Tại Ấn Độ, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1962, đã tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Tổng công ty BHTG Ấn Độ (DIC). Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn công vào năm 1971 với tên gọi “Tổng công ty bảo lãnh tín dụng Ấn Độ” (CGCI) để triển khai “Cơ chế Bảo lãnh Tín dụng của Chính phủ” nhằm đảm bảo cho các khoản vay và tạm ứng của các tổ chức tín dụng cho những người đi vay nhỏ và cần vốn thuộc khu vực ưu tiên.
Nhằm hợp nhất các chức năng về BHTG và bảo lãnh tín dụng, hai tổ chức trên đã được sáp nhập lại thành Tổng công ty BHTG và Bảo lãnh tín dụng (DICGC). Năm 1978, DICGC bắt đầu đi vào hoạt động và là tổ chức bảo hiểm lâu đời thứ hai trên thế giới, chỉ sau Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Do không có tổ chức tín dụng nào tham gia vào cơ chế đảm lãnh tín dụng của DICGC, nên cơ chế này bị ngừng lại vào năm 2003 và hiện tại BHTG là chức năng chính của Tổng công ty này.
Các tổ chức tham gia BHTG
Các tổ chức thuộc đối tượng được BHTG tại Ấn Độ là các ngân hàng thương mại (bao gồm cả chi nhánh các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ), các Ngân hàng địa phương (LABs), ngân hàng nông thôn khu vực (RRBs), Công ty tài chính nhỏ (SFBs), Ngân hàng thanh toán (PBs) và các ngân hàng hợp tác xã. Tính đến ngày 31/12/2017, DICGC đang tiến hành bảo hiểm tiền gửi cho 2110 ngân hàng, bao gồm 159 ngân hàng thương mại (56 RRB, 3 LAB, 5 PB và 9 SFB) và 1951 ngân hàng hợp tác xã (33 ngân hàng hợp tác xã cấp bang, 364 ngân hàng hợp tác xã trung ương cấp huyện và 1554 ngân hàng hợp tác xã đô thị). Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa chiếm phần lớn số lượng ngân hàng tham gia BHTG tại Ấn Độ, bao gồm LAB, RRB, SFB, PB và các ngân hàng hợp tác xã.
Hạn mức BHTG
Hạn mức BHTG hiện hành là 100.000 rupee Ấn Độ (tương đương 1.538 USD). Tính đến ngày 31/3/2017, DICGC đang bảo vệ cho 1.737.200.000 tài khoản, chiếm khoảng 92% tổng tài khoản, với tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm đạt 470 tỷ USD, tương đương khoảng 30% tổng tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm. Tỷ lệ này khá tốt so với tiêu chuẩn do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) khuyến nghị, đó là hạn mức BHTG cần bảo vệ được 80% số lượng tài khoản, tương đương 20-30% giá trị tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm.
Phí BHTG
DICGC thu phí BHTG của các ngân hàng tham gia BHTG tiền gửi định kỳ 2 lần/1 năm, trong vòng 2 tháng kể từ khi bắt đầu mỗi nửa năm tài chính, trên cơ sở số dư tiền gửi tại thời điểm cuối cùng của nửa năm trước đó. Phí BHTG được tính toán trên cơ sở số dư tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm và theo quy định, người gửi tiền không phải đóng phí BHTG mà chính các ngân hàng phải nộp phí khi tham gia BHTG.
Hiện tại, mức phí BHTG DICGC đang áp dụng là 0,1%/năm/100 rupee tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm tại các ngân hàng tham gia BHTG vào thời điểm cuối cùng của nửa năm trước.
Quỹ BHTG
Quỹ BHTG (DIF) được hình thành chủ yếu từ nguồn phí do các ngân hàng tham gia BHTG đóng góp. Bên cạnh đó, Quỹ này cũng bao gồm thu nhập từ lãi đầu tư của DICGC vào Trái phiếu Chính phủ Trung ương. Quỹ này được dùng để chi trả cho những người gửi tiền của các ngân hàng bị buộc phải thanh lý/tái cấu trúc/hợp nhất… Tính đến 31/3/2017, quy mô của DIF đạt 108 tỷ USD.
Ngoài ra, Quỹ Bảo lãnh tín dụng (CGF) và Quỹ chung (GF) cũng được quản lý bởi DICGC. Tính đến nay, CGF chưa phải sử dụng nguồn quỹ để chi trả lần nào.
GF được sử dụng nhằm trang trải chi phí thành lập và hoạt động của DICGC. Tính đến 31/3/2017, nguồn quỹ của CGF và GF đạt 0,08 tỷ USD và 0,07 tỷ USD. Thặng dư của cả ba Quỹ được đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ Trung ương.
