VÀI NÉT GIỚI THIỆU
Khái niệm về “shadow banking system”
Có nhiều định nghĩa về hệ thống SBS dựa trên các cách tiếp cận khác nhau. Xin trích dẫn một số định nghĩa trong khuôn khổ bài viết:
Định nghĩa của Fed: Hệ thống SBS là hệ thống các trung gian tài chính thực hiện chuyển đổi kỳ hạn, tín dụng và thanh khoản mà không tiếp cận nguồn thanh khoản của ngân hàng trung ương hoặc các bảo đảm tín dụng công. Các shadow banks gồm các công ty tài chính, kênh mua bán thương phiếu bảo đảm bằng tài sản (ABCPs), phương tiện đầu tư có cấu trúc (SIVs), quỹ đầu cơ tín dụng, quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ, công ty cho vay bảo đảm, công ty tài chính có mục đích giới hạn (LPFCs) và tổ chức kinh doanh được chính phủ bảo trợ (GSEs).
Định nghĩa của Investopia: Hệ thống SBS là hệ thống các trung gian tài chính gắn với hoạt động tín dụng tại hệ thống tài chính nhưng không chịu sự giám sát của cơ quan quản lý. Hệ thống này gồm các quỹ đầu cơ, các sản phẩm tài chính phái sinh không được công bố. Các ngân hàng đầu tư có thể thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh.
Tóm lại, hệ thống SBS là các hoạt động trung gian tín dụng giống như ngân hàng nhưng được thực hiện ở ngoài hệ thống ngân hàng.
So sánh với hệ thống ngân hàng truyền thống
So sánh |
Hệ thống ngân hàng truyền thống |
Hệ thống SBS |
Giống |
Thực hiện chuyển đổi tín dụng, kỳ hạn và thanh khoản |
|
Cung cấp tín dụng và thanh khoản |
||
Thực hiện trung gian tín dụng |
||
Khác |
NHTM huy động tiết kiệm trong dân và cho vay truyền thống |
Ngân hàng đầu tư giúp doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ thị trường chứng khoán. Giới đầu tư tạo lập thị trường thứ cấp à tăng thanh khoản & phân tán rủi ro các sản phẩm |
Được tiếp cận thanh khoản và các tài trợ khác (cửa sổ triết khấu, bơm vốn) |
Không được tiếp cận nguồn thanh khoản công |
|
Có nhận tiền gửi |
Không nhận tiền gửi |
|
Trung gian của người gửi tiền-người vay được thực hiện “dưới một mái nhà” là thực thể ngân hàng. Ngân hàng dùng tiền được người gửi tiền giao phó để tài trợ cho người vay. Người gửi tiền sở hữu vốn và thương phiếu (CPs) do ngân hàng phát hành. |
Tín dụng trung gian qua chứng khoán hóa và cấp vốn quy mô lớn. Các khoản cho vay, cho thuê, thế chấp được chứng khoán hóa trở thành công cụ có thể giao dịch. Cấp vốn dưới hình thức các công cụ có thể giao dịch (CPs), hợp đồng mua lại (repo). Người gửi tiền giữ số dư trên thị trường tiền tệ thay vì tiền gửi. |
HỆ THỐNG SHADOW BANKING (SBS)
Quy mô hoạt động
Hai thước đo quy mô hoạt động hệ thống SBS là tính tài sản nợ “ròng” (cố gắng loại bỏ việc tính toán tăng gấp đôi) và “tổng” (tất cả các tài sản nợ ghi được trong dòng vốn gắn với hoạt động chứng khoán hóa như MBS, ABSvà các tài sản GSEs khác cũng như toàn bộ các giao dịch ngắn hạn trên thị trường tiền tệ như repos, CPs và các tài sản nợ khác của quỹ tương hỗ thị trường tài chính). Cả hai cách tính đều có những hạn chế.
