Trong năm 2021, IDIC đã hạ trần lãi suất tiền gửi được bảo hiểm[1] xuống thấp kỷ lục, nhằm tạo ra dư địa để các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi ở mức thấp, qua đó giảm lãi suất cho vay. IDIC đã phối hợp với các cơ quan trong Ủy ban Ổn định hệ thống tài chính Indonesia để thực hiện giải pháp này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Kết quả là lãi suất cho vay tiêu dùng giảm xuống 10,6% trong khi lãi suất cho vay đầu tư và vốn lưu động giảm lần lượt ở mức 8,5% và 8,85%.
Bên cạnh đó, IDIC ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp phí BHTG cho các ngân hàng đến năm 2022; đồng thời, nới lỏng việc phạt do chậm đóng nộp phí đến cuối năm 2022 nhằm giúp các ngân hàng có cơ hội sử dụng tối ưu dòng tiền của mình, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Năm qua, IDIC đã phát triển và ứng dụng hệ thống dữ liệu người gửi tiền (Single Customer View), nhằm giúp đẩy nhanh quá trình chi trả bảo hiểm tại IDIC, cũng như hệ thống tích hợp quy trình nghiệp vụ cơ bản (Integrated Core System), nhằm số hóa các quy trình nghiệp vụ tại IDIC, qua đó giúp nâng cao năng suất công việc và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực BHTG tại Indonesia.
Phòng NCTH&HTQT
[1]Theo quy định của IDIC, nếu lãi suất tiền gửi thỏa thuận giữa ngân hàng và người gửi tiền vượt quá mức trần lãi suất tiền gửi được bảo hiểm được quy định bởi IDIC thì khoản tiền gửi đó sẽ không được bảo hiểm. Tổ chức tham gia BHTG phải có nghĩa vụ thông báo tới người gửi tiền việc áp dụng lãi suất tiền gửi được bảo hiểm thông qua việc niêm yết thông tin liên quan ở những nơi mà người gửi tiền dễ dàng tiếp cận.