Đây là bức tranh trái ngược với tình hình ảm đạm của tiền gửi dân cư năm 2021. Năm ngoái, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và môi trường lãi suất thấp, tiền gửi của dân cư tăng trưởng thấp.
Thống kê cho biết, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng 2, đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tăng 3,01%). Mức tăng này cao hơn mức tăng trưởng tiền gửi của người dân trong năm 2021 là 158.623 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp ghi nhận giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 1, tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động. Sang tháng 2, tiền gửi của các doanh nghiệp đã phục hồi trở lại, tăng hơn 59 nghìn tỷ.
Theo các chuyên gia tài chính, việc tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm có thể là do các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm. Thống kê cho thấy, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3-0,8 % trong 3 tháng trở lại đây, mặt bằng được nâng lên đáng kể. Nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm, dành cho cả những khách hàng gửi ít tiền như NamABank, SCB, VietBank, VietBABank,…và xấp xỉ 7%/năm có cả những ngân hàng lớn như Sacombank, SHB, VPBank…
Các chuyên gia cho rằng, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng trong giai đoạn này là dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Kết thúc tháng 3, tín dụng tăng 5,04%, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.