Giới thiệu chung
Quỹ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Azerbaijan (ADIF) được thành lập vào 12/8/2007 sau khi Luật BHTG được Chính phủ Cộng hòa Azerbaijan thông qua và được Tổng thống ký ban hành. Mục đích thành lập ADIF là để ngăn ngừa rủi ro mất tiền gửi của các cá nhân, đảm bảo tính bền vững và sự phát triển của hệ thống tài chính khi các ngân hàng bị đổ vỡ. Quỹ BHTG là một thực thể pháp lý phi lợi nhuận, có vốn và tài sản riêng, được điều hành bởi Hội đồng tín thác (Trustee Board) và Giám đốc điều hành trên cơ sở Luật BHTG.
Đối tượng tham gia BHTG là tất cả các ngân hàng nội địa và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép nhận tiền gửi cá nhân. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi của cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG. Tiền gửi tại chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ không được bảo hiểm.
Từ 24/2/2015, hạn mức BHTG được áp dụng cho tiền gửi cá nhân với lãi suất từ 12% trở xuống khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng là 30.000 AZN (khoàng hơn 19.000 USD). Bắt đầu từ tháng 2/2016, hạn mức BHTG đã được điều chỉnh, theo đó, tiền gửi cá nhân với lãi suất từ 12% trở xuống được bảo hiểm toàn bộ. Thời gian hiệu lực của cơ chế bảo hiểm toàn bộ là 03 năm.
Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của ADIF là Luật BHTG do Tổng thống ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 29/12/2006. Luật quy định các nguyên tắc của việc thành lập và vận hành hệ thống BHTG bắt buộc đối với các ngân hàng hoạt động tại nước Cộng hòa Ajerbaijan cũng như các thủ tục chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
Mô hình, chức năng, nhiệm vụ
Mô hình: Chi trả thông thường (pay-box)
Chức năng: ADIF có 02 chức năng chính:
- Bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền;
- Góp phần đảm bảo tính bền vững và sự phát triển của hệ thống ngân hàng.
Nhiệm vụ chính:
- Theo dõi, cấp chứng nhận đăng ký thành viên cho các ngân hàng;
- Theo dõi các yêu cầu chi trả , tiến hành chi trả cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm;
- Nhận từ tổ chức tham gia BHTG các thông tin, báo cáo về tiền gửi và thông tin cần thiết khác cho hoạt động nghiệp vụ của ADIF;
- Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG nộp phí BHTG và thông báo cho cơ quan giám sát thị trường tài chính;
- Thu và lưu giữ hồ sơ về phí BHTG;
- Vay vốn từ thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương và Chính phủ trong trường hợp thiếu vốn hoạt động;
- Thông qua các quy định của Quỹ nhằm đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành;
- Thực hiện các chức năng cần thiết khác để duy trì hoạt động của Quỹ.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của ADIF gồm Hội đồng tín thác, Ban điều hành và một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ. Hội đồng tín thác là cơ quan quản trị cao nhất của ADIF. Hội đồng này quyết định cơ cấu tổ chức của ADIF, phê chuẩn các quy định của Quỹ, ngân sách, các vấn đề về chi trả cho người gửi tiền trên cơ sở phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức công chúng về BHTG.
Trong Ban điều hành, lãnh đạo cao nhất là Giám đốc điều hành cùng các Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ, triển khai các nghị quyết của Hội đồng tín thác và quản lý các hoạt động thường ngày của ADIF.
Tổng số cán bộ, nhân viên của ADIF là khoảng 20 người (năm 2016).
Quỹ BHTG
Theo Luật BHTG Ajerbaijan, Quỹ BHTG được hình thành chủ yếu từ nguồn thu phí BHTG của các tổ chức tham gia BHTG. Ngoài ra còn có nguồn thu từ việc đầu tư của Quỹ vào các tài sản tài chính an toàn gồm: trái phiếu do Chính phủ, Ngân hàng Trung ương phát hành, các công cụ tài chính có tín nhiệm cao, tiền gửi của ADIF tại Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng có tín nhiệm cao.
Vào thời điểm năm 2016, Quy mô Quỹ BHTG đạt khoảng 134,8 triệu AZN (khoảng gần 87 triệu USD), tương đương khoảng 5,88% tổng tiền gửi được bảo hiểm.
Vai trò của ADIF trong mạng an toàn tài chính
Mạng an toàn tài chính tại Azerbaijan bao gồm 4 thành viên:
- Ngân hàng Trung ương (CBA) là cơ quan quản lý tiền tệ Trung ương và là người cho vay cuối cùng.
- Cơ quan giám sát các thị trường tài chính (FMSA) là cơ quan mới được thành lập vào tháng 3/2016, chịu trách nhiệm cấp phép, quản lý và giám sát thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các hệ thống thanh toán. Cơ quan này tiếp nhận chức năng giám sát hệ thống tài chính-ngân hàng trước đó thuộc về CBA.
- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách, biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các thị trường tài chính nói chung.
- ADIF chịu trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền.
Các thành viên trên đã thành lập Ủy ban ổn định tài chính vào giữa năm 2016 nhằm tăng cường hợp tác liên ngành trong hỗ trợ các chính sách liên quan đến giám sát và quản lý. Chủ tịch của Ủy ban ổn định tài chính là Thủ tướng Chính phủ.
Là một thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia, ADIF thực hiện chức năng vận hành quỹ BHTG. Thông qua việc thực hiện chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền khi xảy ra sự cố đổ vỡ, ADIF giúp duy trì niềm tin người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng rút tiền hàng loạt và phản ứng dây chuyền, qua đó, góp phần vào việc củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính tại Ajerbaijan.
Ngoài ra, Luật BHTG và các Luật liên quan quy định khá rõ việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ADIF và các thành viên của mạng an toàn tài chính. Theo đó, ADIF báo cáo về số tiền gửi được bảo hiểm tại mỗi tổ chức tham gia BHTG cho Ngân hàng Trung ương và FMSA; cung cấp thông tin về các nghiệp vụ cho Ngân hàng Trung ương và FMSA theo yêu cầu.
Ngược lại, FMSA và Ngân hàng Trung ương sẽ cung cấp thông tin cho ADIF trong các trường hợp: cấp phép hoạt động ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng; khi một ngân hàng có khả năng đổ vỡ; khi chỉ định một tổ chức tiếp nhận tạm thời tổ chức tham gia BHTG; đình chỉ việc nhận tiền gửi cá nhân của một tổ chức tham gia BHTG; tạm thời đình chỉ việc một tổ chức tham gia BHTG thanh toán các nghĩa vụ nợ; khi một tổ chức tham gia BHTG bị bắt buộc phải thanh lý hoặc phá sản mà không thể thực hiện các trách nhiệm pháp lý hay theo hợp đồng liên quan đến tiền gửi.
Trên cơ sở quy định pháp lý, ADIF đã ký Biên bản ghi nhớ về việc chia sẻ và trao đổi thông tin với Ngân hàng Trung ương và đang dự thảo Biên bản ghi nhớ về việc chia sẻ thông tin với FMSA. Các quy định pháp lý và cơ chế trao đổi thông tin nói trên góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng an toàn tài chính tại Ajerbaijan thông qua củng cố quan hệ hợp tác giữa các thành viên.