Theo đó, các sửa đổi, bổ sung trong Đạo luật sẽ phát huy hiệu lực trong từng giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (Hiệu lực từ 30/4/2020): Các nội dung bao gồm mở rộng phạm vi bảo hiểm bao gồm tiền gửi hợp pháp bằng ngoại tệ; mở rộng bảo hiểm cho các khoản tiền gửi hợp pháp với thời hạn trên 5 năm; xóa bỏ bảo hiểm cho séc du lịch (do hiện các tổ chức tham gia BHTG không còn phát hành séc du lịch).
Giai đoạn 2 (Hiệu lực từ 30/4/2021): Hạn mức riêng áp dụng đối với tiền gửi hợp pháp tại Quỹ Tiết kiệm Giáo dục (RESP) và Quỹ Tiết kiệm Tàn tật (RDSP) tối đa là 100.000 đô la Canada (tương đương khoảng hơn 74.300 USD); ngừng áp dụng hạn mức BHTG 100.000 đô la Canada đối với tài khoản thuế thế chấp, tuy nhiên đối tượng này sẽ tiếp tục được bảo hiểm theo danh mục khác; một số yêu cầu đối với tiền gửi ký thác nhằm giúp CDIC tăng cường khả năng bảo vệ cho các khoản tiền gửi và hoàn trả nhanh chóng trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ.
Có thể nói, việc triển khai các thay đổi trong Đạo luật theo giai đoạn sẽ cho phép CDIC, các tổ chức tham gia BHTG và các bên liên quan khác điều chỉnh phù hợp về thủ tục hoặc hình thức vận hành.
Theo ông Peter Routledge - Chủ tịch và Giám đốc điều hành CDIC, CDIC đã bảo vệ các khoản tiết kiệm cho người dân Canada trong hơn 50 năm qua. Những thay đổi này sẽ củng cố và hiện đại hóa khung BHTG của CDIC, đảm bảo bắt kịp với cách thức tiết kiệm tiền hiện nay của người dân.
Được thành lập năm 1967, CDIC là Tổng công ty Liên bang có nhiệm vụ góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính Canada thông qua chức năng bù đắp tổn thất cho các khoản tiền gửi hợp pháp tại các tổ chức tham gia BHTG trong trường hợp xảy ra đổ vỡ.
CDIC hiện đang bảo vệ cho khoảng 792 tỷ đô la Canada (tương đương khoảng hơn 588 tỷ USD) tiền gửi tiết kiệm tại hơn 80 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: ngân hàng, các Liên hiệp tín dụng cấp Liên bang cùng các công ty, hiệp hội ủy thác và cho vay có tham gia huy động tiền gửi và chịu sự điều chỉnh của Đạo luật Liên hiệp tín dụng hợp tác. CDIC vận hành trên cơ sở phí BHTG do các tổ chức tham gia BHTG đóng và không sử dụng nguồn ngân sách công. CDIC đã bảo vệ quyền lợi của hơn 2 triệu người dân Canada tại 43 tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, đảm bảo không người dân nào chịu thiệt hại hay mất tiền.