Ba nội dung chính được ông Martin J. Gruenberg chia sẻ bao gồm: kết quả khảo sát về hiện trạng người tiêu dùng tiếp cận của các dịch vụ tài chính; chương trình thí điểm Tài khoản an toàn dành cho người tiêu dùng ít sử dụng các dịch vụ tài chính; và phương thức FDIC phối hợp cùng các tổ chức cộng đồng, định chế tài chính và người tiêu dùng nhằm tăng cường kỹ năng và khả năng sử dụng dịch vụ tài chính.
Khảo sát hộ gia đình về việc sử dụng các dịch vụ tài chính
Để có dữ liệu tốt hơn nhằm thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế một cách hiệu quả, FDIC định kì tiến hành các nghiên cứu ở tầm cỡ quốc giavề tình trạng sử dụng các dịch vụ tài chính của người tiêu dùng. Định kỳ 2 năm/lần, FDIC hợp tác với Cục điều tra dân số, thực hiện khảo sát trên phạm vi toàn quốc về các hộ gia đình ít hoặc không sử dụng các sử dụng dịch vụ ngân hàng Kết quả khảo sát mới nhất (năm 2013) cho thấy:
· 7,7% hộ gia đình Mỹ không có tài khoản ngân hàng;
· 20% hộ gia đình có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn thường sử dụng các dịch vụ tài chính khác thay vì ngân hàng
Các thông tin nhân khẩu học cũng chỉ ra tỷ lệ hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng hoặc có nhưng ít sử dụng dịch vụ ngân hàng đặc biệt cao trong nhóm dân thiểu số không phải gốc châu Á; các hộ gia đình có thu nhập và trình độ học vấn thấp; các hộ gia đình trẻ và hộ gia đình có thành viên thất nghiệp.
Đầu tiên, từ kết quả khảo sát, FDIC nhận thấy tình hình sử dụng dịch vụ ngân hàng luôn có nhiều biến động. Mỗi năm, một số lượng lớn hộ gia đình tham gia cũng như ngừng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Trên thực tế, gần một nửa số hộ hiện không sử dụng dịch vụ ngân hàng (45,9 %) trước đây đã từng có tài khoản. Những thay đổi về việc làm hay thu nhập là một trong những yếu tố tác động đến quyết định sử dụng hay ngừng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đáng chú ý, tồn tại một số khác biệt đối với những hộ gia đình người khuyết tật: tình trạng việc làm ít tác động tới việc sử dụng dịch vụ ngân hàng của họ. Các hộ gia đình này mở tài khoản ngân hàng chủ yếu chỉ để nhận các khoản tiền chuyển khoản hoặc chi phiếu.
Tựu chung, những kết quả này gợi ý rằng sự can thiệp về chính sách hoặc việc thiết kế các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn kinh tế có thể sẽ làm giảm tỉ lệ người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Thứ hai, FDIC nhận thấy các dịch vụ tài chính – ngân hàng trên nền tảng điện thoại di động có khả năng nâng cao mức độ hòa nhập về kinh tế do công nghệ này làm cho giao dịch ngân hàng thuận tiện hơn.
Khảo sát của FDIC và Cục điều tra dân số cho thấy điện thoại di động được sử dụng rộng rãi trên toàn dân số. 68% số hộ không sử dụng dịch vụ ngân hàng và hơn 90% hộ gia đình ít sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đang sở hữu một chiếc điện thoại di động. 33,1% số hộ không sử dụng dịch vụ ngân hàng có sử dụng điện thoại thông minh, trong khi tỷ lệ này ở nhóm hộ ít sử dụng dịch vụ ngân hàng là 64,5% và nhóm hộ gia đình thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng là 59%. FDIC đã từng nhận định rằng dịch vụ tài chính trên điện thoại di động chỉ có thể phát huy tiềm năng thúc đẩy hòa nhập kinh tế một khi được quan tâm đúng mức và tích hợp vào chiến lược tổng thể của ngân hàng.
Thứ ba, kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ sử dụng thẻ tín dụng trả trước (prepaid) ngày càng tăng. Từ năm 2009 đến năm 2013, tỷ lệ hộ chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng đã từng sử dụng thẻ trả trước đã tăng gấp đôi; các số liệu gần đây nhất cho thấy 27,1% số hộ chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng đã từng sử dụng thẻ tín dụng trả trước. Các số liệu đã thể hiện cơ hội để hệ thống ngân hàng đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.
