Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 (Chỉ thị 29) về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, ngày 15/10/2024 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Văn bản số 8444/NHNN-VP yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29.
Tại Văn bản này, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đây tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình TCTD, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng, từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn hoạt động cho vay phục vụ đời sống của TCTD đối với khách hàng; NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, mở rộng tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận tín dụng của khách hàng, vay vốn với thời gian nhanh hơn, thủ tục thuận tiện hơn.
Mới đây, ngày 28/6/2024 NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng (Thông tư 12), trong đó có quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng hơn, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen.
Ngoài ra, NHNN đã ban hành quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/3/2016, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019); Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng của các TCTD (Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016) về hoạt động thẻ ngân hàng.
NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải tiếp tục công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng. Qua đó, khách hàng có thêm thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích các TCTD cần chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lí hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn; triển khai các giải pháp theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng CSDL dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, trong đó truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”.
Về phía các TCTD tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khai thác dữ liệu “sạch” để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng; kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử, xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán. Các ngân hàng đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Hiện nay dư nợ tín dụng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, cho thấy nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống là rất cao. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng; một số tổ chức “núp bóng” công ty tài chính để cho vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ” và đòi nợ kiểu xã hội đen đã ảnh hưởng đến uy tín của các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Về phía người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận đầy đủ về mặt thông tin do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc và liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng với phương thức thủ đoạn thay đổi, tinh vi, khó truy vết. Vì vậy việc đối sánh, làm sạch dữ liệu với ngân hàng, thông tin truyền thông (sim rác) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý tài khoản, xóa bỏ tài khoản ảo, tài khoản không có thật.
Tiến tới ứng dụng định danh và xác thực điện tử trong các giao dịch của ngành ngân hàng
Thời gian tới, để thúc đẩy cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, cần những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường phối hợp làm sạch toàn bộ thông tin khách hàng với CSDL quốc gia về dân cư; tiến tới ứng dụng định danh và xác thực điện tử trong các giao dịch của ngành ngân hàng
Về phía NHNN:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng và hướng tới số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các TCTD phối hợp với C06 xác thực, làm sạch toàn bộ thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; tiến tới ứng dụng định danh và xác thực điện tử trong các giao dịch của ngành ngân hàng; chỉ đạo các TCTD phối hợp với C06 sử dụng giải pháp đánh giá khả tín trên nền tảng dữ liệu dân cư đa chiều, giảm thiểu các thủ tục trong quy trình cho vay tại các ngân hàng để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, từ đó đẩy lùi thực trạng về tín dụng đen (đặc biệt là với các gói chính sách hỗ trợ giải ngân cho các nhóm người yếu thế trong xã hội..).
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Về phía các TCTD: (i) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để đẩy mạnh các giải pháp để ứng dụng dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Về phía các Bộ, ngành liên quan: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) trực thuộc Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông đối sánh, làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng, tài khoản sim điện thoại trên toàn quốc. Việc đối sánh dữ liệu, làm sạch dữ liệu đã cung cấp cho hệ thống ngân hàng và các nhà mạng thông tin các tài khoản “ảo”, sim “rác”, loại bỏ khỏi hệ thống, làm giảm một cách đáng kể các tài khoản sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý tất cả các ứng dụng liên quan đến các hoạt động cho vay trên môi trường điện tử. Các Bộ, ngành liên quan cần có cơ chế phối hợp xử lý ngay khi các đối tượng phát sinh hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Hà Linh