Tài sản nợ shadow banks và ngân hàng truyền thống (nghìn tỷ USD)
Nếu tính tổng, toàn bộ tài sản nợ của hệ thống SBS ở Mỹ tăng lên gần 22 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2007, so với 14 nghìn tỷ USD bên hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng trong năm 2007, quy mô của shadow banks bị thu hẹp nhanh không lâu sau khi đạt đỉnh. Bằng chứng là Chính phủ Mỹ đã cung cấp các phương tiện thanh khoản và chương trình bảo đảm từ hè 2007 để hỗ trợ sự sụt giảm 5 nghìn tỷ quy mô hoạt động của hệ thống SBS, kịp thời ngăn chặn rủi ro cho nền kinh tế do thiếu nguồn cung tín dụng khi khủng hoảng lan rộng. Điều này cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, các phương tiện thanh khoản khẩn cấp được Fed khởi xướng là sự ứng phó trực tiếp để giải quyết vấn đề khó khăn thanh khoản và thiếu hụt vốn của shadow banks. Câu hỏi đặt ra là hệ thống SBS bị hạn chế tiếp cận nguồn thanh khoản công ở mức độ nào mà vẫn được hỗ trợ và kèm theo sự hỗ trợ khẩn cấp thì sự giám sát đối với hệ thống này sẽ ra sao.
Quy trình trung gian tín dụng bóng
Hệ thống SBS thực hiện các bước trung gian tín dụng bóng (chuỗi trung gian tài chính phi ngân hàng) theo trật tự tuần tự, chặt chẽ; mỗi bước được tiến hành bởi một loại hình shadow banks đặc trưng bằng kỹ thuật cấp vốn như sau:
1.Khởi tạo khoản vay (các khoản cho vay mua ô tô, cho thuê, thế chấp không theo quy định) bởi công ty tài chính được cấp vốn từ nguồn CPs hay trái phiếu trung hạn (MTNs)
2.Tích trữ khoản vay qua kênh trung gian và được cấp vốn từ nguồn ABCPs
3.Gộp và cấu trúc khoản vay thành ABS bởi tổ chuyên trách ABS thuộc công ty môi giới
4. Tích trữ ABS được thực hiện dễ dàng qua các sổ sách giao dịch và được cấp vốn bởi các thỏa thuận mua lại, hoán đổi tổng thu nhập (TRS) hoặc các kênh tổng hợp và repo/TRS
5. Gộp và cấu trúc ABS thành CDOs bởi các tổ chuyên trách ABS thuộc công ty môi giới
6. Trung gian ABS được thực hiện bởi LPFCs, SIVs, kênh ác bít chứng khoán, quỹ đầu cơ tín dụng được cấp vốn dưới các hình thức (ABCP, MTNs, trái phiếu, phiếu khoán vốn…)
7. Cấp vốn của các thực thể và hoạt động nói trên được thực hiện bởi các nhà tài trợ tại các thị trường quy mô lớn như các trung gian thị trường tiền tệ được/ không được điều tiết (các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ và quỹ tiền mặt được tăng cường), các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ trực tiếp (người cho vay chứng khoán) - là những nhà đầu tư cấp vốn cho các shadow banks qua repo ngắn hạn. Nguồn vốn cũng được cấp qua CPs và ABCPs, quỹ tương hỗ có lợi tức cố định, quỹ hưu trí, và công ty bảo hiểm dưới hình thức đầu tư trái phiếu và MTNs có thời hạn dài hơn.
Thực trạng phát triển của các phân hệ shadow banks
Hệ thống SBS được phân thành ba phân hệ riêng biệt sau đây:
Phân hệ shadow banks do Chính phủ bảo trợ
Hệ thống SBS ra đời gần 80 năm qua với sự tạo lập GSEs gồm hệ thống ngân hàng cho vay mua nhà liên bang (FHLB) 1932. Giống như các ngân hàng, GSEs tài trợ khoản vay; các danh mục chứng khoán của GSEs không phù hợp về kỳ hạn. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ GSEs không dùng tiền gửi để tài trợ mà qua thị trường vốn để phát hành chứng khoán nợ của đại lý ngắn/dài hạn. Các chứng khoán nợ này được nhà đầu tư thị trường tiền tệ và nhà đầu tư tiền mặt (các quỹ tương hỗ có thu nhập cố định) giao bán. Việc Fannie Mae được tư hữu hóa vào năm 1968 đã đưa Fannie ra khỏi bảng tổng kết tài sản của Chính phủ nhưng vẫn tiếp tục có mối liên hệ chặt chẽ cũng như thực hiện một số ủy nhiệm chính sách. Cụ thể là Fannie Mae được hưởng sự bảo đảm ngầm của Chính phủ.