Sáng kiến Tài khoản an toàn
Các giao dịch liên quan đến tài khoản là nền tảng để tham gia vào hệ thống ngân hàng chính quy, và mở một tài khoản tại ngân hàng đã tham gia BHTG là một bước đệm cho việc phổ biến dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, điều quan trọng là người tiêu dùng phải lựa chọn được loại hình tài khoản phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Để tạo thuận lợi cho mối quan hệ bền vững giữa khách hàng và ngân hàng, FDIC đã phát triển một mô hình dịch vụ tài khoản đảm bảo an toàn. Mô hình này bao gồm các giao dịch và gửi tiết kiệm một cách minh bạch, dễ hiểu với chi phí thấp, được hỗ trợ bởi những quy trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được FDIC bảo hiểm.
Các tài khoản giao dịch được xây dựng xung quanh thẻ ghi nợ. Bằng cách sử dụng thẻ và các giao dịch điện tử, các tổ chức tín dụng sẽ tiết kiệm được chi phí; khách hàng sẽ tránh được các khoản phí do bội chi hay thấu chi. Từ đó, khách hàng có thể sử dụng đầy đủ các dịch vụ của ngân hàng với mức phí thấp, giảm mức số dư tài khoản tối thiểu phải duy trì. Trong một năm qua, chín ngân hàng đã triển khai thí điểm mô hình tài khoản này. Gần đây, một số ngân hàng, gồm cả ngân hàng địa phương và ngân hàng quy mô lớn đã đưa ra loại hình tài khoản tương tự như cơ cấu Tài khoản an toàn. Cùng với đó, nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng thẻ tín dụng trả trước như một công cụ xây dựng mối quan hệ cung cấp dịch vụ ngân hàng. Theo các nguyên tắc của dịch vụ Tài khoản an toàn, các sản phẩm thẻ tín dụng này đáp ứng nhu cầu giao dịch cơ bản của khách hàng một cách bảo mật, giúp khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ và sản phẩm khác ngân hàng.
Các chuyên gia phân tích của FDIC ước tính, ở mọi hạt có sự hiện diện của chi nhánh ngân hàng, 78% cư dân biết đến loại hình Tài khoản an toàn.
Giáo dục tài chính và tiếp cận dịch vụ tài chính
FDIC hiện đang hợp tác với Chương trình Xóa bỏ rào cản và thúc đẩy tiếp cận dịch vụ ngân hàng (Bank On) trên toàn nước Mỹ để mở rộng khả năng của người tiêu dùng tiếp cận các tài khoản giao dịch với chi phí hợp lý.
Một đóng góp quan trọng của FDIC trong lĩnh vực này là Chương trình Giáo dục tài chính Sử dụng đồng tiền khôn ngoan (Money Smart). Nỗ lực này sẽ mang đến cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình cũng như các doanh nghiệp nhỏ nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách hợp lý. Kể từ năm 2001, gần 2,8 triệu người tiêu dùng đã tham gia chương trình Money Smart.
Các tài liệu giáo dục tài chính phải dễ dàng tiếp cận với cộng đồng. Tới nay, FDIC đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn Sử dụng đồng tiền khôn ngoan (Money Smart) bằng nhiều ngôn ngữ và định dạng khác nhau, bao gồm cả bản in khổ lớn, chữ nổi, và dữ liệu ghi âm. Nguồn tài nguyên trực tuyến bao gồm các phần tự học đáp ứng các tiêu chuẩn tiếp cận liên bang bắt buộc. Hơn nữa, FDIC cũng đào tạo, tập huấn các giảng viên để có thể sử dụng tài liệu Money Smart trong quá trình truyền tải kiến thức đến với người tiêu dùng. Tất cả các nguồn tài liệu và tài liệu giáo dục tài chính cộng đồng đều được phát miễn phí với xuất phát điểm từ trang web của FDIC: http://fdic.gov/moneysmart. Kết luận bài phát biểu, ông Martin J. Gruenberg khẳng định, cần thúc đẩy các thành quả đã đạt được tiến xa hơn, mở rộng hơn.
Chủ tịch FDIC cũng thông báo BHTG Mỹ và Viện Quốc gia về người khuyết tật đã đạt được thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của FDIC trong thời gian tới.