Nghị quyết 05 đã đưa ra một số chủ trương, chính sách lớn bao gồm: (i) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; (ii) Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước); (iii) Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (iv) Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm; (v) Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; (vi) Đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá; (vii) Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; (viii) Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Về vấn đề cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, Nghị quyết đề cập đến việc tiếp tục lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại. Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các tổ chức tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm, trong đó có: Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản và triệt để; từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.