Phân hệ này không có bước khởi tạo khoản vay, chỉ xử lý khoản vay và cấp vốn. Các thực thể shadow banks được định phẩm đối với hoạt động chuyển đổi tín dụng, kỳ hạn hoặc thanh khoản như một ngân hàng truyền thống nhưng không có đặc quyền như ngân hàng (tiếp cận đầy đủ Người cho vay cuối cùng (LOLR) và được Chính phủ bảo hiểm đối với các tài sản nợ).
Phân hệ shadow banks “nội bộ”
Sự phát triển hoạt động của GSEs phản ánh sự tiến hoá của hệ thống SBS suốt ba mươi năm qua thông qua sự chuyển đổi của các ngân hàng lớn nhất, từ các tiện ích có RoE thấp để khởi tạo khoản vay, nắm giữ và cấp vốn cho đến các tiện ích có RoE cao để tích trữ, chứng khoán hóa, phân phối hoặc giữ lại khoản vay qua các phương tiện quản lý tài sản ngoại bảng. Như vậy, bản chất của ngân hàng đã thay đổi từ quy trình dựa vào biên lãi được cấp vốn bằng tiền gửi, có rủi ro tín dụng cao đến quy trình dựa vào phí được cấp vốn quy mô lớn, có rủi ro tín dụng thấp hơn nhưng có rủi ro thị trường mạnh hơn.
Trong khi ngân hàng truyền thống thực hiện khởi tạo, cấp vốn và quản lý rủi ro trên một bảng tổng kết tài sản (của mình), FHC thực hiện: (1) khởi tạo khoản vay tại chi nhánh ngân hàng trực thuộc, (2) tích lũy khoản vay ở kênh ngoại bảng do công ty con của công ty môi giới quản lý, được thị trường vốn quy mô lớn cấp vốn và ngân hàng hỗ trợ thanh khoản, (3) chứng khoán hóa khoản vay qua công ty con của công ty môi giới, và (4) cấp vốn phân ngạch an toàn nhất các tài sản tín dụng được cấu trúc trong phần ngoại bảng của trung gian ABS được FHC quản lý. Quy trình này có ba thay đổi trong bản chất hoạt động cho vay của hệ thống tài chính Mỹ: i) việc cho vay trải rộng ra cả mạng lưới ngân hàng - công ty môi giới - nhà quản lý tài sản – shadow banks, được cấp vốn qua thị trường vốn quy mô lớn toàn cầu; ii) sự tham gia trực tiếp duy nhất của chi nhánh ngân hàng trong trung gian tín dụng của FHC ở giai đoạn khởi tạo khoản vay nhưng chỉ có chi nhánh ngân hàng của FHC được tiếp cận cửa sổ chiết khấu và được lợi từ bảo hiểm tiền gửi; iii) quy trình cho vay đem lại hiệu quả vốn, nguồn thu phí và RoE cao cho nhà khởi tạo, cấu trúc và đầu tư ABS. Cuộc khủng hoảng 2007-2009 cho thấy hiệu quả vốn cao hay thấp phụ thuộc vào việc cấp vốn quy mô lớn được luân chuyển và thị trường vay nợ toàn cầu. Tình trạng mất kiểm soát trên thị trường có thể biến hiệu quả vốn của ngân hàng sang thiếu vốn.
Phân hệ shadow banks “bên ngoài”
Hệ thống SBS “bên ngoài” là mạng lưới các bảng tổng kết tài sản toàn cầu với sự khởi tạo, tích lũy và chứng khoán hóa khoản vay được thực hiện chủ yếu tại Mỹ; việc cấp vốn và chuyển đổi kỳ hạn thanh toán các tài sản tín dụng có cấu trúc được thực hiện cả ở Mỹ và châu Âu và các trung tâm tài chính hải ngoại. Phân hệ này được xác định nhờ (1) quy trình trung gian tín dụng của các công ty môi giới kinh doanh rất đa dạng; (2) quy trình trung gian tín dụng của các trung gian chuyên gia phi ngân hàng; và (3) quyền chọn bán tín dụng do những người ký thác rủi ro tín dụng tư nhân cung cấp.
