Trước đó, Kenya dự kiến áp dụng hệ thống tính phí phân biệt từ tháng 7/2020. Song, do tác động của đại dịch COVID-19, nước này cho rằng việc đánh giá xếp hạng nhiều khả năng không phản ánh chính xác tình hình hoạt động của các ngân hàng, không đảm bảo tính công bằng. Do đó, việc áp dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở rủi ro đã được điều chỉnh lùi 01 năm (sang tháng 7/2021). Phương án lùi thời hạn áp dụng thu phí phân biệt góp phần giảm bớt áp lực, đặc biệt về thanh khoản, cho các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trước khi áp dụng thu phí phân biệt trên cơ sở rủi ro, KDIC-Kenya đang sử dụng hệ thống phí đồng hạng với tỷ lệ 0,15%. Từ năm 2018, KDIC đã sớm lên kế hoạch cho việc áp dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở rủi ro. Hệ thống phí này sẽ tính tới lượng tiền gửi mà một ngân hàng nắm giữ cùng với các tiêu chí đánh giá rủi ro dựa trên các tiêu chuẩn nghiệp vụ ngân hàng (hệ thống đánh giá CAMELS) do Ngân hàng Trung ương Kenya (CBK) quy định. Việc sử dụng hệ thống phí phân biệt được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ tạo động lực cho việc quản lý rủi ro thông qua việc giảm phí bảo hiểm cho các ngân hàng ít rủi ro và tăng phí bảo hiểm đối với các ngân hàng có rủi ro cao. Qua đó, hệ thống phí mới sẽ khuyến khích các ngân hàng thận trọng hơn trong các quyết định và tăng cường sự ổn định của các mô hình kinh doanh. Theo KDIC-Kenya, khoảng thời gian chuẩn bị gần 3 năm (2018-2021) cho phép các ngân hàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với hệ thống tính phí mới.