3 biện pháp xử lý đổ vỡ ngân hàng
Áp dụng mô hình giảm thiểu rủi ro, FDIC thực hiện một số chức năng bao gồm kiểm tra, giám sát, quản lý thanh khoản của các ngân hàng và quỹ tiết kiệm trong hệ thống tài chính quốc gia; chi trả người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng và củng cố niềm tin công chúng. Ngoài ra, FDIC còn tiếp nhận và quản lý rủi ro thông qua việc truy cập thông tin, kiểm tra tại chỗ và giám sát ngoại vi tổ chức tham gia BHTG, phối kết hợp và chia sẻ thông tin trong toàn hệ thống. Tiến hành các biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời đối với các tổ chức tham gia BHTG gặp sự cố, thực hiện một số hình phạt tài chính và cưỡng chế các tổ chức tham gia BHTG vi phạm.
Khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng, FDIC thường áp dụng ba biện pháp tiêu biểu, đó là: Mua và nhận nợ thay (P&A), Chi trả tiền gửi (Pay-offs) và Hỗ trợ ngân hàng mở (OBA).
Đối với trường hợp Mua và nhận nợ thay (P&A), thông thường một tổ chức tài chính có năng lực tài chính mạnh được bố trí gánh vác các khoản nợ và tiền gửi được bảo hiểm, mua lại một phần hoặc tất cả tài sản của ngân hàng bị đổ vỡ hoặc mất khả năng thanh toán. P&A cơ bản, P&A mua lại khoản vay, P&A điều chỉnh, P&A nhóm tài sản lựa chọn, P&A toàn bộ ngân hàng, P&A chia sẻ tổn thất và P&A ngân hàng bắc cầu là một số giao dịch mà FDIC sử dụng trong biện pháp P&A.
Mục tiêu của giao dịch P&A là hạn chế rủi ro, thiết lập các ngân hàng với quy mô lớn hơn, năng lực tài chính - quản trị mạnh hơn và có vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường tài chính. Chỉ tính trong giai đoạn 2008 – 2010, tại Mỹ đã diễn ra hơn 300 vụ mua bán, sáp nhập các ngân hàng, trong vòng 5 năm tới ước tính sẽ có khoảng 800 ngân hàng nằm trong danh sách cần xử lý.
Chi trả tiền gửi (Pay-offs) là biện pháp FDIC thực hiện chi trả các cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG phá sản hay mất khả năng thanh toán. Theo đó, tổng số tiền thanh toán cho người gửi tiền bao gồm gốc và lãi suất tính đến thời điểm xảy ra đổ vỡ ngân hàng, đồng thời, việc thanh toán phải tuân thủ nghiêm khắc các điều khoản quy định trên hợp đồng về tài khoản người gửi tiền. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, FDIC đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại hàng loạt ngân hàng bị đổ vỡ, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền và ổn định thị trường tài chính. Ngoài ra, động thái tăng hạn mức chi trả lên đến 250.000 đô-la là một chính sách kịp thời và hiệu quả mà Chính phủ Mỹ áp dụng với mục đích giải cứu thị trường tài chính, kiềm chế khủng hoảng và giữ vững niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính trong thời kỳ khủng hoảng.
Trong Hỗ trợ ngân hàng mở (OBA), FDIC cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính cho ngân hàng đang vận hành hoặc tổ chức tín dụng được xác định là có nguy cơ đóng cửa, cho vay trực tiếp và mua lại tài sản của ngân hàng hoặc gửi tiền tại các ngân hàng có vấn đề. Các khoản hỗ trợ trên sẽ được hoàn trả khi các ngân hàng hay tổ chức tín dụng hồi phục và đủ năng lực chi trả. Tuy được sử dụng rộng rãi những năm 80 trong quá trình xử lý đổ vỡ của nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng: lớn, nhưng kể từ năm 1992 trở đi, biện pháp này đã không còn được sử dụng nữa.
Cơ cấu tổ chức của FDIC bao gồm Hội đồng quản trị (HĐQT) năm thành viên do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm và bảy phòng ban: Phòng tài chính, Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Hành chính, Phòng kiểm soát và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng xử lý nợ, Phòng pháp chế, Phòng Nghiên cứu và Bảo hiểm. |
Không dùng tiền thuế của dân để xử lý đổ vỡ
Với hạn mức chi trả lên tới 250.000 USD, FDIC thực hiện bảo hiểm cho các đối tượng bao gồm tài khoản séc, tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi, chứng nhận tiền gửi (CDs), tài khoản hưu trí cá nhân… |
Như trên đã đề cập, FDIC đã thực hiện xử lý đổ vỡ ngân hàng hiệu quả với 3 biện pháp: Mua và nhận nợ thay, Chi trả tiền gửi và Hỗ trợ ngân hàng mở. Đáng chú ý là việc xử lý đổ vỡ này không dùng tới Ngân sách Nhà nước, tức là tiền thuế của người dân.
Tháng 1/2006, Luật sửa đổi bổ sung Luật BHTG Mỹ được ban hành quy định việc hợp nhất Quỹ Bảo hiểm ngân hàng (BIF) và Quỹ bảo hiểm hiệp hội tiết kiệm (SAIF) thành một quỹ có tên gọi Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (DIF). Quỹ này sẽ do FDIC chịu trách nhiệm quản lý và duy trì hoạt động thông qua việc thu và tính phí các tổ chức tham gia BHTG.