Tóm lại, sự tăng trưởng nhanh của hệ thống tài chính dựa vào thị trường từ giữa thập niên 1980 đã làm thay đổi bản chất của trung gian tài chính. Shadow banks đảm nhiệm vai trò quyết định và là trung gian tài chính thực hiện chuyển đổi kỳ hạn, tín dụng và thanh khoản mà không tiếp cận thanh khoản của NHTW hay nguồn bảo đảm tín dụng khu vực công. Trong suốt một thập kỷ qua, hệ thống SBS đã cấp nguồn vốn tín dụng thông qua việc chuyển đổi các tài sản dài hạn, rủi ro thành các khoản nợ ngắn hạn giống như tiền gửi.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, sự chuyển đổi kỳ hạn, thanh khoản và tín dụng trong hệ thống SBS giúp tăng giá trị tài sản trên thị trường bất động sản khu vực dân cư và thương mại, góp phần giảm đáng kể chi phí tín dụng liên quan đến cho vay trực tiếp. Tuy nhiên, việc các trung gian tín dụng phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để cấp vốn cho tài sản dài hạn thiếu thanh khoản là một hành động rủi ro và có thể gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt. Nếu những rủi ro này không được quản lý, hệ thống SBS có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sự phá sản của các trung gian tín dụng có thể gây ra những hậu quả, bất lợi lớn hơn cho nền kinh tế.Đặc biệt khi có sự hoài nghi về khả năng thanh toán của nhà cung cấp tín dụng khu vực tư, niềm tin về sự ổn định hệ thống SBS sẽ không còn.
Điều này đã được chứng minh trong giai đoạn “nóng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi hệ thống SBS rơi vào tình trạng căng thẳng về vốn và thanh khoản, nhiều shadow banks đứng trước nguy cơ đổ vỡ; tình trạng rút tiền hàng loạt xảy ra tại hệ thống SBS bắt đầu vào hè năm 2007 và đạt đỉnh điểm sau đổ vỡ của Lehman vào tháng 9 và 10/2008. Để giải quyết thách thức này, Fed và nhiều tổ chức khác đã phải triển khai chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp nhằm giải quyết khó khăn thanh khoản và thâm hụt vốn của shadow banks. Những biện pháp này, thông qua SBS đã ngăn chặn các trung gian tín dụng đổ vỡ và hỗ trợ các ngân hàng truyền thống trước những rủi ro thách thức từ phía shadow banks. SBS đã được ổn định sau khi cơ chế bảo lãnh tín dụng Chính phủ được thay thế hoàn toàn hình thức bảo đảm khu vực tư nhân. Kết quả, phần lớn các hệ thống SBS đã giảm dần.
Trong khi Mỹ và thế giới nỗ lực cải tổ hệ thống quản lý tài chính, tập trung giám sát hoạt động của SBS và kiềm chế mức độ phát triển quá mức của bong bóng tín dụng hiện nay, các nhà kinh tế lưu ý rằng những chuẩn mực thanh khoản và vốn cho các định chế nhận tiền gửi và các công ty bảo hiểm có khả năng làm tăng thu nhập cho shadow banks. Nếu hệ thống giám sát được cải thiện, vai trò quan trọng của SBS trong hệ thống tài chính (nhờ quy mô hoạt động rất lớn) có thể góp nguồn thanh khoản lớn cho thị trường trong khi vẫn có thể bảo đảm an toàn cho hệ thống. Theo tính toán của Fed về dòng vốn lưu chuyển: “đến tháng 6/2007, tổng tài sản nợ của hệ thống SBS là 22.000 tỷ USD, trong khi tổng tài sản nợ của hệ thống ngân hàng truyền thống chỉ khoảng 14.000 tỷ USD.”
Hệ thống SBS tại Việt Nam chưa phát triển, các sản phẩm tài chính của hệ thống này cũng chưa nhiều và đa dạng. Lĩnh vực ngân hàng đầu tư mới chỉ giới hạn trong hoạt động của một số quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán. Trong khi đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và công ty đều trầm lắng. Việc phát triển mô hình đầu tư là cần thiết nhằm khơi thông nguồn vốn cho thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển phải gắn liền với các động thái chính sách, trong đó có thể nới nỏng quy định cho mô hình ngân hàng đầu tư phát triển nhưng vẫn cần phải có cơ chế giám sát quản lý chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình này.