Nhiệm vụ của PIDM là quản lý hai hệ thống bảo vệ người tiêu dùng tài chính là hệ thống bảo hiểm tiền gửi (DIS) và hệ thống bảo vệ chủ hợp đồng dịch vụ bảo hiểm (TIPS); đảm bảo tiền gửi không bị tổn thất tại các ngân hàng thành viên; hỗ trợ các ngân hàng thành viên quản trị rủi ro; từ đó thúc đẩy hoặc đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Thực tiễn triển khai chính sách BHTG của PIDM
Trong quá trình phát triển, PIDM đã không ngừng củng cố chức năng nhiệm vụ để đạt mục tiêu của mình. Đến nay, PIDM đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính ngân hàng Malaysia và trở thành một trong những tổ chức BHTG tiên tiến trong khu vực và trên toàn thế giới.
Phát triển hệ thống phí BHTG
Kể từ khi được thành lập vào năm 2005, PIDM áp dụng hệ thống phí đồng hạng. Sau đó, PIDM nghiên cứu hệ thống phí phân biệt và đến năm 2008 triển khai thành công hệ thống thu phí phân biệt. Tại thời điểm này, các tổ chức tham gia BHTG sẽ nộp các mức phí khác nhau tùy theo mức độ rủi ro từ 0,03% đến 0,24% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Hệ thống phí bao gồm 4 mức phí: 0,03%; 0,06%; 0,12% và 0,24%.
PIDM áp dụng hệ thống phí phân biệt nhằm đảm bảo sự công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG trên nguyên tắc tổ chức nào có nguy cơ gây ra rủi ro lớn hơn cho quỹ BHTG và hệ thống tài chính ngân hàng thì sẽ phải đóng mức phí BHTG cao hơn các tổ chức hoạt động an toàn lành mạnh. Do vậy, khuyến khích các ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn, từ đó góp phần đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng. PIDM không ngừng nghiên cứu phát triển hệ thống phí phân biệt cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG.
Cơ chế tính phí phân biệt của PIDM liên tục được đánh giá lại nhằm đảm bảo tính cập nhật và phù hợp trong hệ thống ngân hàng không ngừng phát triển. Lần đánh giá lại cơ chế tính phí phân biệt gần đây của PIDM là năm 2017. Hiện nay, hệ thống phí phân biệt của PIDM gồm 4 mức phí là0,06%; 0,12%; 0,24% và 0,48%. Việc sửa đổi cơ chế tính phí phân biệt năm 2017 nhằm đáp ứng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng khi các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn, ngoài tiền gửi truyền thống, các công cụ nợ dài hạn đang nổi lên như một nguồn vốn ổn định, được công nhận theo các tiêu chuẩn của Basel III cũng như các tiêu chuẩn mới của thị trường vốn Malaysia.
Tăng hạn mức sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Tháng 10/2008, Chính phủ Malaysia đã thông báo về cơ chế bảo đảm toàn bộ của Chính phủ do PIDM quản lý trong vòng 2 năm để nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, PIDM chi trả với hạn mức 60.000RM (tương đương khoảng 14.295 USD) mỗi người gửi tiền, phần vượt hạn mức do Chính phủ cung cấp.
Sau khi kết thúc cơ chế bảo đảm toàn bộ, PIDM đã tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 60.000 RM lên 250.000 RM (tương đương hơn 61.000 USD) đối với hệ thống bảo hiểm tiền gửi (DIS). Tại thời điểm tăng hạn mức, hạn mức BHTG của PIDM có thể bảo vệ toàn bộ 99% người gửi tiền tại các ngân hàng thành viên. Đến nay, với hạn mức 250.000 RM, 97% người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ. Đối với hệ thống bảo vệ quyền lợi bảo hiểm và bảo hiểm Hồi giáo (TIPS), tùy theo loại sẽ được bảo hiểm với giá trị tối đa là 500.000 RM (tương đương hơn 122.000 USD).
