Chính sách BHTG củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng
Với vai trò là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống các cơ quan bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có nhiệm vụ thay mặt Chính phủ bảo vệ tiền gửi của người dân. Theo quy định, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô (gọi chung là TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia BHTG bắt buộc. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị giải thể hoặc phá sản thì tổ chức BHTG sẽ đứng ra chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định. Bên cạnh nghiệp vụ chi trả, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) còn góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng thông qua một số hoạt động như: kiểm tra, giám sát rủi ro đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý đổ vỡ TCTD; tuyên truyền chính sách BHTG cho người gửi tiền…
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 13, Luật Bảo hiểm tiền gửi, tổ chức BHTG có nghĩa vụ “tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi”. Thời gian qua, BHTGVN luôn tích cực tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, thông tin rộng rãi về các vấn đề cơ bản liên quan đến quyền lợi người gửi tiền như: hạn mức BHTG, cơ chế kiểm tra, giám sát hệ thống TCTD, quy trình chi trả BHTG…; đồng thời phổ biến các quy định mới về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan để tư vấn cho người gửi tiền. Nhờ đó, người dân thêm phần kiên định vào chính sách của Nhà nước, yên tâm gửi tiền tại các TCTD, không bị xao động bởi những thông tin tiêu cực, thiếu minh bạch về hoạt động ngân hàng, góp phần giúp duy trì hoạt động ổn định của TCTD và bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Tổ chức tham gia BHTG – “cánh tay nối dài” trong truyền thông chính sách BHTG
Một trong những đối tượng công chúng trọng tâm để tuyên truyền chính sách BHTG là các tổ chức tham gia BHTG - lực lượng tiếp cận trực tiếp với người gửi tiền, có lợi thế đặc biệt trong việc truyền tải thông tin. Thông qua quá trình giao dịch, các TCTD dễ dàng chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho người gửi tiền về quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi về BHTG. Hơn nữa, cán bộ nhân viên TCTD có điều kiện nắm bắt những ý kiến góp ý, những vấn đề về BHTG mà người gửi tiền quan tâm để phản hồi với BHTGVN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách.
Do đó, những năm gần đây, BHTGVN thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG, về những sự kiện, hoạt động và định hướng quan trọng của BHTGVN trên các báo, tạp chí có uy tín, có độ lan toả trong ngành ngân hàng như: Tạp chí Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Thị trường Tài chính – Tiền tệ… Đồng thời, BHTGVN phối hợp Vụ Truyền thông - NHNN và các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức, tham gia một số Chương trình truyền thông của ngành.
Song song với các kênh truyền thông này, BHTGVN tích cực sử dụng website và bản tin BHTG như một kênh thông tin hữu hiệu dành cho người gửi tiền và các tổ chức tham gia BHTG, trong đó tập trung khai thác, xây dựng, phổ biến các thông tin đa dạng, phong phú về cả BHTG và lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bản tin Bảo hiểm tiền gửi được xuất bản hàng quý được gửi tới tất cả các tổ chức tham gia BHTG, với mục đích cung cấp thông tin tới những lãnh đạo và cán bộ giao dịch tại các đơn vị này, nhằm đảm bảo họ có hiểu biết về BHTG để giải thích, tư vấn cho người gửi tiền khi cần thiết.
Bên cạnh đó, BHTGVN định kỳ tổ chức sự kiện tuyên truyền tại các tổ chức tham gia BHTG, lồng ghép phổ biến kiến thức trong các sự kiện đại hội QTDND và trong hoạt động kiểm tra chuyên sâu QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, qua đó tạo điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi và ghi nhận những ý kiến thực tiễn xoay quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi người gửi tiền từ cơ sở.
Về phía TCTD nhận tiền gửi của người dân, mặc dù chưa có quy định pháp luật về trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức tham gia BHTG với tổ chức BHTG trong tuyên truyền chính sách BHTG, nhưng nhiều TCTD đã tích cực lan tỏa thông tin về BHTG tới người gửi tiền. Bên cạnh việc niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi để người gửi tiền có thể quan sát, nhận biết TCTD nơi mình gửi tiền có tham gia BHTG, một số ngân hàng đã chủ động lồng ghép thông tin về BHTG trên sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi và các phương tiện truyền thông dành cho khách khách hàng như cẩm nang thông tin, mạng xã hội, website,…
Việc chủ động thông tin về BHTG cho thấy nhiều TCTD đã nhận thấy tầm quan trọng của truyền thông chính sách BHTG cùng với quảng bá các sản phẩm dịch vụ mới của mình; đồng thời, phản ánh tính trách nhiệm xã hội của các TCTD. Điều này cũng phản ánh mức độ trách nhiệm trực tiếp đối với người gửi tiền và gián tiếp đối với sự phát triển ổn định của hoạt động ngân hàng; qua đó giúp các TCTD củng cố uy tín, tăng cường niềm tin cộng đồng và tăng khả năng huy động vốn từ dân cư.
Giải pháp phát huy hiệu quả truyền thông về BHTG
Trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu; đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác phổ biến kiến thức tài chính, đặc biệt là về an toàn tiền gửi, BHTG tới người gửi tiền. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG, có thể thấy:
Đối với BHTGVN, Luật BHTG chỉ quy định tổ chức BHTG thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc phổ cập thông tin về BHTG còn thể hiện qua nhận diện thương hiệu của tổ chức BHTG, kết quả triển khai chính sách đến người dân. Vì vậy, để nâng cao hiểu biết của người dân về BHTG, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cần bổ sung cho phép tổ chức BHTG được truyền thông về hình ảnh, hoạt động của mình.
Đối với TCTD tham gia BHTG, hiện tại các tổ chức nàytham gia tuyên truyền chính sách BHTG chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, trong khi đây là một trong những đối tượng thụ hưởng chính sách BHTG và có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người gửi tiền. Do đó, việc nâng cao vai trò của các tổ chức này trong phổ biến chính sách bảo vệ người gửi tiền của Nhà nước là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định các tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền hoặc phối hợp với tổ chức BHTG trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG và hoạt động BHTG.
Bên cạnh đó, trên thực tế NHNN đã có yêu cầu BHTGVN phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QTDND nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật BHTG. Đây cũng là cơ hội để BHTGVN đẩy mạnh phổ biến kiến thức về BHTG, định hướng thông điệp, cung cấp các nội dung truyền thông cốt lõi để truyền tải đến cán bộ nhân viên TCTD. Từ đó, chính cán bộ nhân viên TCTD là “cánh tay nối dài” trong truyền thông về BHTG đến khách hàng gửi tiền. Vì vậy, để tổ chức BHTG có cơ sở pháp lý trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về BHTG đến cán bộ nhân viên tổ chức tham gia BHTG, cần thiết xem xét bổ sung nội dung này khi sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Đối với cơ quan quản lý ngành Ngân hàng, cần có chủ trương đưa kiến thức về BHTG vào chương trình đào tạo cán bộ ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tham gia BHTG thực hiện truyền thông về BHTG trên thẻ tiết kiệm, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hay ứng dụng ngân hàng điện tử để người gửi tiền tiếp cận chính sách BHTG một cách thường xuyên, liên tục hơn. Qua đó, người gửi tiền sẽ vững tâm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, tiếp tục là nguồn lực quan trọng trong huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
|
TM