Mục tiêu chiến lược của KDIF bao gồm: (i) Tăng cường năng lực hoạt động để thực hiện chức năng, và quy trình hoạt động tiên tiến; (ii) Nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống bảo hiểm tiền gửi và (iii) Tăng cường quan hệ với các đối tác.
KDIF bảo hiểm cho tiền gửi bằng đồng nội tệ và ngoại tệ
Tại Kazakhstan, tất cả các ngân hàng được cấp phép giao dịch tiền mặt, mở và duy trì tài khoản thanh toán của các cá nhân, trừ các ngân hàng Đạo hồi theo luật hiện hành đều bắt buộc phải tham gia vào hệ thống BHTG. KDIF bảo hiểm cho các tài khoản bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ của các cá nhân. Hạn mức bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng nội tệ là 10 triệu tenge (tương đương 30.000 USD) trong khi hạn mức bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng ngoại tệ tương đương 5 triệu tenge (tương đương 15.000 USD). Kazakhstan áp dụng hệ thống phí phân biệt để tính phí bảo hiểm cho các thành viên của hệ thống BHTG của mình.
Cơ sở pháp lý
KDIF được điều chỉnh bởi Luật BHTG ban hành năm 2006 và Luật Ngân hàng. Theo đó, KDIF có những đặc điểm sau: Các ngân hàng được cấp phép giao dịch tiền mặt, mở và duy trì các tài khoản ngân hàng của các cá nhân bắt buộc phải tham gia vào hệ thống BHTG của nước này; Hệ thống BHTG phải đảm bảo tính minh bạch; Hệ thống BHTG được vận hành theo hướng giảm thiểu rủi ro liên quan đến hoạt động; Dùng quỹ dự phòng trả trước để chi trả.
Mô hình, chức năng, nhiệm vụ
Với tư cách là một trong những thành viên của mạng an toàn tài chính, nhiệm vụ của KDIF là duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính Kazakhstan và sự ổn định của hệ thống này thông qua việc đảm bảo tiền gửi của cá nhân và khuyến khích các ngân hàng thành viên hoạt động một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Theo Luật BHTG của Kazakhstan, KDIF có những chức năng chính sau: Chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp thanh lý bắt buộc ngân hàng thành viên của hệ thống BHTG; Xây dựng quỹ dự phòng để phục vụ chi trả; Đại diện trong hội đồng thanh lý và nhóm các chủ nợ của ngân hàng thành viên của hệ thống BHTG trong việc thanh lý bắt buộc; Chỉ định ngân hàng đại lý trên cơ sở quy trình đấu giá cạnh tranh; Cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho các ngân hàng thành viên; Đảm bảo hoạt động quản lý đầu tư tài sản có.
Cơ cấu tổ chức
KDIF hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan là cơ quan thành lập, là cổ đông duy nhất, cũng là cơ quan quản lý của KDIF. KDIF hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên cổ phần không được giữ lại hoặc phân chia cho các cổ đông. Theo Luật công ty KDIF, Phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của KDIF được giao quyền đưa ra mọi quyết định trong phạm vi thẩm quyền của cổ đông duy nhất là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan. Hội đồng Quản trị của KDIF bao gồm 3 thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị của KDIF, Tổng giám đốc KDIF và Giám đốc độc lập. Cơ cấu tổ chức của KDIF bao gồm Uỷ ban Lập kế hoạch Chiến lược, Quản trị rủi ro và Kiểm toán nội bộ, Phòng Nhân sự, Phòng Khen thưởng và các vấn đề xã hội.
Quỹ của KDIF
Quỹ của KDIF được thành lập dưới hình thức cấp vốn trước nhằm chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại ngân hàng thành viên của KDIF bị thanh lý bắt buộc, cũng như bù đắp mức chênh lệch giữa giá trị tài sản có của ngân hàng gặp vấn đề và tài sản nợ được chuyển giao cho một ngân hàng “lành mạnh” theo một giao dịch mua lại và tiếp nhận nợ (P&A).
Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt quỹ đặc biệt để chi trả đầy đủ tiền bảo hiểm trong hạn mức cho toàn bộ người gửi tiền được bảo hiểm của ngân hàng bị thanh lý bắt buộc, luật của Kazakhstan cho phép áp dụng các biện pháp cấp vốn hỗ trợ sau để bổ sung cho quỹ dự phòng đặc biệt của KDIF, chẳng hạn như: thu thêm phí bổ sung từ các ngân hàng thành viên của hệ thống bảo hiểm tiền gửi của nước này, vay từ Ngân hàng Quốc gia của Kazakhstan một khoản tiền cần thiết để bổ sung phần thiếu hụt đó của quỹ, cũng như vay tái cấp vốn từ cổ đông duy nhất của KDIF là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan.
Theo luật hiện hành của Kazakhstan, quỹ dự phòng đặc biệt của KDIF phục vụ chi trả được hình thành từ những nguồn sau: Nguồn vốn của KDIF nhưng không vượt quá 70% vốn pháp định; Phí tham gia bảo hiểm do các ngân hàng thành viên hệ thống BHTG Kazakhstan đóng góp; Tiền phạt do các ngân hàng thành viên không hoàn thành hoặc hoàn thành chưa đầy đủ nghĩa vụ theo Hợp đồng tham gia bảo hiểm; Tiền thu được từ tài sản thanh lý của ngân hàng thành viên bị thanh lý bắt buộc để chi trả cho người gửi tiền; Thu nhập từ đầu tư có gắn với việc phân bổ tài sản dự phòng đặc biệt; Thu nhập từ đầu tư gắn với việc phân bổ tài sản là bất động sản của KDIF trừ đi chi phí và các khoản đóng góp theo Điều lệ của KDIF.
Tính đến nay, mới có ba trường hợp đổ vỡ ngân hàng và chi trả cho người gửi tiền vào năm 2002, 2005 và 2009 với tổng số tiền chi trả xấp xỉ 15 tỷ tenge (tương đương với 45 triệu USD).