Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khi chủ trì Hội nghị trực tuyến về tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống QTDND do NHNN tổ chức tại Hà Nội ngày 5/7/2023. Tham gia hội nghị, về phía BHTGVN có ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Phạm Bảo Khánh - Thành viên chuyên trách HĐQT, ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành; ông Nguyễn Đình Hiển – Kiểm soát viên phụ trách chung; Giám đốc Chi nhánh các khu vực BHTGVN và lãnh đạo một số phòng, ban nghiệp vụ tại Trụ sở chính .
Hoạt động quản lý hệ thống QTDND được củng cố, chấn chỉnh, công tác giám sát được tăng cường
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hoạt động ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ thế giới lẫn trong nước, nhiều vấn đề cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng xác định việc đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của QTDND là việc làm thường xuyên, liên tục. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, làm tốt công tác định hướng, chấn chỉnh để QTDND tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đã được xác định.
Trong thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với QTDND, nâng cao vai trò của QTDND trong hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, trong thời gian qua, cơ bản hoạt động của các QTDND an toàn, lành mạnh, một số nơi có hạn chế cũng đã sớm được phát hiện và chấn chỉnh ngay. Nhiều quỹ đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định hơn.
Về công tác thanh, kiểm tra đối với hệ thống QTDND đã có tập trung, chuyên đề, đi sâu vào trọng điểm hơn nhờ có kinh nghiệm trong thanh, kiểm tra. Công tác xử lí các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, BHTGVN và NHHTX được tăng cường. BHTGVN và NHHTX là hai đơn vị đã góp phần giúp NHNN làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các QTDND trong điều kiện lực lượng thanh tra của NHNN còn thiếu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hệ thống QTDND còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn còn xuất hiện một số QTDND yếu kém, trong đó có QTDND phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý.
Báo cáo về tình hình hoạt động chung của hệ thống QTDND, ông Hoàng Việt Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố (giảm 1 QTDND Vạn Điểm, Đồng Nai đã thu hồi giấy phép hoạt động), trong đó bao gồm 31 QTDND được kiểm soát đặc biệt; 6 QTDND được áp dụng biện pháp can thiệp sớm; 2 QTDND được NHNN chi nhánh tỉnh chấp nhận giải thể tự nguyện và phê duyệt phương án thanh lý tài sản.
Tổng tài sản toàn hệ thống QTDND đạt 170.957,7 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền gửi khách hàng 150.944,8 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tổng dư nợ cho vay 131.107,8 tỷ đồng, giảm 1,4%. Vốn chủ sở hữu 11.855,5 tỷ đồng, tăng 1,2%. Chênh lệch thu nhập - chi phí: 770,4 tỷ đồng.
Nợ xấu ghi nhận 877,9 tỷ đồng, tăng 3,2 (năm 2021, 2022 nợ xấu tăng lần lượt là 5,2%, 15%). Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 0,67% (năm 2021, 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%). Tỷ trọng nợ nhóm 2/Tổng dư nợ cho vay là 0,28% (năm 2021, 2022 tỷ trọng này lần lượt là 0,21%, 0,24%). Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng 957,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so thời điểm ngày 31/12/2022.
Về cơ chế, chính sách, NHNN đã ban hành văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, an toàn hệ thống QTDND, bao gồm: Thông tư số 22/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Thông tư số 01/2023/TT-NHNN ngày 1/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về QTDND (Thông tư số 04).
NHNN cũng xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (Quyết định số 493).
“Một số nội dung tại Quyết định số 493 (đã được sửa đổi, bổ sung) không còn phù hợp với thực tế hoạt động và trình độ phát triển của các tổ chức tín dụng là hợp tác xã. Đồng thời theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung), không còn hình thức văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, vì vậy việc ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 493 là cần thiết” - đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi. Theo đó, đối với tổ chức tín dụng là hợp tác xã, hiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đang được dự thảo đảm bảo các nội dung sau: Khắc phục một số bất cập từ thực tiễn hoạt động; Tăng tính liên kết hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã, khẳng định vai trò của NHHTX trong việc hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả; Hoàn thiện cơ chế xử lý QTDND yếu kém.
Ngày 16/5/2022, NHNN có Công văn số 3231/NHNN-TTGSNH gửi các chi nhánh NHNN, trong đó có yêu cầu rà soát thực tế nội dung hoạt động của QTDND so với nội dung hoạt động của QTDND được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Trên cơ sở báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, ngày 27/9/2022, NHNN có Công văn số 6770/NHNN-TTGSNH ngày 27/9/2022 yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động của QTDND, chỉ đạo QTDND chấm dứt hoạt động chưa được pháp luật cho phép và xây dựng lộ trình, thời hạn giải quyết các phát sinh của hoạt động này.
