Bảo vệ người gửi tiền thông qua nghiệp vụ BHTG
Bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh hoạt động ngân hàng trước những rủi ro là xuất phát điểm hình thành và mục tiêu hoạt động của tổ chức BHTG.
Quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng được bảo đảm thông qua các hoạt động của tổ chức BHTG và gắn với vòng đời của ngân hàng từ khi thành lập – hoạt động – chấm dứt hoạt động. Cụ thể, khi thành lập ngân hàng, tổ chức BHTG tham gia thẩm định điều kiện được cấp phép hoạt động; trong quá trình ngân hàng hoạt động, tổ chức BHTG thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, phổ cập cách thức bảo vệ tiền gửi, tham gia xử lý khó khăn ngân hàng, và cuối cùng là chi trả tiền gửi được bảo hiểm khi ngân hàng chấm dứt hoạt động.
Hoạt động giám sát, kiểm tra là nghiệp vụ quan trọng của tổ chức BHTG nhằm gián tiếp bảo vệ người gửi tiền. Hầu hết các hệ thống BHTG trên thế giới đều có chức năng này. Giám sát và kiểm tra phát hiện vi phạm và khó khăn ngân hàng, từ đó đề xuất cảnh báo, khuyến nghị để ngân hàng chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trong giới hạn cho phép, tổ chức BHTG có thể hỗ trợ, can thiệp vào hoạt động của ngân hàng khi có dấu hiệu mất an toàn.
Người gửi tiền được cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách và hoạt động BHTG từ tổ chức BHTG, nhằm mục đích tiếp cận, nâng cao những hiểu biết cần thiết để có sự lựa chọn dịch vụ tốt nhất, biết được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào thị trường tài chính – ngân hàng. Tổ chức BHTG ở mỗi quốc gia có cách thức bảo vệ người gửi tiền thông qua việc minh bạch thông tin. Ở Mỹ, Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC) đã có nhiều hoạt động tích cực để truyền tải thông tin đến người gửi tiền, như giới thiệu chương trình khéo dùng tiền đến công chúng là những đối tượng trưởng thành hoặc giới thiệu trong các trường học, sử dụng website trợ giúp miễn phí đối với người gửi tiền, công khai, minh bạch hóa các thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng trên website v.v. .
Trong trường hợp ngân hàng bị đổ vỡ, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo thông qua việc tổ chức BHTG thực hiện chi trả cho người gửi tiền theo hạn mức hoặc toàn bộ tùy theo từng thời kỳ. Số tiền gửi vượt hạn mức sẽ được xem xét chi trả trong giai đoạn thanh lý tài sản của ngân hàng đóng cửa. Tổ chức BHTG thông báo công khai về thời gian, phương thức, số tiền chi trả để người gửi tiền biết và tiếp cận nhanh chóng với tài khoản tiền gửi của họ. Hạn mức BHTG thường bảo vệ được đa số người gửi tiền, đặc biệt bảo vệ toàn bộ người gửi tiền với số lượng tiền gửi nhỏ. Các tổ chức BHTG luôn cố gắng trả tiền bảo hiểm sớm nhất để tránh tâm lý căng thẳng, chờ đợi của người gửi tiền.
Theo kinh nghiệm của Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC), khi tiếp nhận thông tin ngân hàng gặp khó khăn có thể dẫn tới tình trạng đóng cửa và hướng dẫn về nhận tiền bảo hiểm, FDIC ngay lập tức tiếp cận hệ thống sổ sách của ngân hàng, nhanh chóng xác nhận đối tượng, mức độ và phương thức chi trả và thu xếp cho ngân hàng khó khăn tuyên bố đóng cửa vào cuối ngày thứ 6 của tuần làm việc, tiến hành chi trả cho người gửi tiền vào đầu ngày thứ 2 tuần làm việc kế tiếp. Như vậy, người gửi tiền đã nhận tiền bảo hiểm nhanh chóng, quyền lợi được đảm bảo, giảm thiểu được mức độ gián đoạn tiếp cận tiền gửi, giảm tối đa ảnh hưởng bất lợi tới tâm lý người gửi tiền ở ngân hàng khác.
Thực tiễn triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam
Sau hàng khi loạt các hợp tác xã tín dụng bị đổ vỡ vào năm 1988-1990, Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu ứng dụng công cụ BHTG. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000, là tổ chức duy nhất triển khai hoạt động BHTG tại Việt Nam.
BHTGVN đang bảo vệ hàng triệu người gửi tiền cá nhân bằng Việt Nam đồng tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG trên toàn quốc, bao gồm: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này được yêu cầu bắt buộc tham gia BHTG và nộp phí theo quy định để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền.
Người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG được bảo vệ trong khuôn khổ chính sách BHTG, cụ thể: Cơ chế tham gia BHTG là bắt buộc; Đối tượng tham gia là tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) có huy động tiền gửi cá nhân bằng đồng Việt Nam; Loại tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam; và bảo hiểm tiền gửi theo hạn mức chi trả BHTG. Hiện nay, hạn mức BHTG là 75 triệu đồng. Với hạn mức này, BHTGVN bảo vệ phần lớn người gửi tiền, phần vượt hạn mức BHTG người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ. Hạn mức BHTG được xác định trên cơ sở: Năng lực tài chính của tổ chức BHTG, quy mô tiền gửi, thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Thời hạn chi trả tiền gửi được bảo hiểm là 60 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ chi trả.
Quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo thông qua các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN, như kiểm tra, giám sát định kỳ tháng, quý năm đối với tổ chức tham gia BHTG. Thông qua đó, có thể phát hiện sớm các vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng để báo cáo kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời. Hoạt động tuyên truyền đã được BHTGVN tích cực triển khai dưới nhiều hình thức để công chúng hiểu rõ chính sách BHTG, nâng cao niềm tin vào hệ thống ngân hàng, rủi ro đột biến rút tiền gửi sẽ ít có khả năng xảy ra, hệ thống ngân hàng vì thế sẽ hoạt động an toàn hơn. Ngoài ra, người gửi tiền được bảo vệ gián tiếp thông qua các nghiệp vụ BHTG khác của tổ chức tham gia BHTG như: Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, thu phí, tham gia kiểm soát đặc biệt...
Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, BHTGVN sẽ trực tiếp chi trả tiền gửi cho người gửi tiền được bảo hiểm trong hạn mức quy định. Đến nay, BHTGVN đã chi trả cho 1.828 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng. Hoạt động chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền được thực hiện kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng.
Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền trong tiến trình thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã giao nhiệm vụ cho BHTGVN tham gia sâu, rộng hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Nhiệm vụ này bao gồm: Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt; Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; Phối hợp cùng Ban kiểm soát đặc biệt và các cơ quan có liên quan đánh giá phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt …
Với kết quả hoạt động, định hướng phát triển, vai trò, chức năng và quyền hạn được mở rộng, BHTGVN ngày càng khẳng định là công cụ hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, đóng góp tích cực, có hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Ths. Nguyễn Việt Trung - BHTGVN
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Giảng viên HSB, ĐHQGHN Nghiên cứu viên tại QUT, Australia
Tài liệu tham khảo:
- www.fdic.gov;
- Các nguyên tắc chính của IADI về hệ thổng BHTG hiệu quả;
- Báo cáo thường niên của BHTGVN, FDIC;
- Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD năm 2017.