Xác định tỷ lệ quỹ mục tiêu
Năm 2011, PIDM thiết lập cơ chế quỹ bảo hiểm tiền gửi mục tiêu dựa trên nguyên tắc quỹ mục tiêu phải đủ lớn để bù đắp tổn thất trong hầu hết các tình huống tổn thất mà PIDM có thể gặp phải, từ đó tạo niềm tin cho người gửi tiền, nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các ngân hàng thành viên. Để xác định tỷ lệ quỹ mục tiêu, PIDM sử dụng Phương pháp mô hình hóa giá trị rủi ro để đánh giá mức độ rủi ro tài chính của PIDM trong việc cung cấp bảo hiểm tiền gửi. PIDM cũng đã sử dụng phương pháp mô phỏng Monte Carlo trong việc xây dựng phân phối tổn thất thống kê, dựa trên 10 triệu kịch bản tổn thất ngẫu nhiên. Từ phân phối tổn thất này, PIDM đã xác định mức vốn đủ để chi trả cho các tổn thất với độ tin cậy 98,7%. Theo đó, tỷ lệ quỹ mục tiêu của PIDM nằm trong khoảng từ 0,60% đến 0,90% tổng số tiền gửi được bảo hiểm cho cả quỹ bảo hiểm tiền gửi thông thường và Hồi giáo.
Xây dựng cơ chế xử lý hiệu quả
Một cơ chế xử lý hiệu quả cho phép xử lý các tổ chức tài chính mà không gây ra sự gián đoạn hệ thống nghiêm trọng, đồng thời bảo vệ các quỹ công, duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính và hạn chế rủi ro đạo đức. Một khía cạnh của cơ chế này là xây dựng kế hoạch phục hồi và xử lý cho các tổ chức thành viên. Năm 2016, PIDM và Ngân hàng Trung ương Malaysia đã thiết lập khung chính sách cho việc triển khai kế hoạch phục hồi cũng như xử lý đổ vỡ (RRP) cho các tổ chức tài chính. Sáng kiến chung này đảm bảo việc triển khai kế hoạch phục hồi và xử lý đổ vỡ được thực hiện hiệu quả. Giai đoạn đầu của RRP đã bắt đầu được thực hiện thông qua bài tập thí điểm lập kế hoạch phục hồi vào tháng 7/2017 cho các ngân hàng thí điểm được chọn.
Sau khi hoàn thành các bài tập thí điểm lập kế hoạch phục hồi, PIDM sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Trung ương Malaysia thực hiện các bài tập thí điểm lập kế hoạch xử lý. Trong quá trình này, các ngân hàng tham gia các bài tập thí điểm sẽ có cơ hội đưa ra ý kiến đối với các yêu cầu lập kế hoạch xử lý trước khi các yêu cầu này được đưa ra toàn hệ thống. PIDM sẽ tham gia với các thành viên mạng an toàn tài chính trong suốt quá trình phát lập kế hoạch xử lý. Các tổ chức thành viên có kiến thức chuyên sâu về các hoạt động kinh doanh và hoạt động đóng vai trò quan trọng trong quy trình lập kế hoạch xử lý. PIDM hợp tác với các tổ chức thành viên để phát triển các kế hoạch xử lý của họ nhằm đảm bảo các kế hoạch đó khả thi và đáng tin cậy.
Liên tục thực hiện các bài tập mô phỏng tình huống chi trả
Bắt đầu từ năm 2010, PIDM liên tục thực hiện các bài tập mô phỏng nhằm đảm bảo mức độ sẵn sàng của PIDM trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Các bài tập mô phỏng của Malaysia bao gồm can thiệp và xử lý đổ vỡ một ngân hàng, can thiệp và xử lý đổ vỡ một công ty bảo hiểm, thực hiện từng bước hoặc tất cả các bước của quy trình chi trả trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng. Từ đó, PIDM kiểm tra và nâng cấp các hệ thống và cơ sở hạ tầng, tìm kiếm thêm các biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động xử lý, bao gồm cả việc chi trả nếu cần thiết, sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền.
