Thứ nhất, CDIC nâng cao năng lực nhằm phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với những tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) gặp vấn đề. Cụ thể, ngoài việc mở rộng phạm vi bảo hiểm và sửa đổi một số quy định về tiền gửi tín thác sẽ được áp dụng vào tháng 4/2022, CDIC đã tăng cường thực hiện 9 kịch bản mô phỏng với các cấp độ khác nhau và lập kế hoạch dự phòng cho các tình huống khó khăn xảy ra với các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ hai, CDIC triển khai chương trình hiện đại hóa hệ thống chi trả và tăng cường các phương pháp bảo mật thông tin. Cụ thể, CDIC đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào hệ thống chi trả và các quy trình liên quan nhằm bảo vệ người gửi tiền và tạo điều kiện tiếp cận tiền gửi được bảo hiểm khi xảy ra đổ vỡ. Năm 2021, CDIC đã lựa chọn đối tác công nghệ và thành lập Văn phòng quản lý dự án để giám sát việc thực hiện các nội dung quan trọng của chương trình.
Thứ ba, CDIC tiếp tục cải tiến Chương trình Quản lý Rủi ro Doanh nghiệp (ERM) nhằm đảm bảo tất cả các rủi ro đều được xác định, đánh giá, quản lý và báo cáo một cách hợp lý.
Thứ tư, CDIC tiếp tục thực hiện Kế hoạch và Chiến lược về Văn hóa tổ chức, trong đó có việc hiện đại hóa các công cụ nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả trong môi trường số hóa. Nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, CDIC chú trọng sức khỏe tinh thần và phúc lợi của người lao động, qua đó hỗ trợ người lao động cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Điều này sẽ giúp cho các nhân viên của CDIC yên tâm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Cuối cùng, CDIC thực hiện nâng cao nhận thức công chúng về vai trò bảo vệ tiền gửi của mình qua các kênh truyền hình, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội. Kết quả khảo sát vào tháng 3/2021 cho thấy mức độ nhận thức công chúng về BHTG và CDIC đạt 61%, nằm trong khung mục tiêu đề ra là 60-65%.