Chi trả BHTG
Khi xảy ra đổ vỡ tại các ngân hàng tham gia BHTG, DICGC sẽ tiến hành chi trả cho người gửi tiền. Trong trường hợp đóng cửa hoặc thanh lý một ngân hàng được BHTG, tất cả người gửi tiền tại ngân hàng đó sẽ được chi trả BHTG với hạn mức tối đa 100.000 rupee cho tất cả các khoản tiền gửi tại tất cả các chi nhánh của ngân hàng cộng lại cho đến ngày có quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, sau khi cấn trừ số nợ của người gửi tiền đó với ngân hàng bị đổ vỡ.
Theo quy định của Luật DICGC, trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm được giao nhiệm vụ thanh lý, cơ quan chịu trách nhiệm thanh lý ngân hàng tham gia BHTG đã bị đóng cửa hoặc buộc phải thanh lý phải nộp cho DICGC danh sách liệt kê số tiền gửi của từng người gửi tiền và số tiền bù trừ theo cách thức do DICGC quy định. DICGC phải tiến hành chi trả trong vòng 2 tháng kể từ ngày nhận được danh sách người gửi tiền của ngân hàng đổ vỡ từ cơ quan thanh lý.
Thu hồi số tiền đã chi trả
Theo các quy định của Luật DICGC, cơ quan thanh lý hoặc ngân hàng tham gia BHTG hay ngân hàng tiếp nhận có nghĩa vụ phải hoàn trả cho DICGC số tiền mà Tổng công ty này đã chi trả trích từ số tiền thanh lý tài sản của ngân hàng đổ vỡ và các khoản tiền còn lại khác sau khi đã trừ đi chi phí phát sinh.
Hoạt động quản trị, điều hành
Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, quản lý, và điều hành chung DICGC. Chủ tịch Hội đồng quản trị là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI). Các thành viên của Hội đồng bao gồm Giám đốc điều hành của RBI, các thành viên khác do Chính phủ Ấn Độ chỉ định và các thành viên độc lập.
Theo quy định chung của DICGC, một “Giám đốc độc lập” của một ngân hàng tham gia BHTG không được phép đồng thời giữ chức “ Thành viên độc lập của Hội đồng quản trị của DICGC” nhằm tránh xung đột về lợi ích. Luật DICGC quy định việc tổ chức các cuộc họp hàng quý của Hội đồng quản trị để đánh giá kết quả công việc của Hội đồng. Hội đồng quản trị của DICGC sẽ trình lên Quốc hội Ấn Độ báo cáo tài chính cùng với kết quả công việc hàng năm theo yêu cầu pháp định, và báo cáo cùng kết quả này được công bố hàng năm.
Xử lý ngân hàng
Hiện tại, DICGC hoạt động theo mô hình chi trả đơn thuần, tức là chỉ thực hiện nhiệm vụ chi trả cho người gửi tiền của các ngân hàng đổ vỡ. Theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, chức năng xử lý các tổ chức tài chính được quy định ở các văn bản pháp lý khác nhau. Để thống nhất vấn đề xử lý các tổ chức tài chính về một cơ quan duy nhất và cũng để giải quyết những thiếu sót của cơ chế xử lý hiện hành so với “Bộ các thuộc tính cơ bản của cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém” do Ủy ban ổn định tài chính (FSB) khuyến nghị, bản dự thảo “Luật xử lý tài chính và BHTG, 2017” đã được công bố vào tháng 8/ 2017 nhằm thành lập một Công ty xử lý (RC). Dự luật này dự kiến trao thêm quyền cho RC về vấn đề khung thời gian chính xác, các kế hoạch khôi phục và xử lý, khung pháp lý riêng biệt, chức năng giám sát, ngân hàng bắc cầu, hỗ trợ tài chính và thanh lý bên cạnh những nhiệm vụ hiện tại mà DICGC đang thực hiện.
Một số hoạt động quan trọng khác
DICGC tiến hành hoạt động tuyên truyền về chính sách BHTG tới công chúng thông qua các ngân hàng tham gia BHTG, website của DICGC, sổ tay hướng dẫn về BHTG và tờ rơi. Bên cạnh đó, DICGC cũng tổ chức các cuộc hội thảo cho các cơ quan thanh lý để thúc đẩy nhanh chóng việc tiến hành chi trả BHTG, đặc biệt là cho người gửi tiền tại các ngân hàng quy mô nhỏ.
DICGC tham gia các cuộc họp ủy ban điều phối của các cơ quan giám sát và quản lý để giải quyết các vấn đề liên quan tới BHTG. DICGC hiện đang cải tiến hệ thống công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức.