Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34%
Theo thông tin từ lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.499.546 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 0,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tới cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 776.918 tỷ đồng, 794.470 tỷ đồng, tăng 2,42% so với cuối năm 2020, chiếm 8,4% (cuối năm 2020 tăng 8,3%, chiếm 8,44%). Dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 2.674.683 tỷ đồng, tăng 3,42% so với cuối năm 2020, chiếm 28,27% tín dụng nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 9,58%, chiếm 28,13%). Dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ ước đạt 5.992.958 tỷ đồng, tăng 2,79% so với cuối năm 2020, chiếm 63,34% tín dụng nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,9%, chiếm 63,43%).
Tính đến cuối tháng 3, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.327.762 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 11,52%, chiếm 24,78%). Ước cuối tháng 4/2020, dư nợ lĩnh vực này khoảng 2.287.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.845.374 tỷ đồng, tăng 1,49% so với cuối năm 2020, chiếm 19,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,56%, chiếm 19,79%). Ước dư nợ đến hết tháng 4/2021 đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 279.075 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2020, chiếm 2,95% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,66%, chiếm 2,96%). Ước cuối tháng 4/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 281.797 tỷ đồng, tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 234.321 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ trọng 2,48% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 giảm 1,74%, chiếm tỷ trọng 2,47%). Ước đến 30/4/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực CNHT đạt 233.935 tỷ đồng, tăng 2,91% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32.470 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 5,26%, chiếm 0,35%.Ước đến tháng 4/2021, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 31.861 tỷ đồng, giảm 1,58 % so với 31/12/2020.
Tăng cường quản lý đối với tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, từ 2018-2020, tăng trưởng tín dụng bất động sản lần lượt là 26,76%, 21,53% và 11,89%. Nếu so sánh với cùng kỳ của các năm trước, mức tăng khoảng 3% trong 3 tháng đầu năm, dù cao hơn năm 2020 do bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn thấp hơn những năm trước đó. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đánh giá, mức tăng này không có tính chất đột biến. Tín dụng vào bất động sản của toàn Ngành chiếm khoảng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Như vậy, hiện nay NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản.
Cụ thể, tính đến 28/02/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế. NHNN nhận định, tăng trưởng nóng bất động sản, có yếu tố từ việc nhà đầu tư đầu cơ, lướt sóng khi một số địa phương ban hành bảng giá tăng từ 15-20%.
Theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu (96,21%). Theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất (70,54%), dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ 2 (26,93%). Theo nhóm TCTD, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm NHTMCP khác (chiếm 48,42%).
Ước đến 31/3/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 45.326 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2020. Như vậy, có thể nói xét về quy mô, tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán không lớn.
Tuy nhiên, NHNN cũng đánh giá bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên vẫn sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát để siết chặt dòng tiền, kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các lĩnh vực này.
Đối với các giải pháp tránh rủi ro, NHNN đã ban hành các quy định nhằm hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ví dụ như NHNN đã ban hành Thông tư quy định tỷ lệ an toàn, trong đó điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện đang áp dụng 40%). Ngoài ra, áp dụng tăng hệ số rủi ro trong tín dụng để tăng cường giám sát và hạn chế các khoản vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, đại diện NHNN cũng chia sẻ các số liệu thống kê về tín dụng đối với các ngành cụ thể. Đối với các dự án BOT, BT giao thông, tính đến 31/12/2020, tổng cam kết cấp tín dụng là 182.414 tỷ đồng, tổng số dư nợ tín dụng là 108.722 tỷ đồng, giảm 1,76% so với 31/12/2019, chiếm 1,18% tổng dư nợ nền kinh tế.Ước cuối tháng 3/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đạt 108.562 tỷ đồng, giảm 0,15% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống tính đến 28/02/2021 đạt 1.848.015 tỷ đồng, tăng 0,14% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 19,97% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.Dư nợ cho vay PVĐS không bao gồm nhu cầu về nhà ở là 739.095 tỷ đồng, giảm 1,48% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 7,99% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.Ước cuối tháng 3/2021, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1.867.573 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay PVĐS (không bao gồm PVĐS về nhà ở) là 760.302 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng 12/2020.
Tín dụng chính sách nhà nước tăng 1,93%
Đến 31/3/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 230.553 tỷ đồng, tăng 1,93% so với 31/12/2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 30.338 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 13,16% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo đạt 34.748 tỷ đồng (chiếm 15,07% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 37.806 tỷ đồng (chiếm 16,39% tổng dư nợ); cho vay học sinh, sinh viên đạt 10.665 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 4,63% tổng dư nợ); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 26.619 tỷ đồng (chiếm 11,54% tổng dư nợ); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 40.747 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17,67% tổng dư nợ).
Ngoài ra, các chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đều đã được triển khai hiệu quả.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ giám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chung, tăng trưởng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng;
Ngành Ngân hàng sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh;...
NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen;
Đồng thời, NHNN tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương;
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó đi sâu đánh giá về tín dụng thủy hải sản và cho vay đóng tàu; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay theo chuỗi liên kết,…để báo cáo Chính phủ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tế.
Cuối cùng, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn ngân hàng xanh, tín dụng xanh để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2025 và hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của TCTD, hoạt động bảo lãnh./.