra, Facebook sẽ thúc đẩy phổ cập dịch vụ tài chính và qua đó thu hẹp khoảng cách trong xã hội đối với việc tiếp cận tài chính. Tuy vậy, với thị trường tài chính, niềm tin là xương sống cho mọi giao dịch, thì câu hỏi đặt ra là liệu có thể đặt niềm tin vào đồng tiền do Facebook phát hành?
Theo mạng xã hội lớn nhất thế giới, để sử dụng Libra, người dùng sẽ đăng ký tài khoản Calibra với chứng minh thư như đăng ký một tài khoản ngân hàng. Facebook và Calibra cũng như các thành viên sáng lập Hiệp hội Libra sẽ hưởng lãi suất với số tiền mà người dùng gửi vào dự trữ để duy trì giá trị đồng Libra ổn định.
Facebook công bố về Libra trong bối cảnh công ty này đang phải vật lộn chống chọi với những bê bối về quyền riêng tư của người dùng bị xâm phạm. Tại phiên điều trần trong vụ kiện tập thể xung quanh bê bối Cambridge Analytica, luật sư Orin Snyder của Facebook lập luận rằng không có sự riêng tư trên Facebook cũng như các mạng xã hội khác. “Không có sự xâm phạm quyền riêng tư nào, bởi quyền riêng tư không tồn tại”, ông này cho biết. Facebook liên tục khẳng định mình sẽ không phải là tổ chức duy nhất quản lý Libra, mà thẩm quyền sẽ nằm trong tay Hiệp hội Libra. Tuy nhiên, với một đồng tiền không thuộc diện phi tập trung hóa mà được phó mặc cho một nhóm người, câu hỏi về niềm tin vẫn còn nguyên.
Tiền ảo chưa phải là công cụ trung gian thanh toán an toàn
Có thể thấy, tiền ảo vẫn còn là một vấn đề mới đối với các cơ quan quản lý tiền tệ trên toàn cầu. Trong khi các Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính các nước đang tìm hiểu và tiếp cận với các đồng tiền ảo để đề ra chính sách phù hợp, những đồng tiền này vẫn đang không ngừng biến đổi và phát triển. Vì vậy, cho tới nay, “tiền thật” vẫn là phương tiện trung gian thanh toán an toàn nhất, bởi hệ thống khuôn khổ pháp lý đã tương đối đầy đủ cũng như các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được thiết lập và hoạt động ổn định.
Tại Việt Nam hiện nay, tiền ảo không được thừa nhận như một loại tài sản hay công cụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì các loại tiền ảo (ví dụ như Bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử. Như vậy, hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với việc sở hữu, sử dụng và thanh toán bằng tiền ảo tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Trong khi đó, việc sử dụng tiền Đồng Việt Nam đã có một hệ thống khuôn khổ pháp luật hoàn thiện, người sử dụng tiền Đồng được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việt Nam đồng (VNĐ) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền phát hành, giá trị đồng tiền được ghi trên bề mặt đồng tiền, bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng và tiền được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ. Trong những năm qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan, để phòng, chống tiền giả và bảo vệ đồng tiền Việt Nam, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch tiền mặt.
Không chỉ được bảo vệ khi sở hữu và sử dụng tiền đồng Việt Nam, người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi hợp pháp cũng được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) bảo vệ.
BHTGVN bảo vệ tiền gửi của người được BHTG thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình gắn với “vòng đời” của tổ chức nhận tiền gửi, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức này hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.
Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền bao gồm theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm; tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Đối với TCTD yếu kém, BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, BHTGVN tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống các TCTD, giúp người dân yên tâm khi gửi tiền vào các TCTD hoạt động hợp pháp.
BHTG là một trong những công cụ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, bảo vệ người gửi tiền. Cùng với BHTG, Chính phủ có thể sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền cũng như ổn định hệ thống tài chính.
Như vậy, khi sử dụng tiền Đồng – đồng tiền chính thức của Việt Nam, người dân được bảo vệ một cách chặt chẽ, an toàn. Trước khi để mắt tới những đồng tiền ảo, đồng Việt Nam vẫn đang là đồng tiền được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và vẫn là phương tiện thanh toán đáng tin cậy của công chúng./.