Về công tác thanh, kiểm tra QTDND, năm 2022, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III) trực tiếp thực hiện thanh tra 1 QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu - Sơn La. Các chi nhánh NHNN đã thực hiện được hơn 333 cuộc thanh tra, kiểm tra QTDND.
Qua khai thác kết luận thanh tra cho thấy vẫn phát sinh một số tồn tại, vi phạm trong hoạt động. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoạt động các QTDND trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm được phát hiện qua thanh tra.
Kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III) được giao thanh tra 2 QTDND có quy mô lớn trên 500 tỷ đồng. 48 NHNN chi nhánh tỉnh có kế hoạch thanh tra đối với 365 QTDND.
Theo đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngân hàng có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống QTDND nói riêng, NHNN đã có nhiều công văn yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh:
Thứ nhất, xử lý các QTDND vi phạm quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, vi phạm quy định về hoạt động.
Thứ hai, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND trên địa bàn, đặc biệt là các QTDND có biến động tăng nhanh về hoạt động cho vay, huy động, có nguy cơ mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.
Thứ ba, theo dõi sát diễn biến lãi suất theo kỳ hạn trên địa bàn của các QTDND để kịp thời khuyến nghị, cảnh báo tránh gặp rủi ro lãi suất trong tương lai trong bối cảnh lãi suất diễn biến phức tạp. Chấn chỉnh ngay những QTDND tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay quá cao, bất thường.
Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thanh khoản của các QTDND.
Thứ năm, thực hiện cảnh báo, yêu cầu giải trình hoặc kiểm tra, thanh tra đối với các QTDND có biến động lớn, bất thường về cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay trung, dài hạn, kiểm tra đối tượng cho vay và người vay là thành viên QTDND hay ngoài thành viên, từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo an toàn tín dụng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành BHTGVN cho biết, qua 4 năm triển khai công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN cho thấy, về cơ bản các QTDND đã chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lí và sử dụng tuân chỉ về các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.
Việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp và trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh và chi nhánh BHTGVN, chi nhánh NHHTX cũng đã được tích cực triển khai. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống NHHTX đã hoàn thành kí kết với 57 chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động. Về phía BHTGVN, đã hoàn thành kí kết với 56/57 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động, đang tích cực sớm hoàn thành quy chế phối hợp với 01 đơn vị còn lại.
Cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến từ đại diện NHNN các tỉnh, NHHTX đều cho rằng, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống QTDND đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hệ thống QTDND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn còn xuất hiện một số QTDND yếu kém, trong đó có QTDND phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý….
Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành, triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phó Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thanh tra năm 2023, theo dõi, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh… Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu việc gửi các thông tin cần thiết của kết luận thanh tra cho chính quyền địa phương để phối hợp quản lý. Tập trung xử lý khẩn trương các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Đối với Vụ Pháp chế, cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, trong đó tập trung vào: Các quy định về tổ chức, hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng tôn chỉ, mục đích; quy định phương án cụ thể về xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt, cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tham gia xử lý.
Cục Công nghệ thông tin sớm hoàn thành Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động QTDND và tổ chức tài chính vi mô. Hướng dẫn NHNN chi nhánh tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra QTDND về đáp ứng an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 quy định về an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Vụ Truyền thông phối hợp NHNN chi nhánh tỉnh và các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền về bản chất mô hình tổ chức tín dụng hợp tác, các giải pháp gắn kết quyền lợi và trách nhiệm của thành viên QTDND…
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc đề nghị tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, nhất là kế hoạch thanh tra chéo. Thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND, nhất là đối với các QTDND có quy mô lớn (trên 300 tỷ đồng), có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã lâu chưa được thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung chất lượng phân loại nợ và việc đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra lợi dụng chính sách để trục lợi. Thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến xử lý QTDND yếu kém, triển khai phương án xử lý pháp nhân QTDND đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình đề ra…
BHTGVN cần nghiên cứu, tham gia đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến QTDND; thực hiện kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN; tham gia xử lý QTDND, bao gồm cả việc cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành QTDND; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh trong quản lý QTDND.
NHHTX cần nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa, đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng, phê duyệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh trong quản lý QTDND…
Hiệp hội QTDND cần hướng dẫn, đào tạo QTDND nâng cao năng lực cán bộ QTDND; đổi mới cách thức, giảng viên, chương trình đào tạo cho QTDND; định kỳ hàng quý, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động QTDND, tình hình thị trường tiền tệ ngân hàng để khuyến nghị QTDND có biện pháp điều chỉnh hoạt động phù hợp...
“Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, với tinh thần khách quan, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để khắc phục, tôi tin tưởng rằng, hệ thống QTDND sẽ có những thành công mới trong thời gian tới, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.
BT