Năm |
Bài tập mô phỏng |
2010 |
Thực hiện can thiệp và xử lý một ngân hàng |
2011 |
Thực hiện 2 mô phỏng nhỏ và một bài tập mô phỏng 2,5 ngày can thiệp và xử lý đổ vỡ một ngân hàng |
2012 |
Thực hiện bài tập mô phỏng đầu tiên về can thiệp và xử lý đổ vỡ một công ty bảo hiểm |
2013 |
Thực hiện một bài tập mô phỏng đổ vỡ một công ty bảo hiểm |
2014 |
Thực hiện từng bước hệ thống và quy trình chi trả trong trường hợp can thiệp và xử lý đổ vỡ |
2015 |
Thực hiện bài tập mô phỏng đổ vỡ ngân hàng |
2016 |
Thực hiện một bài tập mô phỏng chi trả 3 ngày cho 1 ngân hàng thí điểm quy mô trung bình |
2017 |
Thực hiện một bài tập mô phỏng chi trả phạm vi đầy đủ của một ngân hàng thành viên thí điểm |
Nguồn: Báo cáo thường niên PIDM 2017
Củng cố và nâng cao nhận thức công chúng
PIDM rất quan tâm và tích cực triển khai các chương trình nâng cao nhận thức công chúng và giáo dục tài chính, một bộ phận không thể thiếu trong khuôn khổ bảo vệ người gửi tiền. PIDM cho rằng, một tổ chức BHTG hiệu quả phải phổ biến những kiến thức cần thiết cho cộng đồng, giúp họ có đủ thông tin khi đưa ra những quyết định tài chính. Hàng năm, PIDM đều có thêm những sáng kiến để mở rộng đối tượng và nâng cao chất lượng của chương trình giáo dục này để giúp chương trình ngày một có những kết quả cao hơn.
PIDM đã triển khai công tác truyền thông đến công chúng qua nhiều chiến dịch quảng cáo, tổ chức hội thảo, đào tạo cho các nhóm đối tượng khác nhau trên toàn quốc, các chương trình giáo dục tài chính trên các phương tiện truyền thông và chiến dịch truyền thông đại chúng. PIDM cũng sử dụng truyền thông xã hội như một kênh tiếp cận hiệu quả tới các đội tượng mục tiêu khác nhau.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Để có thể bảo vệ tốt nhất người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN cần không ngừng phát triển, duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng. Từ kinh nghiệm của PIDM, BHTGVN có thể cân nhắc nghiên cứu và triển khai:
- Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hạn mức BHTG nhằm bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền (theo khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức BHTG cần bảo vệ toàn bộ 90 – 95% người gửi tiền).
- Xác định tỷ lệ quỹ mục tiêu nhằm duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
- Xây dựng cơ chế xử lý hiệu quả, thực hiện các bài tập mô phỏng chi trả nhằm đảm bảo mức độ sẵn sàng của BHTGVN trong trường hợp xảy ra đổ vỡ.
- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi và vai trò của BHTGVN.
- Xây dựng hệ thống phí phân biệt nhằm đảm bảo sự công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức đối với các cơ quan quản lý khi việc đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần đảm bảo minh bạch và có tham khảo ý kiến với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chưa thực sự ổn định, bất kỳ thay đổi nào về chính sách cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đối với hệ thống.
Việc áp dụng phí phân biệt có thể sẽ tăng thêm gánh nặng tài chính đối với một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức hoạt động yếu kém phải chịu mức phí cao hơn. Do đó, khi quyết định chuyển đổi từ hệ thống phí đồng hạng sang hệ thống phí phân biệt, các cơ quan quản lý cần cân nhắc và đảm bảo các điều kiện cần và đủ để tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng và phát huy được những yếu tố tích cực của hệ thống này.
Tài liệu tham khảo
Báo cáo thường niên PIDM 2017
Bài trình bày Tổng công ty BHTG Malaysia: Hành trình trở thành cơ quan xử lý và bảo vệ người tiêu dùng tài chính tốt nhất, Ông Rafiz Azuan Abdullah, Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Malaysia, APRC 2018
Bài trình bày Transformation of Deposit Insurance:Lessons Learnt, a Decade After theGlobal Financial Crisis, APRC 2017