Cơ chế BHTG sẽ có hạn mức và bảo vệ cho người gửi tiền, giúp duy trì sự ổn định của ngành dịch vụ tài chính. Cơ quan BHTG được dự kiến là một cơ quan hoạt động độc lập với tư cách pháp lý riêng biệt đang được xây dựng. Trong phiên họp với các nhà lập pháp cấp cao, dự thảo đệ trình đề xuất xây dựng một cơ chế để hỗ trợ cho các trường hợp ngân hàng gặp rủi ro hoặc rủi ro tín dụng. Tổ chức BHTG sẽ tiến hành thu phí BHTG từ các tổ chức tài chính thành viên. Mức phí sẽ được xác định dựa trên mức độ rủi ro của từng tổ chức này.
Đây sẽ là cơ quan Nhà nước đầu tiên được thành lập theo quy định về hệ thống BHTG cơ bản đã được thông qua vào tháng 5/2015. Tổ chức BHTG dự kiến sẽ hỗ trợ các ngân hàng phá sản rời khỏi thị trường, hạn chế tổn thất của người gửi tiền, ngăn chặn rủi ro lan truyền đến toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Tính đến hết tháng 9/2018, Ngân hàng Trung ương đã tiến hành thu phí BHTG từ các tổ chức tài chính 7 lần. Quỹ BHTG đến nay lên tới 81,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 12,13 tỷ đô la Mỹ) - Vụ ổn định tài chính cho biết.
Theo đề xuất của Vụ trưởng vụ ổn định tài chính Wang Jingwu trình lên Quốc hội nước này, khi tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tài chính giảm xuống dưới 2%, hoặc khi có rủi ro nghiêm trọng về tín dụng, quá trình xử lý sẽ được kích hoạt. Các tổ chức tham gia BHTG có thể thực hiện các biện pháp tự giải cứu trong vòng 90 ngày. "Tổ chức BHTG có thể sử dụng nguồn quỹ để bơm vốn cho các tổ chức tài chính có tầm quan trọng trong hệ thống (SIFIs)" - ông Wang cho hay.
Hiện có 4 ngân hàng lớn nhất thuộc nhóm SIFIs, tương đương với các ngân hàng được coi là “quá lớn để đổ vỡ”. Bất kỳ rủi ro nào của các ngân hàng này cũng có thể dẫn đến cú sốc cho toàn hệ thống. Bai Hexiang, Giám đốc Ngân hàng trung ương chi nhánh Quảng Đông cho rằng tổ chức BHTG có thể được cấp quyền tiếp cận thông tin của các ngân hàng nhằm phát hiện rủi ro sớm, giảm khả năng ngân hàng phá sản.
Theo ông Nicholas Zhu - Phó Chủ tịch, cố vấn cấp cao của Moody’s, việc thành lập tổ chức BHTG là cần thiết, trong hoàn cảnh GDP nước này đã tiếp tục giảm vào năm 2018. Những bất ổn về kinh tế khiến nhu cầu đảm bảo tài sản ngân hàng càng gia tăng, nhất là khi nợ xấu và chi phí tín dụng tăng chứ không giảm. Chính sách tiền tệ của Trung Quốc năm 2019 sẽ hỗ trợ thanh khoản toàn hệ thống và khả năng trả nợ chung của những người vay, nhưng cũng làm chậm sự suy giảm của đòn bẩy toàn hệ thống trong năm qua.
Theo báo cáo ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, rủi ro hệ thống ngân hàng tập trung ở các ngân hàng nông thôn và quy mô nhỏ, chiếm 10% tổng tài sản và thường ở dạng nợ xấu cao hơn mức trung bình toàn hệ thống khoảng 2,5% vào cuối năm 2018. Để tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng, Ủy ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cũng tăng cường các quy định đối với các ngân hàng thương mại nông thôn vào tháng 1 vừa qua. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán ở mức 10% tính đến hết năm ngoái.
Cơ chế BHTG theo đề xuất được thiết kế xây dựng theo thông lệ của Hoa Kỳ - Zhou Xuedong, Nguyên Vụ trưởng vụ ổn định tài chính cho biết. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thành lập hệ thống BHTG sớm nhất vào những năm 1930. Vào tháng 7 năm 2008, Ủy ban giám sát ngân hàng Basel và Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã quyết định hợp tác để xây dựng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả. Năm 2017, dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng về ngành tài chính Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chương trình BHTG của nước này "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của quốc tế". IMF đã nêu trong Báo cáo đánh giá ổn định hệ thống tài chính (FSSA) của mình rằng hệ thống này, được đưa vào sử dụng vào năm 2015, có thể xử lý mọi vấn đề về mất khả năng thanh khoản một cách hiệu quả. IMF cho biết: "Việc triển khai hệ thống BHTG sẽ hỗ trợ cho việc đóng cửa một cách có trật tự các tổ chức tài chính và hỗ trợ phân loại các khoản nợ tiềm ẩn".