Nguồn Quỹ BHTG được thiết lập chủ yếu từ các khoản phí do các ngân hàng và quỹ tiết kiệm tham gia bảo hiểm đóng góp và lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Để tính phí BHTG, FDIC áp dụng mô hình CAMELS - hệ thống tính phí dựa trên mức độ rủi ro, theo đó, các ngân hàng sẽ trả phí BHTG với tỷ lệ từ mức sàn đến mức trần, tuỳ thuộc cách tính mức độ rủi ro của từng hệ thống ngân hàng.
Sau khi thực hiện một số điều chỉnh trong hệ thống tính phí dựa trên cơ sở rủi ro, ngày 01/04/2011, FDIC đã chính thức đưa vào sử dụng Tỷ lệ tính phí cơ sở, với điểm cơ sở từ 2, 5 đến 45 điểm, cụ thể:
|
Các nhóm rủi ro |
|||||
Tỷ lệ phí hàng năm (điểm cơ sở) |
I * |
II |
III |
IV |
Các định chế tài chính lớn |
|
Tối thiểu |
Tối đa |
|||||
|
5 |
9 |
14 |
23 |
35 |
5 - 35 |
*Ghi chú: Điểm cơ sở đồng thời là số cent phí phải nộp trên 100 USD tiền gửi được bảo hiểm.
Tổ chức tham gia BHTG nhỏ thuộc nhóm rủi ro I:
Đối với tổ chức tham gia BHTG nhỏ thuộc nhóm rủi ro I, tỷ lệ tính phí cơ bản sẽ được xác định dựa trên sự kết hợp giữa 5 chỉ tiêu tài chính bao gồm:
· Tỷ lệ vốn cấp 1
· Nợ quá hạn từ 30-89 ngày/tổng tài sản
· Nợ xấu/tổng tài sản
· Nợ xoá thuần trong kỳ/tổng tài sản
· Thu nhập thuần trước thuế/tài sản có rủi ro
Và trọng số của các chỉ tiêu CAMELS bao gồm:
· Vốn (25%)
· Chất lượng tài sản (20%)
· Quản trị (25%)
· Lợi nhuận (10%)
· Tính thanh khoản (10%)
· Độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường (10%)
Tổ chức tín dụng lớn:
Bắt đầu từ quý II năm 2011, FDIC sẽ áp dụng Phiếu ghi điểm nhằm đánh giá các tổ chức tín dụng lớn tham gia BHTG, theo đó, các tổ chức tài chính nhỏ đang hoạt động phải có tổng tài sản lớn hơn 10 tỷ đô-la trong 4 quý liên tiếp.
Phiếu trên quy định điểm số hiệu suất từ 0-100 sử dụng tiêu chuẩn đánh giá rủi ro tương lai trong khoảng từ 0-100 điểm trên cơ sở các dữ liệu lịch sử; điểm số hiệu suất sẽ tăng hay giảm tới 20% trên nền tảng mô hình mức độ thiệt hại để xác định số điểm tổng. Tổng số điểm, tối đa là 90 và tối thiểu là 30, sẽ được quy đổi về tỷ lệ đánh giá cơ sở dựa trên bảng tỷ lệ thực tế dao động từ 5 -35 bps (điểm cơ sở). Ngoài ra, Hội đồng quản trị FDIC cũng thông qua hướng dẫn sửa đổi bổ sung, cho phép việc điều chỉnh tổng số điểm cơ sở ở mức +/-15, tuỳ thuộc vào từng nhóm rủi ro khác nhau.
Tính đến thời điểm tháng 6/2010, ngoài 18 triệu đô-la trong Quỹ BHTG, FDIC còn sở hữu khoảng 19 triệu đô-la tiền mặt và 500 triệu đô-la huy động từ Kho bạc với sự chấp thuận của Quỹ Dự phòng liên bang và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo dự đoán của FDIC, tính tới quý đầu năm 2017, Quỹ BHTG được sử dụng trong xử lý đổ vỡ ngân hàng sẽ không đạt mức chuẩn 1,15%. Nguyên nhân là do trong suốt 20 năm qua một lượng lớn các ngân hàng đổ vỡ đã “vắt kiệt” nguồn Quỹ của FDIC. Việc hàng trăm ngân hàng đổ vỡ trong vòng thời gian trở lại đây đã đẩy DIF vào một tình thế bị động về nguồn dự trữ tài chính, song điều đáng ghi nhận là FDIC đã thành công trong việc xử lý êm thấm cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chỉ tính từ năm 2000 – tháng 6/2012, đã có khoảng 500 ngân hàng đổ vỡ. FDIC đã tiến hành tiếp quản và xử lý các ngân hàng trên. Gần đây nhất có thể kể đến việc đóng cửa của một số ngân hàng, cụ thể: Waccamaw Bank, Farmers' and Traders' State Bank, First Capital Bank, Carolina Federal Savings Bank, Alabama Trust Bank, National Association, Security Bank, National Association… |
Với quá trình gần 80 năm hình thành và phát triển, FDIC đã khẳng định được vị thế quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ quản lý khủng hoảng và củng cố niềm tin của công chúng, liên tục triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, góp phần ổn định mạng tài chính quốc gia. FDIC được đánh giá là một mô hình BHTG hiện đại, hiệu quả và xứng đáng là một cơ quan BHTG hàng đầu trên thế giới về việc thực hiện các chính sách bảo vệ người gửi tiền.